Kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền trước ngày bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025

Việt Nam phải ngay lập tức cam kết tiến hành những bước cụ thể để cải thiện thực tiễn nhân quyền; trong đó có việc trả tự do cho những nhà bảo vệ nhân quyền bị giam giữ tùy tiện, gồm các phóng viên; bảo đảm quyền tự do ngôn luận và lập hội; cũng như cải thiện hợp tác với các cơ chế nhân quyền quốc tế. Những bước cụ thể đó cần thiết để Việt Nam có thể trở nên một thành viên đáng tin cậy của Hội đồng Nhân quyền.

Kêu gọi này được bốn tổ chức gồm Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Article 19, Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ủy ban Luật gia Quốc tế -ICJ đưa ra ngày 10/10; chỉ một hôm trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu chọn những quốc gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Thông cáo nhắc lại Nghị quyết 60/251 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc khi thành lập Hội đồng Nhân quyền đòi hỏi các nước thành viên được bầu vào hội đồng này phải thực thi những chuẩn mực cao nhất trong công tác cổ xúy và bảo vệ quyền con người.

Bốn tổ chức cho biết kể từ khi chính phủ Hà Nội thông báo ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi ngày 22/2/2021 đến nay, có ít nhất 48 người bị bắt giữ, kết án tù gồm phóng viên, giới hoạt động và lãnh đạo các tổ chức phi Chính phủ (NGO). Họ bị cáo buộc những tội danh tùy tiện từ ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’, ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ cho đến ‘trốn thuế’ theo các điều 331, 117 và 200 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Hai trường hợp nổi bật được nêu lên là ông Phạm Chí Dũng- Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt nam bị án 15 năm tù hồi tháng 1/2021 và bà Phạm Đoan Trang- nhà báo độc lập và nhà bảo vệ nhân quyền, bị án 9 năm tù vào tháng 12/2021 với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.

Trường hợp tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư cáo buộc bị đánh đập , bị biệt giam và cùm chân nhiều ngày được nêu ra làm điển hình để phản bác trình bày bị cho ‘giả dối’ của Việt Nam trước Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hiệp quốc hôm 4/8/2022 rằng ‘các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam được bảo đảm tốt hơn’.

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức giám sát nhân quyền trên thế giới lên tiếng liên quan việc Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa 2023-2025.

Vào ngày 18/4/2022, tám tổ chức nhân quyền đã gửi thư chung cho Đại diện Thường trực của các Quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ kêu gọi không nên bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, với lý do rằng “Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền”.

 

Related posts