Khai thác chung với TQ ở khu vực thác Bản Giốc, Việt Nam “lại nhượng bộ”?

Lễ vận hành thí điểm cho du khách Việt Nam và Trung Quốc qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) đã được diễn ra hôm thứ Sáu 15/9/2023.

Thông tấn xã Việt Nam trong cùng ngày có bài đưa tin về sự kiện này, dẫn phát biểu của một quan chức địa phương Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy, rằng: “Mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Việc hai nước hoàn thành ký kết Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) mang ý nghĩa to lớn trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, thể hiện sự thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.”

“Không nên vội vàng tổ chức tour du lịch với TQ”

Nêu phản ứng hôm 18/9/2023 từ Sài Gòn liên quan đến sự kiện trên, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một chuyên gia theo dõi quan hệ song phương Việt – Trung và một số vấn đề về biên giới đất liền và trên biển của Việt Nam ở trong khu vực, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng:

“Kể từ khi Hiệp định Biên giới trên bộ được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, Trung Quốc ra sức khai thác phần thác Bản Giốc mà do họ quản lý, còn phía Việt Nam hình như chưa có một động thái nào ngoài một trạm biên phòng ở dưới chân thác, tôi nghĩ rằng việc nhà nước Việt Nam khởi động vấn đề tiến hành song song với nhà nước Trung Quốc để khai thác du lịch, thắng cảnh của thác Bản Giốc, có thể là nhà nước Việt Nam nghĩ về  vấn đề kinh tế nhiều hơn là vấn đề an ninh hay là vấn đề tâm lý của người Việt Nam trong Hiệp ước biên giới trên bộ được ký kết cách đây trên 20 năm.

Và tôi cho rằng khai thác du lịch trên thác Bản Giốc như là chính phủ Việt Nam đang khởi động cũng không mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho đất nước, không mang lại số tiền nhiều hơn cho du lịch tại thắng cảnh này, mà nó còn khơi sâu thêm những nghi ngờ, những dấu hỏi còn đặt ra khi mọi người chưa được những câu trả lời một cách rõ ràng, nghiêm túc về quá trình đấu tranh để dẫn đến ký kết hiệp ước trên bộ, nhất là tại những địa danh nổi tiếng của Việt Nam mà dư luận đã đặt vấn đề như ta đã nói là Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm v.v… Do đó, tôi thấy không nên vội vàng tổ chức những tour du lịch phối hợp với nhà nước Trung Quốc tại đây, khi mà chúng ta chưa có một câu trả lời rõ ràng cho công luận được biết Việt Nam có mất đất hay không.”

Trong một trả lời với truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt trước đây, liên quan câu hỏi liệu Việt Nam có bị ‘mất đất’ hay ‘chịu thiệt thòi’ khi ký hiệp định biên giới trên bộ với Trung Quốc hay không, đặc biệt liên quan một số địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng, trong đó có thác Bản Giốc, nhân đánh dấu 20 năm Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp ước về phân định Biên giới trên đất liền Việt – Trung, một quan chức nguyên Trưởng Ban Biên giới Lãnh thổ của chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục đã khẳng định:

“Theo tôi, thời điểm, cách thức đàm phán và quá trình ký kết Hiệp ước là không có gì bất lợi cả. Về thời điểm, sau khi khôi phục quan hệ ngoai giao, hai bên bắt tay ngay việc đàm phán giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Thực ra là tiếp tục nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề này đã từng diễn ra vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Về cách thức và quá trình ký kết, hai bên đã triển khai loại việc này theo đúng tiến trình và thủ tục pháp lý hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc của Luật pháp và thông lệ quốc tế…”

‘Thác Bản Giốc hoàn toàn của Việt Nam, nhưng VN đã nhượng bộ’

BIEN GIOI.jpeg
Những nhà hoạt động chống Trung Quốc kỷ niệm ngày cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc. Buổi lễ tổ chức ở Hà Nội hôm 17/2/2016. AFP

Tuy nhiên mới đây (hôm 26/7/2023), một số nhà nghiên cứu, quan sát và nhân chứng chia sẻ với RFA quan điểm riêng của mình cho rằng Việt Nam đã chịu thiệt thòi do bị ‘mất đất đai’. Một trong những ý kiến đó là của nhà báo Đỗ Thông Minh, từ Tokyo, Nhật Bản, ông nói:

Cột mốc biên giới, cho đến nay vẫn còn là một sự mù mờ. Trong lúc thảo luận cả chục năm trước, nhà nước Việt Nam tuyên bố sẽ công khai bản đồ biên giới và những cột mốc, nhưng cho tới ngày hôm nay vẫn chưa có gì. Có một số cột mốc cũ, Trung Quốc đào lên và đem về ‘làm kỷ niệm’, và bây giờ cột mốc mới, Trung Quốc lấn qua đất Việt Nam. Thí dụ như Thác Bản Giốc, ngày xưa có con sông ở đó và Thác Bản Giốc kể như là thác hoàn toàn của Việt Nam, nhưng đến khi điều đình, Trung Quốc không chịu. Khi nhìn vào Thác Bản Giốc, có nghĩa là nhìn vào chiều từ Đông sang Tây, lưng quay ra biển, chứ không phải là theo hướng Bắc – Nam khi ta nhìn vào Thác Bản Giốc đó.

Theo nhà báo Đỗ Thông Minh, thác Bản Giốc ở bên tay trái cao, nên nước ít, còn thác ở bên tay phải thấp, do nước chảy lâu ngày làm mòn nên thấp, khiến nước càng chảy phía bên này nhiều, cho nên đẹp hơn. Khi hai bên điều đình với nhau, chia lại thác đó, thác thấp chia đôi, còn thác cao vẫn của Việt Nam; trước đây là của Việt Nam trọn vẹn, có cả tem của Thác Bản Giốc nữa, còn bây giờ Việt Nam đành chấp nhận chia đôi phần thác thấp, còn cái hồ ở phía dưới là chung.

Còn từ Marseille, Pháp, nhà quan sát và khảo cứu Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm:

Năm 1979, Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam ở một số cao điểm trên đường biên giới, trong đó bao gồm Thác Bản Giốc; sau khi hai bên ký kết Hiệp định Biên giới, Việt Nam bắt buộc phải nhượng cho Trung Quốc ở những nơi vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đã chiếm được…Tôi thấy Trung Quốc được phần nhiều, Trung Quốc chiếm phần lớn Thác Bản Giốc, có thể gọi thác đó có ba tầng, chiều cao khoảng 50 mét, có chia nhiều phần khác nhau và phần thác đẹp nhất nay lại thuộc về Trung Quốc. Người dân Việt Nam phản đối, lý do là một cái thác đẹp như vậy cũng là một thắng cảnh quốc gia, nhưng cũng là một tài nguyên về kinh tế, nếu khai thác một cách đúng đắn, khu vực Thác Bản Giốc đó có thể đem lại cho tỉnh Cao Bằng một nguồn kinh tế đáng kể. Nhưng phần đẹp nhất của thác từ năm 2000 đã thuộc về Trung Quốc.”

Một nhân chứng trong cuộc chiến tranh Biên giới Việt – Trung từ 17/2/1979 cho tới giai đoạn cuộc chiến Vị Xuyên ở phía Bắc Việt Nam, cựu chiến bình, nay là nhà báo độc lập, blogger Ngô Nhật Đăng, từ Tiền Giang, nêu lời chứng với Đài Á Châu Tự Do:

Theo một số tư liệu mà tôi lấy được của phía Trung Quốc về mặt trận phía Nam mà những người cựu binh Trung Quốc cung cấp cho tôi, chúng ta mất khoảng đến 200 cây số vuông, hoặc là ví dụ cụ thể nhất mà tôi chứng kiến, đó là Thác Bản Giốc, khi mà tiểu đoàn của tôi có nhiệm vụ bảo vệ những cột mốc từ 107 đến 108, từ cột mốc 107, theo sông Quy Sơn, phải đi xuống chừng một cây số nữa, mới đến Thác Bản Giốc, nhưng bây giờ tự nhiên Thác Bản Giốc còn một nửa, chúng ta chỉ còn một nửa. Vậy thì những cái đó là những thắc mắc mà nhà nước (Việt Nam) phải trả lời cho nhân dân được biết, điều ấy là điều tôi nghĩ là đương nhiên.”

Hôm thứ Hai, từ Sài Gòn, tái khẳng định quan điểm riêng của mình về vấn đề Việt Nam khai thác chung với Trung Quốc ở khu vực thác Bản Giốc, như sự kiện được thông tấn nhà nước Việt Nam long trọng đưa tin, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói với RFA Tiếng Việt:

Khi dư luận đặt câu hỏi và khi nhà nước Việt Nam chưa có những câu trả lời ổn thỏa đối với dư luận đặt ra là Việt Nam có bị mất đất, thiệt thòi hay không khi ký kết hiệp định biên giới Việt – Trung trên bộ, thì cũng không nên tiến hành khai thác chung và cũng không nên tiến hành bất kỳ động thái nào để cho người dân nhìn thấy rằng từng bước tiến của Trung Quốc đối với lãnh thổ của Việt Nam trước và như hiện nay và bản thân tôi, tôi nói rằng khi chưa có câu trả lời thỏa đáng nhằm làm sáng tỏ tất cả mọi vấn đề, thì khi tiến hành khai thác chung là bất lợi, chứ không có một lợi ích nào hết, dù đó là lợi ích kinh tế.”

 

Related posts