Kinh tế VN- đã “nghèo” còn gặp “cái eo điện đóm”

Tình trạng nắng nóng dẫn đến mất điện luân phiên suốt thời gian qua đã làm phức tạp thêm những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Các chuyên gia dự đoán kinh tế Việt Nam khó cán mốc mục tiêu tăng trưởng 6,5% do Quốc hội giao.

Khó khăn chồng chất

Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, thuộc EVN, cho biết đến ngày 13/6, tình hình cung ứng điện tại miền Bắc vẫn rất căng thẳng, gặp nhiều khó khăn do nhiệt điện than liên tục gặp sự cố, còn các hồ thủy điện vẫn cạn nước. Do đó, miền Bắc sẽ tiếp tục tăng cường cắt điện luân phiên.

EVN cũng khuyến cáo khách hàng, cơ quan công sở và cơ sở sản xuất sử dụng điện tiết kiệm, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết để tránh quá tải gây gián đoạn việc cung cấp điện.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập lo ngại rằng, với tình hình kinh tế đầy thách thức như hiện nay, cộng thêm tình trạng mất điện liên tục trên diện rộng sẽ tác động tiêu cực, Việt Nam khó mà đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6.5% đã đặt ra hồi đầu năm 2023:

“Tôi nghĩ rằng tình trạng kinh tế đang rất trì trệ mục tiêu 6,5% là rất khó đạt được và rất là thách thức.

Nền kinh tế đang rất khó khăn. Ngay cả những khu phố vàng của TPHCM thì cũng rất nhiều các cửa tiệm đóng cửa và đó là một biểu hiện cho thấy một nền kinh tế đang thực sự rất trì trệ. Rồi tất cả các thị trường đặc biệt là thị trường bất động sản hầu như là đóng băng…”

Dữ liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam đang chậm lại. Về ngoại thương, trong năm tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giảm 11,6% và nhập khẩu giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng GDP ở mức 3,3% trong năm vào quý đầu tiên của năm 2023, giảm từ mức 5,9% trong quý bốn năm 2022.

Theo Nikkei Asia, nhiều nhà kinh tế đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Oxford Economics, vốn đã dự báo mức tăng trưởng tương đối chậm là 4,2%, nay còn điều chỉnh xuống thấp hơn, chỉ còn tăng trưởng 3,0% trong năm nay.

Giải quyết ngay vấn đề cắt điện

000_32KQ733.jpg
Nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam dù đã hoàn thành nhưng chưa được kết nối vào mạng lưới điện quốc gia. Ảnh: AFP

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, điều cần thiết bây giờ là phải giải quyết ngay tình trạng thiếu điện, khôi phục sản xuất để cứu vãn nền kinh tế. Ông nêu ra ba giải pháp:

“Thứ nhất là cắt điện. Khi cắt điện thì nó cân bằng giữa cung và cầu.

Giải pháp thứ hai là có thể mua qua lưới điện của Trung Quốc và một số nước láng giềng từ Lào hay Campuchia. Dĩ nhiên việc mua điện là việc chẳng đặng đừng và rất là tốn chi phí.

Giải pháp thứ ba về lâu về dài thì Việt Nam phải cải thiện và tăng cường tất cả những nguồn năng lượng, trong đó có điện mặt trời, điện gió và nhiều nguồn năng lượng khác.”

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, từ TPHCM, nói với RFA rằng EVN cần phải tận dụng nguồn điện đã được sản xuất ra mà chưa được lên trên mạng lưới điện để cung cấp cho người dân:

“Nhà nước phải chỉ đạo EVN khẩn trương đưa lên mạng tất cả các sản lượng điện hiện nay đang có mà chưa đưa lên mạng thì nhanh chóng đưa lên rồi giải quyết các vấn đề khác sau.”

Việt Nam vẫn còn tổng cộng khoảng 4.600 MW từ điện gió và điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, vượt qua thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể phát lên lưới vì vướng thủ tục. Ông Bùi Kiến Thành nêu quan điểm:

“EVN họ đưa ra một số lý do nói rằng là chưa đủ hết tất cả pháp lý, rằng là các công ty đó chưa đạt đủ các tiêu chí điều kiện… Nhưng theo tôi đó chỉ là lập luận thôi, chứ còn điện làm ra mỗi ngày thì cố gắng mà cho lên mạng để sử dụng chứ cứ cắm nó xuống đất thì mất mát rất nhiều cho các doanh nghiệp cũng như mất mát cho cả nền kinh tế, làm ra điện mà không dùng và không giữ được điện.”

Triển vọng phát triển trung hạn

Bất chấp những thách thức trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ phát triển tốt trung hạn đến cuối năm 2026.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam hơn trong là năm nay:

“Hiện tại Chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng đẩy mạnh đầu tư công. Đây có thể xem như là vốn mồi cho một nền kinh tế. Khi đầu tư công được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ thì nền kinh tế sẽ được phục hồi nhanh chóng.

Nói chung thì nền kinh tế sang năm tôi nghĩ rằng về mặt rủi ro kinh doanh có thể mức độ sẽ thấp hơn bây giờ.”

Theo quan điểm của tiến sỹ Bùi Kiến Thành, an ninh trật tự Việt Nam hiện nay khá ổn đinh nên ít có rủi ro chính trị cho các nhà đầu tư nước ngoài:

“Hiện giờ thì tình trạng Việt Nam tương đối ổn định, có thể nói là an ninh trật tự nội bộ cũng khá ổn định. Nó không có những rủi ro mà trong kinh tế người ta gọi là “rủi ro chính trị”. Mong rằng việc đó nó sẽ góp phần cho việc phát triển của chúng ta tốt hơn.”

Trang web S&P Global Market Intelligence, mạng báo chuyên cung cấp thông tin chuyên sâu cùng các giải pháp công nghệ và dữ liệu, nhận định trong bài viết “Vietnam economy hit by slumping exports and power blackouts” (tạm dịch là “Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng xấu bởi xuất khẩu giảm và mất điện”, được đăng tải ngày 9/6 cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế khoảng ít nhất là đến năm 2030.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chi phí nhân công tương đối thấp hơn so với các tỉnh ven biển của Trung Quốc.

Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động lớn, được đào tạo tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực ở Đông Nam Á, điều khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư sản xuất hấp dẫn của các công ty đa quốc gia.

Thứ ba, dự kiến chi tiêu công của Việt Nam sẽ tăng. Ví dụ, chính phủ Việt Nam ước tính rằng cần 133 tỷ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng điện mới vào năm 2030, bao gồm 96 tỷ USD cho các nhà máy điện và 37 tỷ USD để mở rộng lưới điện.

Thứ tư, Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Mỹ tính thuế cao hơn đối với nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyểnnhà xưởng từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á.

Related posts