Kỳ vọng gì khi cán bộ có đạo đức tốt tiếp công dân khiếu kiện?

Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vào cuối tháng 3 năm 2023 cho báo nhà nước biết sẽ bố trí cán bộ có đạo đức tốt để phục vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hạn chế gặp dân oan, vì sao?

Ngoài kế hoạch này, cơ quan chức năng cũng sẽ tổ chức thực hiện nghiêm túc về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi…

Ông Ba một dân oan ở Lâm Đồng khi nghe tin này nói với RFA:

“Tôi đi khiếu kiện về đất đai và nhà cửa, tính ra đi Hà Nội cũng trên chục năm rồi. Trong Đà Lạt Lâm Đồng này ra là mấy chục người luôn, không phải một mình tôi đâu. Khó khăn lắm, không thể trực tiếp đâu, nhiều khi tôi ra thì họ không nhận đơn nữa.”

30 năm trở lại đây chưa thấy có một cán bộ nào đủ đạo đức cả, đó là nói thẳng.
-Ông Nguyễn Trường Chinh

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng, từ Hải Dương từng nhiều lần lên Hà Nội khiếu kiện nói với RFA về thực tế cán bộ công quyền tiếp dân oan, hôm 12/4/2023:

“Vào phòng tiếp dân thì họ cũng nhận đơn mình, đưa giấy biên nhận. Nhưng chỉ được một lần thôi lần sau vào thì bảo vệ không cho vào, vì 30 ngày mới được vào một lần. Trụ sở trung ương của đảng, nhà nước tiếp dân ở số 1 Ngô Thời Nhiệm, nhân dân toàn phải ở ngoài vỉa hè, bắt dân đứng ngoài đường hết… Xây nhà to thế chứ dân đâu có được vào, chờ ở ngoài thôi. Còn lên tòa án tối cao thì được vào nộp đơn xong rồi về, họ không nói năng gì cả. Họ chỉ nói chúng tôi là bộ phận tiếp công dân chỉ nhận đơn chứ không có quyền giải quyết vấn đề gì cả, nói như thế là thiếu trách nhiệm.”

Theo những chia sẻ từ hai người dân thì việc “chọn cán bộ có đạo đức tốt để phục vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” để làm gì vì họ có “tương tác” với dân đâu, chỉ là người nhận đơn? Và đó là điều dễ hiểu khi ông Nguyễn Trường Chinh cho biết ông không tin tưởng vào thông tin của chính quyền Hà Nội. Ông chia sẻ tiếp:

“30 năm trở lại đây chưa thấy có một cán bộ nào đủ đạo đức cả, đó là nói thẳng. Vì tham ô, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch toàn là đảng viên, chứ không phải dân. Thứ hai thái độ không như họ nói, chỉ cần nhìn việc họ làm là biết thôi, nói một đường làm một nẻo, đó là thủ thuật của người ta. Họ nhận đơn để cho mình không có lý do phản bác, nhưng thái độ của họ dửng dưng. Bây giờ nói tìm người có đạo đức để tiếp dân, không có chuyện đó đâu, thứ hai là đừng nghe họ nói mà nhìn những việc họ làm.”

a77af8f8-6c1d-4f92-bca5-1bbaf127edcc.jpeg
Hình minh hoạ. Một người phụ nữ đi qua tấm biển quảng bá cho Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 18/1/2021. Reuters.

Mất niềm tin, mất tất cả!

Thân phụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng chia sẻ, không chỉ gia đình ông mà những người dân Việt Nam khi bị oan ức, đều phải về thủ đô Hà Nội kêu cứu đến các cơ quan tiếp dân.

Chính phủ Hà Nội trước đây từng có những quy định về việc tiếp dân gây nhiều tranh cãi, điển hình như thành phố Hà Nội ban hành quy định ngày 3/1/2019 cấm người dân không được phép quay phim, chụp hình, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân khi chưa xin phép. Tuy nhiên, sau những phản hồi của người dân, nội quy này cũng đã được chỉnh sửa và không còn tác dụng.

Không chỉ Hà Nội, việc tiếp công dân khiếu kiện tại các địa phương khác cũng bị cho là có nhiều vấn đề. Đơn cử như việc tiếp người dân mất đất ở Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng…

Tôi không có một chút niềm tin vào mấy ông cán bộ nhà nước hết. Mấy ông nói đạo đức thì đạo đức gì mới là quan trọng. Đạo đức con người còn chưa có thì làm sao có đạo đức cán bộ.
-Ông Cao Thăng Ca

Một người dân mất đất ở Thủ Thiêm nhưng không được đền bù thỏa đáng – Ông Cao Thăng Ca, nói với RFA hôm 12/4:

“Tôi không có một chút niềm tin vào mấy ông cán bộ nhà nước hết. Mấy ông nói đạo đức thì đạo đức gì mới là quan trọng. Đạo đức con người còn chưa có thì làm sao có đạo đức cán bộ. Mất ổng đặt ra là để đánh lừa dư luận thôi. Mấy ông cán bộ tiếp dân thì cứ nói để chúng tôi xem xét, chúng tôi kiểm tra… nhưng để đó. Người có chức, có quyền họ muốn nói gì họ nói, nhưng đâu có làm theo luật pháp. Ví dụ như luật pháp thế này, thì mấy ổng ban hành quy định thấp hơn luật pháp, mấy ổng áp dụng văn bản dưới luật… thì làm sao mà giải quyết khiếu nại được.”

Cùng suy nghĩ “không tin tưởng, kỳ vọng gì” về đạo đức của cán bộ công quyền Việt Nam khi tiếp công dân, ông Nguyễn Đình Đệ, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm hôm 12/4 nói:

“Tôi chẳng kỳ vọng gì, không lẽ những cán bộ trước đạo đức không tốt? Nói chung vấn đề ở đây không phải là cán bộ tốt, vướng ở đây là cơ chế, vướng quyết định… Nói sự thật thì cũng có một số người nhiệt tình tốt; nhưng có một số rất trịch thượng, quan liêu, nói là đầy tớ nhân dân là không có. Việc đền bù Thủ Thiêm không phải là người tốt hay không tốt. Nếu nhà nước nói như vậy thì rõ ràng nhà nước đã cho những người trong vòng 20 năm qua tiếp công dân là thành phần không tốt? Vấn đề ở đây là vướng những cơ chế quyết định, nên bây giờ có người tốt cỡ nào mà cứ lật đi lật lại thì cũng như vậy thôi.”

Từ cuối năm 2019 – đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng mô hình tiếp dân qua mạng. Tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội cho rằng: ‘tiếp dân trực tiếp còn không giải quyết được vấn đề, liệu tiếp trực tuyến có hiệu quả?’

Related posts