Liệu Hà Nội có dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè?

Ban chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng tại thủ đô năm 2023. Xóa bỏ các điểm chiếm dụng vỉa hè trái phép để làm nơi kinh doanh, giữ xe, trả lại nguyên trạng hè phố là chủ trương của thủ đô và Hà Nội sẽ quy trách nhiệm cán bộ nếu để xảy ra những tồn tại về trật tự đô thị.

Lại “Bắt cóc bỏ dĩa”

Nhiều người dân Hà Nội không tin chiến dịch này sẽ thành công, bởi đây không phải lần đầu Thành phố Hà Nội quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Ông Nguyễn Quang Vinh, một cựu chiến binh cho RFA biết suy nghĩ của ông:

“Theo tôi, việc này rất khó thực hiện vì thứ nhất, rất nhiều người dân nguồn sống của họ là nhờ vào vỉa hè để kinh doanh buôn bán, không phải đây là lần đầu tiên chính quyền Hà Nội làm việc này, đã nhiều lần họ mở các chiến dịch lấy lại vỉa hè rồi nhưng vẫn lại đâu vào đó. Việc họ làm như việc “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thứ hai, việc lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội nhiều khi còn được sự “bảo kê” và một phần là “nguồn thu” đen của chính quyền sở tại. Mỗi lần “ra quân” chiến dịch người dân buôn bán lấn chiếm vỉa hè đều được người của chính quyền “mật báo” để tránh sự kiểm tra. Việc chấp hành ngay từ phía chính quyền cũng không nghiêm túc.

Một khi nhận thức việc thực hiện pháp luật của người dân còn hạn chế, họ chấp hành quy định của chính quyền chỉ mang tính chất đối phó. Do vậy việc lấy lại vỉa hè ở Hà Nội khó thực hiện có kết quả.”

Nhận định của ông Vinh cũng tương tự nhận định của Tiến sĩ tâm lý, xã hội Phạm Quỳnh Hương. Bà nói với RFA trong ngày 22/2:

“Khó lắm làm sao mà cấm được bởi vì người dân vẫn dựa vào vỉa hè để kinh doanh. Nó là đời sống của người dân. Ngay cả chính quyền cũng thu được nguồn thu lớn từ kinh tế vỉa hè cho nên rất là khó cấm. Chỉ có cái là phải làm sao để thứ nhất là không bị lấn chiếm quá nhiều để cho người đi bộ vẫn đi lại được. Thứ hai nữa là không gây ra những lộn xộn về mặt trật tự, trị an. Tức là vẫn được kinh doanh nhưng phải chia sẻ vỉa hè cho người đi bộ. không thể chiếm hết toàn bộ vỉa hè.

Hiện nay thành phố cũng chưa có những quy định thống nhất. Mỗi phường đưa ra những quy định riêng của phường, mỗi quận lại có quy định riêng của quận. Nhiều khi nó lại ngược nhau thành ra quản lý thì khó mà người dân cũng khó tuân theo.”

Chuyện không dễ…

000_Hkg8141373.jpg

Thực tế, vào đầu năm 2017, Việt Nam đã phát động chiến dịch giành lại vỉa hè bắt đầu tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh rồi tới thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố, địa phương khác ở Việt Nam. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an cùng vào thời điểm đó còn gửi công điện chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm.

Một tháng sau khi chiến dịch phát động rầm rộ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các đơn vị quyết liệt dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại thủ đô này. Ông Chung, lúc bấy giờ còn xác nhận các điểm trông giữ xe trên vỉa hè đều có người nhà của lãnh đạo quận hoặc phường, nếu không dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ chỉ đích danh cán bộ liên quan.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, rất nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại “đâu vào đấy” vẫn bị lấn chiếm trở lại như những ngày chưa có chiến dịch “đòi lại vỉa hè” trước đó.

Một số nhân sĩ, trí thức ở Hà Nội cho rằng cách làm của thành phố trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè trước đây không phù hợp. Muốn dọn dẹp vỉa hè theo chủ trương của thành phố hiện nay thì phải thay đổi chiến lược. Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA:

“Tình hình vỉa hè Hà Nội thì bản chất của nó là những hộ gia đình ở mặt đường người ta sử dụng vỉa hè để làm nơi kinh doanh. Chính vì vậy mà việc dọn dẹp vỉa hè nó khó thực hiện.

Phải nghiên cứu sao cho nó có trật tự của đô thị nhưng cũng phải chấp nhận việc sử dụng vỉa hè làm nơi thương mại. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta cần phải nghiên cứu lại cách chính sách của các thành phố lớn ở Việt Nam sao cho thứ nhất, là thu nhập của người dân; thứ hai là chấp nhận ở một mức độ nào đó để sao cho phù hợp với tính khả thi; thứ ba cũng có thể là gắn vào nó một cái văn hóa ẩm thực nào đấy đặc trưng của Việt Nam. Tôi cho là câu chuyện văn hóa cũng là có chuyện rất cần nghiên cứu trong các chính sách về vỉa hè.”

Truyền thông nhà nước dẫn lời Tiến sĩ Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông rằng: “Nếu làm tốt công tác quản lý Nhà nước thì sẽ lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi không ai có ‘sổ đỏ’ trên vỉa hè nên Nhà nước có toàn quyền đảm bảo vỉa hè được sử dụng cho mục đích gì”.

Chức năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các vỉa hè ở các thành phố lớn, thành phố du lịch tại Việt Nam đều đang bị lấn chiếm làm nơi đậu xe, buôn bán khiến người đi bộ không còn lối đi. Để đưa vỉa hè về đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là phục vụ người đi bộ xem ra là điều không dễ dàng.

Related posts