Loạn ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam

Báo chí trong nước đưa tin, hôm 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông phải nhanh chóng ‘thống nhất, tích hợp các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch bao gồm tiêm vắc-xin, sổ sức khỏe, xét nghiệm, để người dân chỉ phải sử dụng một ứng dụng mà thôi.

Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9, là hạn chót  chót một ứng dụng công nghệ duy nhất mà thủ tướng đặt ra đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, được báo chí trích dẫn lại. 

Cùng ngày 13/9, trên livestream về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9, phó chủ tịch UBND thanh phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hòa Bình, cho biết, sau ngày 15-9 cần rà soát lại tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, có những việc lãnh đạo TP, ngành Y Tế nhìn nhận cần phải đánh giá cụ thể, xem xét và điều chỉnh lại.

Ông cũng thông báo thành phố sẽ xây dựng một ứng dụng để ra đường, thí điểm ở ba địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh.

Về chỉ đạo của thủ tướng Phạm Minh Chính là người dân chỉ cần một ứng dụng công nghệ duy nhất để có được mọi thông tin về phòng chống dịch, kể cả xét nghiệm và tiêm chủng, một chuyên viên thuộc cơ quan dịch tể và truyền nhiễm tại Hà Nội, không muốn nêu tên, chia sẻ với RFA qua điện thư rằng ông  hiểu vì sao Thủ tướng Chính phủ muốn như vậy:

Ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn phòng chống  COVID-19 là cần thiết và hợp thời” 

Vấn đề là thời gian qua Việt Nam bị “loạn app”, nghĩa là chưa có sự đồng bộ và thiếu cập nhật trong các tính năng của các ứng dụng này. Việc Thủ tướng yêu cầu phải có một app thống nhất chung là rất cần thiết vì người dân đang rất rối và lúng túng không biết nên dùng app nào, bluezone hay Sổ Sức khỏe Điện Tử, Tokhaiyte.vn, VHD hay QR code, Ncovi… để biết được tình trạng của mình là “thẻ xanh” (đã tiêm đủ 2 mũi), “thẻ vàng” (đã tiêm 1 mũi) và nhiều thông tin khác”.

Vì sao có sự loạn app là do ban đầu mỗi một app khác nhau sử dụng cho một mục đích cụ thể khác nhau, cho các đối tượng khác nhau với những chức năng khác nhau. Nếu giờ đây, gộp chung lại thành một app thì sẽ gặp khó khăn vì tính liên thông của dữ liệu, làm sao quản lý và cập nhật dữ liệu. Mới hôm qua, tôi còn đọc tin là hiện còn khoảng hai triệu mũi tiêm chưa được nhập liệu hoặc dữ liệu bị nhầm lẫn mặc dù cổng thông tin tiêm chủng đã đi vào sử dụng từ tháng bảy năm nay”.

Hình minh hoạ. Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hà Nội hôm 10/9/2021. AFP

Một người tiên phong công việc xét nghiệm Corona virus để phòng chống COVID-19 từ những ngày đầu tại Mỹ, bác sĩ Quỳnh Kiều của Project Vietnam, nói rằng, Việt Nam có thể xây dựng chỉ một app ứng dụng, cái khó là có kịp thời hạn và có thành công hay không mà thôi: 

Đó là lý tưởng nhưng việc đó  không thực hiện bên Mỹ được là vì dân chúng Mỹ rất độc lập về những vấn đề riêng tư của họ. Đối với như Việt Nam nếu  dân chúng bằng lòng, chấp thuận  chia sẻ những  thông tin riêng tư của mình thì có thể thực hiện được.

“Nó tùy thuộc vào bao nhiêu phần trăm dân chúng đã đi khám thường xuyên ở một nơi có phương tiện bỏ vào hồ sơ điện từ của họ, đó là việc đầu tiên. Tôi nhớ, lúc đầu, Đại Hàn là nhóm đầu tiên áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi những người có test COVID-19 dương tính. Lúc đó họ không dùng QR Code mà dùng một loại như GPS , thành thử họ đi ra ngoài chỗ của họ thì có thể biết được và báo được”

“Có thể thực hiện kịp hay không tôi thấy là khó. Theo sự hiểu biết của tôi, thường trước giờ làm việc ở vùng sâu vùng xa, số người có hồ sơ điện tử  rất là ít. Nhưng đối với vấn đề y tế phòng ngừa thì tôi nghĩ rất tốt nếu thực hiện được”.

Theo blogger Tuấn Khanh, một cây viết phản biện, dịch bệnh xảy ra đã gần hai năm mà Việt Nam vẫn không chuẩn bị được việc phòng chống theo đúng tinh thần luôn tự ca ngợi là Nhà nước 4.0: 

“Tới ngày hôm nay thì dân ngã ngửa ra là có tới những 10, 12 những ứng dụng điện tử như vậy từ Bộ Y Tế, từ sổ sức khỏe điện tử của các cơ quan, thậm chí khai báo của VNPT rồi Viettel. Nghĩa là tới 12 ứng dụng như vậy thì trên mạng người ta nhìn như ma trận vậy đó”

Nhưng vì khả năng không có nên những ứng dụng điện tử đó đầy những sự trục trặc, thí dụ như cho Code điền vào thì nó không nhận, khai báo ở đó thì lại bảo là bất hợp pháp vân vân. Mà những ứng dụng đó cái xài được cái không xài được. Có những cái khi đi qua chốt chặn thì lực lượng chặn không đồng ý, họ phạt tiền. Người dân không biết cái nào là cái cuối cùng để được đồng ý”. 

Cho tới lúc này được đồng ý nhiều nhất là Sổ Sức Khỏe của  Bộ Y Tế, nhưng vẫn theo blogger Tuấn Khanh:

Cũng có những cái bất cập là có người đã chích hai mũi nhưng khi khai báo thì nó lại bảo là chưa chích mũi nào hết. Tức là ngay cái hệ thống database của Nhà Nước khi mà ghi nhận số liệu cũng có những trục trặc nhất định”

Và hôm nay khi thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ông Nguyễn Mạnh Hùng làm cái app để dựa trên đó mà quản lý dân cư. Vừa rồi cũng nghe nói Bộ Công An đưa ra một dữ liệu sẽ áp dụng luôn và đây là gói hai trong một. Người dân sẽ phải khai báo tất cả tình trạng cá nhân của mình trên cái app đó. Từ 2020 đến 2021, người ta mới giật mình hóa ra đất nước 4.0 mà ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn  nói rốt cuộc làm được gì để thống nhất tất cả những records (hồ sơ) điện tử như vậy đối với người dân Việt Nam trong quá trình dịch bệnh?”.

Sau khi đã đi thị sát tình hình chống dịch các tỉnh, thành khắp trong Nam ngoài Bắc, Thủ tướng chính phủ Việt nam đã có những chỉ đinh tạo thay đổi lớn về chiến lược chống dịch trong thời gian tới, là nhận định của chuyên gia Y tế Dự phòng, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo, Phát triển Cộng đồng, Liên Hiệp  các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, bác sĩ Trần Tuấn:

Thứ nhất là ông đề nghị Bộ Y Tế ra  ngay một bản gọi là “Chiến Lược Tổng Thể” về phòng chống hiệu quả dịch bệnh này. Nội những chữ ‘tổng thể, hiệu quả’ thể hiện ngay rằng ông đang nhìn nhận vấn đề thực tế là cách chống dịch vừa qua chưa đạt yêu cầu tổng thể, chưa  đạt hiệu quả. Đấy là những nhìn nhận tôi nghĩ rất cần thiết”

“Điểm thứ hai ông nhìn thấy dân cần được tiếp nhận thông tin một cách chính thống, khoa học, rõ ràng, cụ thể. Trong thị trường với một núi thông tin không biết đúng sai thì làm sao tạo được một cái app chung để dân dựa vào đó mà tuân thủ chính sách phòng chống cho đúng. Liệu có làm được hay không từ nay đến cuối tháng để dành lại niềm tin nơi người dân là vấn đề còn lại”

“Việc cái app có hoàn thành cuối tháng này không thì phải để tổ kỹ thuật trả lời.. Tôi thì tôi nghĩ Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn toàn có nhiều cách để có thể tạo ra, đẩy ra một cái app, chỉ có là hoàn chỉnh đến mức nào thôi. Tôi  nghĩ ít nhất từ nay đến cuối tháng có thể làm việc đó”.

Được hỏi về thông báo của lãnh đạo TPHCM là từ 15/9 phải có những bước thận trọng để không tiếp tục giãn cách, rằng cần đánh giá về tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, đã có những việc mà lãnh đạo TP, ngành Y Tế nhìn nhận nên xem xét để điều chỉnh, Bác sĩ Trần Tuấn trả lời:

Mỗi một ý kiến, mỗi một thay đổi đều tác động đến dân nên họ dùng từ thận trọng là phải. Thế còn liệu có nhìn ra được, có phân tích được bài học thành công hay thất bại một cách chính xác không thì đấy là chuyện thuộc về con người, tức là lãnh đạo thực hiện công tác này đến đâu”

Việc phòng chống dịch và kế hoạch phục hồi kinh tế ở TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, không phải chỉ mỗi chính quyền mạnh nói, mà phải thêm một đội ngũ khoa học độc lập và phản biện tốt khi bất kỳ chính sách nào đưa ra, bác sĩ Trần Tuấn nhấn mạnh:

“Tôi nhận thấy trong vấn đề phòng chống dịch vừa qua thì các nội dung phản biện chưa đạt được cái tầm lẽ ra phải có”.

Vấn đề phản biện mang tính khoa học khách quan, bác sĩ Trần Tuấn khẳng định, là cái đáng ra phải được củng cố mạnh, vừa để tăng kiến thức phòng chống dịch cho dân, vừa để cho lãnh đạo dựa vào đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Related posts