Luật biển Quốc tế lần đầu xuất hiện trong Tuyên bố chung của hai Tổng bí thư Việt Nam-Trung Quốc

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kết thúc chuyến thăm để chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3 chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lãnh đạo hai đảng vừa ra thông cáo chung ngày 1/11/2022. Trong thông cáo chung này, đây là lần đầu tiên Công ước Quốc tế về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) được nêu trực tiếp và rõ ràng trong một chuyến thăm cấp cao nhất giữa hai tổng bí thư.  

Báo Nhân dân: ông Trọng nói đến UNCLOS khi hội đàm với ông Tập 

Theo báo Nhân Dân, khi hội đàm với ông Tập Cận Bình hôm 31/10, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói về các vấn đề ngoại giao, ý thức hệ, kinh tế, hợp tác đào tạo cán bộ… Ông Tập cũng hứa sẽ cấp không dưới 1000 ngàn học bổng chính phủ và không dưới 1000 học bổng đào tạo giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam. Đặc biệt, ông Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp nói về Luật biển Quốc tế với ông Tập: 

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), phát huy tốt các cơ chế đàm phán trên biển, thúc đẩy phân định và bàn bạc về hợp tác phát triển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.”

Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tường thuật cuộc hội đàm này nhưng không nhắc đến việc ông Nguyễn Phú Trọng nói về Luật biển Quốc tế. Theo bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì ông Nguyễn Phú Trọng khi nói về Biển Đông chỉ đề nghị là hai nước “duy trì hòa bình, ổn định trên biển, không để các vấn đề trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển chung của quan hệ hai nước.” 

Luật biển Quốc tế xuất hiện trong Tuyên bố chung 

Đây dường như là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng nói trực tiếp với ông Tập Cận Bình về Luật biển Quốc tế trong một cuộc hội đàm chính thức, công khai. Trong cả bản tin của báo Nhân Dân của Việt Nam và của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, không thấy nói ông Tập Cận Bình có đề cập đến Luật biển Quốc tế khi hội đàm với ông Nguyễn Phú Trọng hay không. Tuy nhiên, hôm nay 1/11 Tuyên Bố chung của hai ông tổng bí thư đã có nội dung hai nước sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế. 

Bản tiếng Việt trên báo Nhân Dân của Việt Nam và bản tiếng Trung trên Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc đều viết giống nhau. Mục số 9 của Tuyên bố chung viết: 

“Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.”

Đây là một bước tiến so với bản tuyên bố chung trong chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng năm 2017. Bản Tuyên bố chung (bản tiếng Việttiếng Trung) nhân chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng năm 2017 chỉ nói về COC (Tuyên ngôn về quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông) chứ không nhắc đến Luật biển Quốc tế một cách trực tiếp.  

“Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.” 

và 

“Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Bản Tuyên bố chung năm 2017 này chỉ nhắc đến Luật biển Quốc tế một cách gián tiếp, bằng cách đề cập đến Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011. Bản Thỏa thuận năm 2011 này có nói hai bên sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế. 

Giá trị của việc Luật biển Quốc tế vào Tuyên bố chung 

Tuy hai bên đã ra Thỏa thuận năm 2011 là sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế nhưng năm 2014 thì ông Tập Cận Bình cho giàn khoan 981 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (cách đảo Lý Sơn 120 hải lý) từ tháng 5 đến tháng 7 để thăm dò thềm lục địa. Khi bị Việt Nam phản đối, Trung Quốc đã huy động tàu chiến, tàu hải cảnh ngăn chặn, xua đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan, đâm chìm tàu ngư dân.   

Đến tháng 11 cùng năm thì truyền thông quốc tế bắt đầu nhận ra Trung Quốc đã cải tạo hàng loạt đảo đá ở Trường Sa thành những căn cứ quân sự lớn: bắt đầu với đá Chữ Thập, sau đó là đá Xu Bi, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn. Trung Quốc cũng làm tương tự với một số đảo đá ở Hoàng Sa

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ 20 hôm 16/10, ông Tập Cận Bình tuyên bố là sẽ “tăng cường toàn diện huấn luyện và chuẩn bị chiến tranh, nâng cao khả năng chiến thắng của quân đội nhân dân”, “tăng tỷ lệ lực lượng tác chiến mới trên các địa bàn mới, đẩy nhanh phát triển lực lượng tác chiến thông minh không người lái, phối hợp xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin mạng”, “thúc đẩy hơn nữa đào tạo quân sự theo định hướng chiến đấu thực tế, và đào tạo sâu hơn những huấn luyện tổng quan, huấn luyện tác chiến, huấn luyện quân sự, khoa học và công nghệ”, “giành thắng lợi trong những cuộc chiến tranh ở tầm địa phương.”

Trao đổi với RFA, một chuyên gia không muốn nêu tên khẳng định: Nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì đó không thể là một cuộc chiến tranh ở tầm địa phương. Trung Quốc đánh Đài Loan thì sẽ đối đầu với Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả khối phương Tây. Nhưng nếu họ đánh các đảo đá mà Việt Nam, Phillipines, Đài Loan đang đóng quân ở Trường Sa thì họ có thể kiểm soát cho cuộc chiến đó chỉ là một cuộc chiến ở tầm “khu vực”.

Bởi vậy không ai có thể bảo đảm ông Tập Cận Bình sẽ tuân thủ Luật biển Quốc tế như trong Tuyên bố chung 2022 với Việt Nam hay không.  

Related posts