Một phát biểu hàm hồ về vụ san lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long để xây biệt thự

Ông Vũ Minh Trí, cựu trung tá Tổng cục Tình báo quốc phòng, Quân đội Việt Nam (Tổng cục 2), được dư luận biết đến vào tháng 10/2009 khi lá đơn tố cáo Trung tướng Tổng cục trưởng Nguyễn Chí Vịnh của ông có nhan đề “Tổng cục 2, vì đâu nên nỗi?” xuất hiện trên mạng. Lá đơn tố cáo này, theo tôi, có chứa những sự thật khách quan. Thế nhưng, vẫn cựu sĩ quan tình báo này lại làm tôi thất vọng với những phát biểu về việc công luận phản đối chính quyền tỉnh Quảng Ninh cho phép Công ty Đỗ Gia Capital san lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long, được UNESCO và Chính phủ Việt Nam công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và di tích đặc biệt quốc gia, để xây biệt thự (Dự án Khu đô thị 10B).

Ngày 13/11 vừa qua, Đài Châu Á tự do (RFA – Hoa Kỳ) đăng bài “Dự án lấn biển “vùng đệm” Vịnh Hạ Long: công luận sẽ được lắng nghe?” thuật lại nội dung phỏng vấn một số người do đài này thực hiện, trong đó có cựu trung tá Trí và tôi. Ông Trí phát biểu:

“Đầu tiên, người khơi ra vụ này không phải là một nhà báo độc lập hay một nhà đấu tranh về môi trường, hay là một các nhân nào đó độc lập với chính quyền, mà người khơi ra vụ này là một tờ báo của Nhà nước, cụ thể là báo Tiền Phong, và dân mạng hùa vào theo. Tôi nghĩ ở đây có sự dẫn dắt từ phía Nhà nước hoặc một thế lực nào đó từ phía nhà nước. Phe này muốn đánh phe kia chứ không phải một việc làm có tính khách quan, sự thật. Đó là thứ nhất.

Thứ hai, dư luận rầm rộ bàn nhưng tất cả đều nói khơi khơi chứ tôi chưa thấy ai dẫn ra một điều luật, bản đồ hay tài liệu gì tham chiếu để nói công trình ấy đã vi phạm luật pháp của Việt Nam. Trong khi đó, những văn bản công khai đều cho thấy dự án này không phải được tiến hành đột xuất, mà mọi thứ đều được phê duyệt đúng quy trình từ trên xuống dưới. Vừa rồi doanh nghiệp bị phạt không phải vì thực hiện dự án, mà bị phạt vì không có biện pháp bảo đảm thi công. Do đó, chúng ta nên chậm lại một nhịp xem diễn biến ra sao, đừng bập theo sự dẫn dắt của truyền thông lề phải thì nhiều khi lại lỡ trớn.”

Với phát biểu trên, ông Trí tỏ ra là người ăn nói hàm hồ, điều tôi sẽ  như chứng minh ngay sau đây.

Trước hết, ông Trí cho rằng báo chí của Nhà nước Việt Nam, được hiểu như một chính thể độc tài, nói chung, báo Tiền phong nói riêng, mà ông gọi là “báo lề phải”, không thể cung cấp thông tin khách quan và sự thật. Do đó, sự thật khách quan chỉ có thể đến từ các nhân nào đó độc lập với chính quyền Việt Nam. Quan điểm này của ông Trí, theo tôi, là rất ấu trĩ, phi logic và cực đoan.

Thực vậy, mọi thông tin, bất luận đến từ báo Nhà nước Việt Nam hay từ các cá nhân độc lập với chính quyền Việt Nam đều có thể khách quan hoặc không khách quan, có thể cung cấp sự thật hay xuyên tạc sự thật. Vả lại, tính khách quan của thông tin không chỉ phụ thuộc vào nguồn gốc mà còn liên quan đến cách xử lý và trình bày thông tin đó.

Điều quan trọng là mọi thông tin đều có giá trị nội tại của nó. Chẳng hạn, giá trị nội tại của một thông tin xuyên tạc sự thật nằm ở chỗ nó có thể giúp tìm ra sự thật. Thực vậy, thông tin loại này thường mâu thuẫn nghiêm trọng với phần lớn thông tin khác về cùng vụ việc, thậm chí tự mâu thuẫn và có những kết luận không logic. Cũng như vậy, nó thường lộ rõ những ý đồ chính trị, kinh tế hoặc xã hội. Chính điều này gây sự quan tâm, thậm chí tò mò nơi người đọc, khiến họ đi sâu tìm hiểu vụ việc bằng cách đối chiếu các nguồn tin khác nhau cũng như thảo luận nó với người khác. Sự xuyên tạc sự thật sẽ được phơi bày như là kết quả của hành trình. Suy cho cùng, sự hiểu biết sâu sắc và khả năng phân tích của người đọc mới là chìa khóa giúp xác định tính đúng, sai của thông tin mà họ tiếp nhận.

Tiếp theo, ông Trí cho rằng vì là báo Nhà nước nên Tiền phong có sự dẫn dắt của Nhà nước hoặc một thế lực nào đó từ phía Nhà nước. Do đó, vẫn theo cựu sĩ quan tình báo, vụ san lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long để xây biệt thự mà báo này “khơi ra” mang động cơ phe phái và vì thế, không phản ánh sự thật khách quan.

Thực tế cho thấy cho dù chịu áp lực lớn từ chính quyền, trong rất nhiều trường hợp báo chí chính thống vẫn giữ được sự độc lập và trung thực trong việc truyền đạt thông tin. Các vụ án của các tù chung thân Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng là những ví dụ. Vả lại, cung cấp thông tin một cách khách quan và trung thực đồng nghĩa với việc xây dựng uy tín và độ tin cậy, điều này sẽ tạo lợi thế trong cạnh tranh truyền thông.

Tóm lại, không thể tổng quát hóa rằng mọi thông tin từ báo chí Nhà nước đều bị chi phối hoặc có mục đích chính trị. Ngay cả trong trường hợp giới cầm quyền đấu đá lẫn nhau, không phải mọi thông tin được các phe phái tung ra đều là sai lạc. Ngược lại là đằng khác. Chính đấu đá nội bộ lại làm lộ ra những sự thật động trời mà trước đó giới cầm quyền giấu nhẹm. Các vụ tham nhũng kinh hoàng được khui ra với các đại án “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu”, mà nhiều người tin là kết quả của đấu đá trong nội bộ giới cầm quyền, chẳng là bằng chứng đó sao!

Bất luận thế nào, ông Trí quy kết báo Tiền Phong thông tin không khách quan, sai sự thật nhưng lại không đưa ra bằng chứng nào để hỗ trợ, thì đó chỉ có thể là phát biểu đầy thiên kiến, nếu không muốn nói là vu khống!

Ngoài ra, ông Trí cũng hàm hồ khi nói “dân mạng hùa theo” báo Tiền Phong. Trước hết, “dân mạng” (netizens trong tiếng Anh) không thuộc và không chịu sự chi phối trực tiếp của một tổ chức cụ thể nào, dù đó là Nhà nước hay tư nhân. Do đó, “dân mạng” cơ bản là tự do, chủ động và đa dạng trong bày tỏ quan điểm. Điều này bất chấp nỗ lực kiểm soát của các chính quyền, đặc biệt trong một chế độ độc tài (Việt Nam, Trung Quốc…), nỗ lực ảnh hưởng của các chính trị gia, doanh nghiệp, hoặc tổ chức xã hội thông qua các chiến lược truyền thông và quảng cáo trực tuyến. Đối với thông tin giả mạo, sai sự thật, “dân mạng” có thể phản đối trực tiếp và/hoặc chia sẻ thông tin chính xác và kiểm chứng được. Để nói, những gì mà đông đảo “dân mạng” chia sẻ và ủng hộ thì có thể giả định rằng đó là các sự việc khách quan, có thật.

Tóm lại, nếu như không thể lên tiếng phản đối những chính sách, hành vi sai trái của chính quyền bởi lo ngại bản thân và gia đình bị truy bức, đàn áp thì “dân mạng”, trừ một phần rất nhỏ làm tay sai cho chính quyền (ở Việt Nam gọi là “dư luận viên”), cũng không ủng hộ những chính sách, hành vi đó. Tóm lại, khái niệm “hùa theo” (“đua nhau làm việc gì thường không tốt” theo từ điển tiếng Việt) không thể áp dụng cho “dân mạng” nói chung. Huống chi, như trên vừa nói, ông Trí đã không đưa ra được bằng chứng chứng minh báo Tiền phong đã thông tin không khách quan, sai sự thật. Nói cách khác, nhận định của Trung tá Trí là một sự phỉ báng “dân mạng”!

Cuối cùng, ông Trí nói rằng chưa thấy ai dẫn ra một điều luật, bản đồ hay tài liệu gì tham chiếu để nói công trình ấy đã vi phạm luật pháp của Việt Nam. Điều này rõ ràng là ngoa ngôn, vì hai ngày trước cuộc phỏng vấn, ngày 10/11, bản thân tôi đã công bố trên Facebook Cù Huy Hà Vũ một kiến nghị gửi Quốc Hội, lãnh đạo Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam trong đó tôi yêu cầu xử lý các đối tượng liên quan đến việc san lấp Vịnh Hạ Long để xây biệt thự do đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa (“Kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Gia Capital, cách chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do đã hủy hoại và tiếp tay hủy hoại Vịnh Hạ Long”).   

Trong Kiến nghị, tôi viết: “việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép thực hiện Dự án và việc Công ty TNHH Đỗ Gia Capital đang san lấp 3,88 ha nằm trong vùng đệm – khu vực 2 của Di tích quốc gia đặc biệt Vịnh Hạ Long để thực hiện Dự án là các hành vi hủy hoại nghiêm trọng Vịnh Hạ Long, vi phạm nghiêm trọng Điều 32 Luật Di sản văn hóa.”

Chính trên cơ sở Kiến nghị này mà Đài RFA đã phỏng vấn tôi.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Tác giả Cù Huy Hà Vũ có bằng Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Văn chương của Đại học Paris, Pháp. Ông là một luật gia, học giả, họa sĩ và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ.

Related posts