Mỹ tiếp tục giúp Việt Nam chuyển đổi sang một nền năng lượng sạch

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục quá trình chuyển đổi sang một nền năng lượng sạch, đảm bảo an ninh và theo định hướng thị trường thông qua việc triển khai dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam giai đoạn 2 (V-LEEP II) trong 5 năm tới sau khi giai đoạn 1 của dự án này vừa hoàn thành. Thông cáo báo  chí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngày 28/4 cho biết.

Theo bản thông cáo, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ dành 36,2 triệu USD cho dự án V-LEEP II, tập trung vào việc  tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, cải thiện hiệu quả và nâng cao tính cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng. Dự án sẽ giúp Việt Nam trong một số vấn đề cấp bách như: Hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thực hiện quy hoạch Quy hoạch điện VIII khi đề án này được Thủ tướng Việt Nam phê duyệt, hỗ trợ việc hòa lưới điện và điều độ nguồn năng lượng tái tạo; Huy động đầu tư tư nhân nhằm tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến và thúc đẩy tính minh bạch trong quy trình đấu thầu.

Phát biểu tổng kết dự án V-LEEP I vào ngày 28/4, Đại biện Lâm thời Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein cho rằng Việt Nam hiện là quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á với sự tăng trưởng điện mặt trời rất đáng khích lệ trong 2 năm qua. Ông cũng cho biết dự án V-LEEP I đã góp phần huy động 311 triệu USD để phát triển 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư. Dự án cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển lưới điện tương lai của Việt Nam, xây dựng Quy hoạch điện VIII và đặc biệt là việc xây dựng chương trình thí điểm Cơ chế Mua bán điện trực tiếp (DPPA) – một cơ chế sau khi được phê duyệt sẽ tạo thuận lợi cho các công ty tư nhân (như Nike, AB InBev, Adidas) hợp tác với Việt Nam để cấp vốn cho các dự án phát triển điện mặt trời và điện gió đồng thời gia tăng những đóng góp của Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Là quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, Việt Nam đang có những hành động bước đầu để ứng phó.  Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về BĐKH 22-23/4 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045.

Related posts