Năm Rồng 2024 và vấn đề “hoá rồng” của Việt Nam?

Quốc gia phát triển thế nào tuỳ thuộc vào sự sẵn sàng kết nối với thế giới và vượt trội trong sự khác biệt. Phát triển là quá trình tiến hoá trong hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và phức tạp. ‘Hoá rồng’ là cách mô tả quá trình phát triển thần kỳ của một số ít quốc gia châu Á, so với đa số còn lại của thế giới, với mô hình khác biệt về kinh tế và thể chế, được ví như những linh vật  hổ hay rồng mang đặc trưng văn hoá Á Đông. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với khát vọng hoá rồng nhưng bị ‘kẹt’ trong ý thức hệ chủ nghĩa xã hội ‘cải biên’ để hợp pháp hoá quyền lực toàn trị, trong quá trình cải cách dần bộc lộ sự không tương tác với thực tế thị trường.

Trong lịch pháp của nhiều nước Á Đông, gồm cả Việt Nam, mỗi năm ‘có đặc trưng riêng’ tương ứng với một con giáp (12 con giáp gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Năm 2024 được định danh là năm Giáp Thìn, năm con Rồng, theo dương lịch bắt đầu từ vào ngày 10/2/2024 và kết thúc vào 28/01/2025. Sự luân phiên các con giáp phản ánh sự thay đổi, sự vận hành của ‘đất trời’ mang triết lý truyền thống văn hoá phương Đông, và sự đối nghịch với tư duy lý tính phương Tây mang ý nghĩa khám phá trong phát triển. Rồng tượng trưng cho tham vọng và thống trị, tràn đầy năng lượng và sức mạnh, là biểu tượng của thần thánh, linh thiêng…

Một số ít nền kinh tế ở Đông  Á như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đã có sự phát triển thần kỳ trong thời kỳ dài và được được ví von với một con giáp với biệt danh là “các con rồng nhỏ”. Các nền kinh tế này đã trải qua quá trình công nghiệp hóa thần tốc đồng thời duy trì được tốc độ tăng trưởng đặc biệt cao trong những năm từ thập niên 1960 cho đến đầu thế kỷ 21. Sự ví von này phản ánh sự chú ý của giới tinh hoa trên thế giới. Báo cáo năm 1993 của Ngân hàng Thế giới “Kỳ tích Đông Á” (Tiếng Anh: The East Asian Miracle) đã ghi nhận các chính sách tân tự do dẫn đến sự bùng nổ kinh tế, bao gồm việc duy trì chính sách định hướng xuất khẩu, thuế thấp và kiểu nhà nước phúc lợi tối thiểu. Ngoài ra, những phân tích về thể chế chính trị cho thấy rằng nhà nước có sự can thiệp ở mức độ đáng kể… Theo lô-gíc biểu thị trình độ phát triển quốc gia như trên người ta ‘kể tên’ một nhóm kém phát triển hơn được gọi là những con hổ mới châu Á (Tiếng Trung: 亞洲小虎, nghĩa là Á châu tiểu hổ; Và, tiếng Anh: Tiger Cub Economies), bao gồm các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines, sau đó bổ sung thêm Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia công nghiệp mới nhưng có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm tương đối cao.  

Thành công đã qua, thách thức đang phải đối diện nhưng bốn nền kinh tế nêu trên với mô hình phát triển đã “mê hoặc” thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong hơn một phần ba thế kỷ và, họ vẫn có ‘nhiều điều để tự hào’, một số được nghiên cứu, đúc rút thành những bài học quan trọng có giá trị cho các quốc gia có khát vọng hoá rồng, trong đó có Việt Nam. Năm 2019 tờ The Economist có Báo cáo đặc biệt  (xem bản dịch tiếng Việt trên trang nghiêncứuquốctế.org: Bốn con hổ châu Á…) xem xét bản chất ‘hoá rồng”, đã khái quát một số kinh nghiệm dưới đây.

Một là, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và việc giữ vững thị phần xuất khẩu toàn cầu là cần thiết mặc dù chi phí nhân công và đất đai vẫn tăng đều. Ngoài ra, việc nỗ lực vượt qua giới hạn công nghệ hiện có và theo đuổi các công nghệ mới, tiên tiến cần được tập trung; Hai là, trân trọng sự công bằng là điều kiện tiên quyết cho sự hài hoà và ổn định như hai yếu tố chính trong các “giá trị Châu Á”, nhưng khi một tầng lớp công dân có học thức khao khát dân chủ, hình thành tầng lớp trung lưu, thì việc kiềm chế khát vọng đó có thể là một điều “thiếu thận trọng và bất công.” Ba là, mức độ phát triển thấp của phúc lợi ở các nền kinh tế này cũng trở thành một trở ngại, thậm chí là nỗi “ám ảnh” rằng tăng trưởng kinh tế cần phải thân thiện với phúc lợi xã hội như tiền lương, chăm sóc sức khoẻ và già hoá dân số… ; Bốn là, cả bốn con rồng này đều dễ bị tổn thương bởi các chu kỳ toàn cầu về công nghệ, tài chính và địa chính trị, trong đó những thách thức địa chính trị mới khiến họ lo lắng nhất hiện nay, đặc biệt là cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ làm rung chuyển các nền tảng cho sự thịnh vượng và an ninh.

Liên quan tới khát vọng ‘hoá rồng’ của Việt Nam, một trong những vấn đề được đặt ra là liệu dân chủ có tốt cho tăng trưởng hay không? Báo cáo trên lưu ý rằng “Nền chính trị tự do hơn ở Hàn Quốc và Đài Loan không phải lúc nào cũng mang lại cho họ vinh quang…” “rằng một mức độ tự do chính trị vừa phải là tốt nhất: thực tế, ở mức như của Singapore hiện tại là phù hợp…”, nhấn mạnh “sự chậm lại của cả bốn nền kinh tế không thể bị đổ lỗi cho dân chủ…” mà, ngược lại, như các nghiên cứu mới nhất như của Daron Acemoglu của của trường MIT và các đồng tác giả chỉ ra “rằng dân chủ làm tăng thêm khoảng 20% GDP đầu người của một quốc gia trong dài hạn.”

Nghiên cứu đáng lưu ý hàm ý cho Việt Nam về ‘dân chủ và hoá rồng’ là của ông Hồ Sĩ Quý (1953-), Giáo sư tại Viện Thông tin Khoa học xã hội. Bài báo có tên “Độc tài, “hóa rồng” và dân chủ ở Đài Loan” được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5/2015. Ông ấy nhận định rằng việc “hoá rồng” và dân chủ hoá đi đôi với nhau, tuỳ thuộc vào các nhân tố khách quan và chủ quan, chẳng hạn như “sự phát triển tư bản chủ nghĩa làm cho người dân “quen với các giá trị dân chủ, thị trường văn minh, và tiến bộ xã hội. Một tầng lớp trung lưu biết quan tâm đến đất nước, và một xã hội dân sự đủ trưởng thành để gánh lấy trách nhiệm… Sự khác biệt chính trị dẫn đến khác biệt văn hóa giữa Đài Loan với đại lục, từ các áp lực quốc tế…” Đặc biệt, quá trình chuyển hoá này “chỉ là một cuộc cải cách” ôn hoà, trong đó ở ‘thượng tầng’ với “vai trò có một không hai của các nhà lãnh đạo Đài Loan mà trước hết là Tưởng Kinh Quốc…” và, “việc tập hợp tất cả những quan điểm khác biệt, khi đối kháng, khi thoả hiệp, đã đem lại những thay đổi cần thiết cho xã hội.” Hơn thế, ông cho rằng “Nếu người đứng đầu, thủ lĩnh tối cao chưa muốn hoặc có ý định ngăn cản cải cách, thì con đường cải cách ôn hòa thật khó đi đến kết quả.”

Cùng thời gian này giáo sư Quý cũng đăng bài viết với chủ đề tương tự về Hàn Quốc. 2015 là năm trước Đại hội toàn quốc Đảng CS Việt Nam lần thứ 12 (2016-2021), trong đó sự căng thẳng phe phái trong giới chóp bu của đảng lên đến đỉnh điểm lại là cơ hội cởi mở hơn về “dân chủ”. Trước thềm Đại hội 12 đã có  một bức thư ngỏ với 126 nhân sĩ trí thức ký tên được gửi đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ 12 (2016-2021), trong đó nêu: “Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin.” Cũng trong năm 2015 này đã có các hội thảo được tổ chức với nhiều ý kiến mang tính ‘phản biện’ thu hút sự chú ý của công luận. Chẳng hạn, trong một hội nghị tại Đà Nẵng cựu thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng, bà Phạm Chi Lan đã ‘chua chát’: “Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts