NẮNG THÁNG TƯ

Một ngày đầu tháng 10 năm 1975, mợ tôi_một cán bộ cấp vụ_ghé thăm gia đình chúng tôi. Cả nhà lúc đó đang tá túc ở chái bếp của nhà thờ họ. Khi ra về, mợ nói với tôi, giọng đầy trắc ẩn, đầy ngại ngùng và cũng đầy nghi ngại:” Ba đi cải tạo, nhà bị tịch biên, con không được tiếp tục đi học, gia đình ly tán….chắc con hận chế độ lắm phải không?” Cậu thanh niên 19 tuổi lúc ấy là tôi, trả lời ngay, không nhiều thời gian suy nghĩ:” Dạ NẾU chế độ mang lại hạnh phúc cho dân tộc, phồn vinh cho đất nước thì một số cá nhân, gia đình bị thiệt thòi, mất mát chẳng phải bận tâm nhiều”

Và chữ NẾU ấy đã đeo đẳng tôi, đeo đẳng cả dân tộc  nhọc nhằn này từ ấy đến giờ. Đeo đằng từng ngày, từng tháng, từng năm. Ròng rã đã 49 năm qua.

“Cực không thể kể hết được”, bà HTMT 68 tuổi, giáo viên cấp hai về hưu, bùi ngùi nói,” Ra trường năm 1980, được phân dạy ở miền núi. Lạnh lắm. Đói lắm. Mà nhục nữa. Đi dạy mà cứ trông gia đình học sinh nào có giỗ có chạp mời ăn. Rồi khi có gia đình thì khổ khỏi phải nói, đói khổ cả mẹ lẫn con. Cho nên bay giờ T chỉ muốn quên, quên hết.Chẳng muốn nhắc đến 30 tháng 4 hay giải phóng chi hết.”

Đúng rồi, quên đi, ráng mà quên đi những đói khổ, những nhọc nhằn, những căm hận trong những năm đầu sau 30 tháng 4 năm 1975. Quên đi những lễ kỷ niệm sặc sỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Quên đi những buổi diễu binh hùng tráng, những tiệc pháo hoa sáng rực góc trời. Quên đi những chiếc bánh chưng, bánh dày khổng lồ kệch cỡm khoe mình trong những kỷ lục vô nghĩa. Quên đi những thân cây xanh tươi bị bứng từ rừng về trồng lại trong khuôn viên nào đó để các ông đầu đội nón cối, chân đi ủng , tay cầm xẻng thắt nơ đỏ, vun vun ,xới xới, quay phim chụp ảnh, gắn biển đồng để công chúng ghi công nhớ đức….

Quên đi 9,000 giáo sư và 24,000 tiến sỹ mà công trình khoa học gần như chẳng có gì.

Nhưng quên sao được khi qua gần 1/4 thời gian của thế kỷ 21 mà còn nhiều ngôi trường trống huơ, trống hoác, nền bùn đất lầy lội. Quên sao được những đứa bé xanh xao chân đất đến trường chỉ mong ngày được bữa cơm no. Quên sao được hình ảnh bầy học sinh báo vào thùng xốp, nhấp nhô trên són nước để kịp giờ đến lớp học. Và cũng khó lòng quên được  cảnh cô giáo chui vào bao nylon, bám vào dây thừng, vượt sông suối để đến trường dạy học.

“Chỉ có đồng lòng hòa hợp- hòa giải dân tộc mới giúp chúng ta vượt qua những định kiến, thù hằn. Khi nào trên dưới chung sức, chung lòng thì những khó khăn khách quan sẽ được khắc phục…” ông TXA, nghiên cứu sử học nghiệp dư, nói.

Nhưng hòa giải hòa hợp thế nào đây khi sự phân hóa, phân tầng đã lên đến đỉnh điểm? Khi mà người dân bị xua đuổi ra khỏi căn nhà của chính mình, ra khỏi mảnh đất của gia đình mình với giá đền bù vài nghìn đến vài chục nghìn mỗi mét vuông? Rồi những mảnh đất ấy được biến hóa rơi vào tay người này người kia với giá tỷ này tỷ nọ?

Hòa giải- hòa hợp thế nào đây khi ba người dân trộm hai con vịt và thứ trưởng bộ Ngoại giao nhận hối lộ 21,5 tỷ nhận mức án 13 năm tù như nhau?

Một ông cựu bộ trưởng đã nói:” Nếu chúng sai, chúng ta nhận lỗi trước dân; nếu dân sai, dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”

Chính cái lỗi suy nghĩ đó đã đưa đất nước chúng ta rơi vào tình trạng tham nhũng và chuyên quyền như hiện tại.

Quốc gia nào cũng có tham nhũng nhưng “ăn” như trong dịch COVID-19 năm nào thì chỉ có ở Việt Nam. Bộ Y tế ăn, Bộ Ngoại giao ăn, Bộ Công thương ăn, Bô Lao động- Thương binh- Xã hội ăn….Ăn từ cấp lãnh đạo cao nhất đến nhân viên.Họ ăn trong nỗi khốn cùng và tang thương của dân tộc. Họ ăn trong nỗi kiệt quệ và sợ hãi của dân tộc.

Và chắc chắn một điều: chỉ có một chế độ như thế nào mới sản sinh ra loại người không có nhân tính như thế!

Những ngày cuối tháng tư, trời nắng gay nắng gắt.Nắng rát mặt người, nắng chảy nhựa đường, nắng nung không gian thành một khối nóng khổng lồ, hít thở nóng ran lồng ngực.

Lúc như thế này, người ta thường mơ về một cơn mưa mát lành.Mưa tỏa xuống mát đất, mát trời, mát những con người héo hon đang chật vật mưu sinh.

Nhưng chỉ là mơ thôi. Những ngày cuối tháng tư này, trời đang nóng lắm. Nắng gay nắng gắt…

Anh thanh niên 19 tuổi ngày xưa nay đã thành ông già 69 tuổi, ngồi giữa cái nóng tháng tư với nhiều hồi ức.

Bà mợ đã mất lâu lắm rồi.

Chữ NẾU ngày xưa vẫn còn nguyên đó. Nhưng ông đã có thể quên đi những nhọc nhằn, những mất mát. Đã quên đi những ước mơ tươi đẹp thời tuổi trẻ sớm bị tước đoạt…Mọi chuyện rồi sẽ qua đi, không cay đắng, chẳng thù hằn…

Chỉ còn điều này chắc chắn: trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông sẽ không bao giờ QUÊN những gì đã và đang làm tàn hại đất nước và dân tộc mình.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do

Related posts