Ngành mía đường Việt Nam bao giờ sẽ ‘ngọt ngào’ trở lại?

Kể từ sau thời hoàng kim của ngành mía đường từ những năm trước năm 2010, người trồng mía lẫn nhà máy sản xuất mía đường không năm nào là không gặp khó khăn.

Đến vụ thu hoạch mía năm 2020-2021, được xem là vụ mía thành công của cả nông dân và nhà máy sau nhiều năm khó khăn, thì diện tích mía tại nhiều vùng nguyên liệu được cho là vẫn tiếp tục bị giảm.

Dù những năm gần đây cây mía tại một số vùng được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư trồng, chăm sóc, bao tiêu đầu ra…, tuy nhiên cây mía vẫn thiếu người trồng, trong khi giá cả được xem là yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định trồng mía của nông dân. Vì sao khi giá có tăng lên thì người nông dân vẫn rời bỏ cây mía?

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 25/5, nhận định:

“Tôi thấy ngành mía Việt Nam đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ Thái Lan và các nước khác xuất khẩu đường sang Việt Nam. Việt Nam thì đã ý kết các Hiệp định Thương mại Tự do, cho nên đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được giảm thuế. Trong khi sản lượng mía trên một hecta của Việt Nam so với Thái Lan đang còn rất thấp, vì vậy mía đường của Việt Nam đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Tôi nghĩ để giải quyết vấn đề này cần có một quá trình tái cơ cấu ngành mía đường, chọn ra các địa phương có khả năng, có sản lượng mía đủ cao có thể cạnh tranh với khu vực. Nếu không có thì tôi thấy ngành mía đường của Việt Nam sẽ còn phải chịu sức ép cạnh tranh khá gay gắt.”

Việt Nam thì đã ý kết các Hiệp định Thương mại Tự do, cho nên đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được giảm thuế. Trong khi sản lượng mía trên một hecta của Việt Nam so với Thái Lan đang còn rất thấp, vì vậy mía đường của Việt Nam đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam – VSSA, vụ mía năm 2019-2020, sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt hơn 900 ngàn tấn, giảm 34,58 % so với vụ trước. Do đó, đường sản xuất từ mía chỉ đạt hơn 700 ngàn tấn, còn lại là sản xuất từ đường thô nhập khẩu, khoảng hơn 145 ngàn tấn. Theo VSSA, sau 20 năm, ngành mía đường lại quay về điểm xuất phát.

Do đó, dù niên vụ mía thu hoạch năm 2020-2021 được xem là có cải thiện về giá cả so với năm 2019, nhưng vẫn còn cách xa thời hoàng kim của cây mía. Vì vậy diện tích mía tại nhiều nơi vẫn tiếp tục bị giảm do người nông dân chuyển sang trồng những cây khác hiệu quả hơn.

Trả lời RFA TV mới đây, một người trồng mía ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết quyết định phá bỏ hàng loạt, thậm chí còn châm lửa đốt cánh đồng mía để lấy đất canh tác loại cây trồng khác:

“Thu hoạch cây mía năm nay lỗ, lúc này thu hoạch là mía đã chín rộ hết… nhiều quá nó khô… Với bán cho nhà máy trả có năm sáu trăm ngàn một tấn mía… mà mướn người ta mội một đầu người hai trăm mấy ngàn một công… cho nên thu hoạch không đạt yêu cầu… cho nên bà con nông dân ở đây là phá mía nhiều.”

Anh Cẩm, một người trồng mía lâu năm ở Thôn Khạt, xã Cẩm Thành thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nói:

“Trồng mía thì bây giờ không hiệu quả. Đường nhập khẩu ảnh hưởng mía Việt Nam quá lớn, thứ nhất là không tiêu thụ được, nhà máy phải bán được đường thì mình mới tiêu thụ được mía. Đường Việt Nam mình bây giờ cũng chẳng tiêu thụ được mấy, mà xuất đi nước ngoài cũng không được, chặt không kịp thì nhà máy cũng không lấy vì héo quá. Có được nhà nước hỗ trợ gì đâu, trồng mía là không được chính sách gì hết, trồng lúa hoa màu còn được nhưng có ăn thua gì…”

Ảnh minh họa: Một nông dân đang kéo một xe mía ở huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ 40 nhà máy mía đường, nay Việt Nam chỉ còn 29 nhà máy hoạt động. Trong số này còn có một số nhà máy đường đang đứng trước bờ vực đóng cửa, do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả.

RFA hôm 25/5 liên lạc Tiến sĩ Cao Anh Đương, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam, và được ông trả lời như sau:

“Không trả lời phỏng vấn anh ơi… không được quyền… tức là điều lệ của Hiệp hội là tôi không được quyền phát ngôn… Trước đây tôi không không phải là quyền Chủ tịch nên không biết… bây giờ là quyền Chủ tịch nên không được quyền phát ngôn… Bây giờ quyền phát ngôn là của Tổng Thư ký của Hiệp hội… nhưng tất cả những phát ngôn ấy đều phải được thông qua Ban chấp hành thì mới được phát ngôn nhé…”

Đài Á Châu Tự Do nhiều lần liên lạc Tổng Thư Ký Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam qua cổng thông tin chính thức, tuy nhiên mọi cố gắng đều không thành công.

Đường Việt Nam mình bây giờ cũng chẳng tiêu thụ được mấy, mà xuất đi nước ngoài cũng không được, chặt không kịp thì nhà máy cũng không lấy vì héo quá.
-Người trồng mía

Mía đường là ngành cần nhiều lao động, trong bối cảnh cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam chưa cao thì ngành mía đường còn phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động phổ thông nghiêm trọng. Nhất là trong vụ thu hoạch, khi đây là khâu tốn nhân lực và ảnh hưởng đến toàn bộ thành quả của nông dân trồng mía, vì nếu không thu hoạch kịp thì mía sẽ héo và nhà máy không mua hoặc mua rẻ… Theo một nghiên cứu của VSSA, hơn 50% nông dân trồng mía trên 50 tuổi, chỉ có 7% từ 20-30 tuổi và 14% từ 30-40 tuổi. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ nông thôn sang thành thị đã khiến ngành mía đường thiếu đi thế hệ kế thừa.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định liên quan vấn đề này:

“Tôi nghĩ cần phải tạo ra chuỗi giá trị có sự kết nối giữa các viện nghiên cứu khoa học về mía với các doanh nghiệp lớn đầu tư kinh doanh có bài bản. Trên cơ sở đó vừa có thể nâng cao sản lượng đường của mía, vừa có thể tận dụng được các sản phẩm khác như bã mía hay các sản phẩm tương tự. Từ đó mới có thể đủ sức để hấp dẫn cho người lao động ở lại với ngành mía. Tức là chúng ta phải tạo ra một ngành mía có lãi và sống được với ngành mía, thì mới giữ được người lao động. Nếu không có thì lao động ở vùng nông thôn Việt Nam hiện nay không chỉ có riêng ngành mía, mà các lĩnh vực khác cũng đang rời nông thôn để đi ra thành thị để có thu nhập cao hơn.”

Trong khi ngành mía đường vẫn còn đang khó khăn vì đường nhập khẩu, thì mới đây Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện, bắt giữ gần 150 tấn đường nhập lậu. Nếu lượng đường nhập lậu không thuế này được tung ra thị trường, thì sao mía đường Việt Nam có thể cạnh tranh?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, ngoài việc phải hỗ trợ để làm sao ngành mía đường Việt Nam có thể mạnh lên để cạnh tranh công bằng, thì Chính phủ phải quyết liệt chống buôn lậu để cứu ngành mía đường khi không còn dịch bệnh COVID:

“Việc buôn lậu qua biên giới Campuchia vào mùa nước nổi là rất phức tạp, tôi đã đến đó vào mùa nước nổi và chứng kiến biên giới không còn cột mốc gì hết cả, chỉ là vùng nước mênh mông. Với vùng nước như vậy, thì làm sao có thể kiểm soát chặt chẽ, vì vậy cách tốt nhất là ngành hàng của Việt Nam phải mạnh lên và cạnh tranh ngang ngửa, để những mặt hàng như đường lậu không có sức sống ở Việt Nam. Ngoài ra, rất quan trọng là phải kiểm soát đường nhập lậu, vì nó không phải chịu thuế, có thể làm cho ngành mía đường suy yếu nhiều hơn.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng ngoài việc chống buôn lậu, đã đến lúc cần nâng cao năng suất ngành mía đường, cần phải cơ cấu lại ngành này và đầu tư hiệu quả nhằm giảm giá thành để có thể cạnh tranh với đường nhập khẩu.

Related posts