Người Việt trong ngành Gambling ở Philippines: ai tự nguyện, ai bị cưỡng bức?

Hơn 380 người Việt Nam vừa được giải cứu khỏi một trung tâm đánh bạc trực tuyến lừa đảo tại Philippines, theo thông tin từ Bộ Phúc lợi và Phát triển Xã hội (DSWD) của nước này cho biết.

Cụ thể vào ngày 4/5/2023, lực lượng chức năng đã thực hiện lệnh khám xét ở trung tâm đánh bạc trực tuyến Clark Sun Valley Hub Corporation, nằm trong khu cảng phi thuế quan Clark, thuộc thành phố Mabalacat, tỉnh Pampanga (Philippines)

Có 1.048 nạn nhân được giải cứu, trong đó có 129 người Philippines. Số còn lại là lao động nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nepal, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Cũng theo DSWD, những người này bị ép buộc làm việc hơn 18 giờ mỗi ngày và không được tự do đi lại.

Những nạn nhân người nước ngoài được đưa đến trung tâm “The Inter-Agency Council Against Trafficking” (IACAT). Đây là nơi tạm trú dành cho các nạn nhân bị buôn bán được giải cứu ở Manila.

Thân nhân của một người hiện đang bị giữ tại trung tâm này cho RFA biết những người Việt Nam ở đây được ăn uống bình thường, mỗi ngày họ phải làm việc với các cơ quan hữu trách của nước này và chưa biết khi nào được thả hay sẽ quay về Việt Nam. Người này từ chối cung cấp thêm thông tin cho phóng viên với lý do “những vụ việc như thế này nhạy cảm lắm”.

RFA nhiều lần gọi đến số điện thoại bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Manila để hỏi thông tin liên quan, nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi đã gởi email cho Sứ quán hỏi về các thủ tục bảo hộ công dân, nhưng chưa nhận được hồi âm.

Đánh bạc trực tuyến ở Philippines có hợp pháp không?

Báo chí Việt Nam khi đưa tin về thị trường làm việc trong ngành đánh bác trực tuyến, hay còn gọi là gambling ở Philippines hầu hết đều nói về những điều tiêu cực, như nguy cơ bị lừa đảo, buôn người, lao động chui bị cơ quan chức năng nước sở tại truy bắt…

Báo Công an nhân dân dẫn lời Thượng tá Nguyễn Hoanh, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh tỉnh Quảng Ngãcảnh báo những người có nhu cầu tìm việc làm ở Philippines nên tìm hiểu kỹ, không để các đối tượng xấu dụ dỗ lôi kéo, tuyển dụng việc làm lương cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa vào các công việc mại dâm, buôn người… và bị các cơ quan pháp luật của nước sở tại bắt giữ xử lý, trục xuất, phạt tiền và phạt tù. 

Tuy nhiên, theo trang web Abolaw của Chính phủ Philippines, các công ty nước ngoài hoạt động trong ngành đánh bạc trực tuyến (POGO) bắt đầu được cấp phép từ tháng 11/2016. Đây là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á hợp pháp hoá đánh bạc trực tuyến. Tính đến tháng 5/2022, có 34 doanh nghiệp POGO nước ngoài được cấp phép.

Từ đó, thị trường việc làm này nhanh chóng lan rộng và thu hút lao động từ nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Theo mạng báo Rappler, năm 2022, có hơn 21000 người lao động nước ngoài được làm việc trong ngành đánh bạc trực tuyến ở Philippines.

Quan điểm người trong ngành

Cô H, một người có sáu năm kinh nghiệm làm việc hành chính trong một công ty đánh bạc trực tuyến ở thành phố Pasay, Manila nói với RFA hôm 16/5 rằng các thông tin về nạn buôn người, lao động cưỡng bức tại các công ty đánh bạc trực tuyến mà báo chí đăng tải là có xảy ra, nhưng không phải là tất cả các công ty gambling đều như vậy. Đó chỉ là số nhỏ và nó không phản ánh cũng không đại diện cho toàn bộ thị trường lao động trong ngành game online ở Philippines.

Để tìm hiểu thêm về thị trường lao động ngành gambling ở Philippines, RFA đã liện hệ với sáu người hiện đang làm việc cho các công ty đánh bạc trực tuyến. Tất cả đều yêu cầu được giấu danh tính.

Cô M, đang làm công việc tuyển nhân sự ở Manila cho biết:

“Thị trường làm việc game online ở bên Philippines là hợp pháp cho tất cả mọi người. Nếu nói là lừa đảo, buôn người như báo chí ở Việt Nam nói thì không thể có chuyện ngày càng nhiều người Việt sang đây. Nếu chỉ nói không khách quan như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc của tụi mình bên này.”

Anh H, làm việc chăm sóc khách hàng cho biết:

“Thông Tin ở trên báo đài báo chí đưa tin thì nó chỉ chính xác khoảng 50% mà thôi. Theo thông tin của người Việt ở bên này thì công ty đó nó cũng không phải là tốt lắm, nhưng không phải công ty nào cũng vậy.”

Thu hút lao động từ Việt Nam

000_Hkg8372857.jpg
Một công ty đánh bạc ở Philippines. Ảnh: AFP

Theo cô H, đa số những người làm việc trong ngành gambling tại Philippines là người Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ hai:

“Người Trung Quốc họ chơi đánh bạc nhiều lắm. Ngày xưa nhân viên hầu hết là người Trung.

Nhưng mà từ sau dịch, với chính sách Zero COVID của Trung Quốc, người Trung họ không đi lại được. Với lại chính quyền Trung Quốc cũng siết chặt ngành đánh bạc trực tuyến, cho nên các công ty của Trung Quốc mới tuyển người từ nhiều nước khác nhau, miễn là nói được tiếng Trung hoặc tiếng Anh.”

Thị trường việc làm trong ngành này trong những năm qua thu hút được nhiều người lao động từ Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ bởi nhiều lý do. 

Thứ nhất, người lao động chỉ cần biết tiếng Anh hoặc tiếng Trung ở trình trung cấp, và một vài thao tác vi tính văn phòng cơ bản là có thể đã được tuyển vào làm việc với mức từ 20 đến 50 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tiền thưởng cho những ngày lễ tết cũng khá cao, trung bình khoảng hơn ba triệu đồng mỗi kỳ. Chưa kể thời gian làm việc càng lâu thì lương lại càng cao.

Thứ hai, mỗi người khi được tuyển sẽ không phải bỏ tiền đóng trước phí môi giới giống như các thị trường lao động khác như Nhật, Hàn hay Đài Loan. Thay vào đó, công ty tuyển dụng sẽ ứng trước tất cả chi phí, bao gồm vé máy bay, phí bảo quan, chi phí làm visa lao động… Tất cả tầm khoảng gần 1000 đô-la Mỹ. Tuy nhiên, số tiền này người lao động phải trả lại cho công ty nếu nghỉ việc trước sáu tháng.

Thứ ba là nơi làm việc tiện nghi. Nhân viên làm công việc văn phòng trong các toà nhà ở trung tâm các thành phố lớn, có máy lạnh, thang máy và không gian làm việc sạch sẽ. Hầu hết các công ty sẽ cung cấp chỗ ở, phụ cấp tiền ăn…

Đó là ba lý do lớn nhất khiến cô H, gắn bó với công việc ở Philippines, cũng như cố gắng học thêm tiếng Anh và tiếng Trung để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc trong ngành này.

Có dấu hiệu buôn người

Tất cả những người mà RFA phỏng vấn đều cho biết họ cảm thấy hài lòng với mức lương và môi trường làm việc mà công ty cung cấp.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về các biểu hiện của nạn buôn người như nhân viên có được giữ hộ chiếu không, có được tự do ra vào ký túc xá của nhân viên hay không… thì hầu hết đều tỏ ra rất dè dặt, họ trả lời ngập ngừng rồi ngưng buổi nói chuyện với lý do “vấn đề nhạy cảm”.

Tỏ ra cởi mở hơn, cô H, nói với RFA rằng đa số các công ty không cho nhân viên tự giữ hộ chiếu. Nếu có việc quan trọng cần đến hộ chiếu thì phải xin phép quản lý và phải trình bày lý do rõ ràng.

Cô T, cũng đang làm nhân viên xuất nhập khoản được bốn năm nay cho rằng công ty giữ hộ chiếu là hợp lý:

“Công ty phải bỏ ra một số tiền khá lớn ban đầu để đưa bạn sang đây làm việc, nếu bạn không làm được việc mà trốn khi chưa làm được sáu tháng thì công ty thiệt hại rất nhiều. Ai cũng làm vậy chắc công ty phá sản luôn.” 

Cũng theo cô H, có những công ty yêu cầu nhân viên phải ở và làm việc trong một khuôn viên toà nhà, không được tự do đi ra khỏi toà nhà đó.

Ngoài ra, người lao động có thể bị bán qua công ty khác nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cụ thể, một số người chưa làm được việc hết sáu tháng mà mà muốn nghỉ, họ buộc phải trả lại chi phí khoảng 1000 USD ban đầu mà công ty đã bỏ ra. Ai không có tiền trả lại có thể tìm một công ty khác trả tiền giúp và họ sẽ sang công ty mới làm việc. Tuy nhiên, người lao động lúc này sẽ phải gánh số nợ ở công ty cũ lẫn chi phí mà công ty mới bỏ ra để chuộc họ về làm việc.

Trong khi đó, theo trang web Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, các dấu hiệu cho thấy một người đang là nạn nhân buôn người bao gồm: không được giữ giấy tờ tùy thân; người làm việc nhiều giờ và sợ thảo luận về điều kiện làm việc hoặc không nhận thức được rằng làm việc trong điều kiện thiếu an toàn…

Related posts