Nông nghiệp có được đầu tư đúng mức để tối ưu hóa lợi thế?

“Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia.”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu như vừa nêu khi tham dự cuộc họp công bố những điểm mới trong ‘Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn’ diễn ra ở Hà Nội hôm 6/4/2022.

Ông Tiến cho rằng, cần xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, phát triển cảnh quan sạch, đẹp… Ông Thứ trưởng cũng cho biết mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản sẽ đạt bình quân từ 2,5 – 3%/năm.

Để thực hiện được mục tiêu như vừa nêu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp và Chính phủ đã đề ra những định hướng quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững và phát triển cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Điệp khúc ‘Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp’ lâu nay thường được các vị lãnh đạo của Việt Nam nêu lên. Trên thực tế cũng đã có nhiều nghị định chính sách được ban hành để thực hiện mục tiêu này.

Đầu tư cho nông nghiệp của chúng ta là chưa đầy đủ, phần lớn là cho trồng lúa là chính. Cụ thể là hệ thống thủy lợi rất tốt cho vùng trồng lúa, nhưng những cây trồng khác hay sản xuất khác trong nông nghiệp đem lợi tức cao cho nông dân thì chưa đầu tư tốt.
-Giáo sư Võ Tòng Xuân

Thực tế ra sao? Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, khi trả lời RFA hôm 6/4 nhận định:

“Đầu tư cho nông nghiệp của chúng ta là chưa đầy đủ, phần lớn là cho trồng lúa là chính. Cụ thể là hệ thống thủy lợi rất tốt cho vùng trồng lúa, nhưng những cây trồng khác hay sản xuất khác trong nông nghiệp đem lợi tức cao cho nông dân thì chưa đầu tư tốt. Ví dụ như không đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng mặn nuôi tôm hữu hiệu… Còn những cây trồng khác như cây ăn trái chẳng hạn, thì chỉ theo sự tự phát của nông dân, hơn là những quy hoạch tổ chức có quy mô và đủ cơ sở kỹ thuật để đạt được sản phẩm vừa sạch, vừa ngon và có thể tích trữ lâu dài… hoặc có thể đóng gói bao bì cho thật tốt để xuất khẩu…”

Những mặt như vừa nêu, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân thì Chính phủ Hà Nội chưa đầu tư cho thật là đầy đủ để phát triển tiềm năng cây ăn quả nhiệt đới của Việt Nam.

Nông dân Việt Nam tùy vùng miền hàng năm phải đối mặt những khó khăn lập đi lập lại như được mùa mất giá, hạn hán, mặn xâm nhập, bão lũ, ùn ứ hàng nông sản ở cửa khẩu…

Một nông dân (giấu tên vì lý do an toàn) ở Long An khi trả lời RFA TV vào đầu tháng 4 năm 2022 cho biết việc trồng trọt đang rất khó khăn vì hạn mặn:

“Hạn làm năng suất kém lại… đồ không có trái gì nhiều… vất vả lắm… nói chứ người nông dân là chịu vất vả nhất… thiệt thòi nhất… mặn mấy bữa nay làm cằn quá… vất vả lắm, bơm cực lắm… cằn cằn hoài nó không tốt…”

Còn những người trồng lúa khác cũng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì cho biết họ cũng chẳng nhận được hỗ trợ gì từ chính sách của nhà nước:

“Tư nhân người ta ai giàu thì mua cái về đi làm gia công lấy tiền… còn mình thì mướn lại của người ta… vậy thôi… chứ nhà nước nào hỗ trợ… nhà nước không có hỗ trợ à…”

“Chính sách nói theo dạng chính sách… còn dân mình thì cái dạng mạnh ai nấy làm…”

Ảnh minh họa: Một người trồng lúa ở Việt Nam trên mảnh ruộng khô cằn của mình. AFP PHOTO.

Tuy nhiên theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Việt Nam cũng có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân. Ngoài ra còn có một hệ thống ngân hàng được thành lập ban đầu với mục đích chỉ cung cấp vốn cho các dự án nông nghiệp:

“Chúng ta cũng có hệ thống ngân hàng nông nghiệp cho nông dân vay với lãi suất nhẹ, nhưng có thể nói là cho vay chỉ để làm theo thời vụ. Còn vay để làm những dự án lớn, chỉ có những người nông dân có học thức, có vốn mà muốn vay thêm vốn lớn hơn để sản xuất quy mô hơn cho xuất khẩu… thì cái này chính phủ có đầu tư tương đối. Tuy nhiên việc sắp xếp để nông dân có thể tiêu thụ sản phẩm một cách trôi chảy, không bị trả về… thì cái này chưa làm được nhiều.”

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, hiện nay Nhà nước cũng đã thấy những khuyết điểm này, và đã ra Nghị quyết 120 vào cuối năm 2017, để làm nông nghiệp theo kinh tế nông nghiệp… thay vì làm nông nghiệp theo duy ý chí của lãnh đạo. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, có được Nghị quyết 120 cũng là phấn khởi cho bà con nông dân. Tuy nhiên ông Xuân nói tiếp:

“Những chính sách đi theo chính sách của Nghị quyết 120 để tạo cơ sở vật chất để nông dân có thể từ chỉ sản xuất lương thực… sang thời đại sản xuất theo điều kiện thiên nhiên theo từng vùng… để mà sản xuất được những sản phẩm ngoài cây lúa mà có giá trị cao hơn… thì hiện nay việc đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện Nghị quyết 120… thì chưa đạt được.”

Vào ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 120, đề ra tầm nhìn mục tiêu tới năm 2050, về định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể… Tuy nhiên cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong nghị quyết này.

Các nhà báo, nhà trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước ngay sau đó đã cùng ký bản kiến nghị có tên ‘Hãy Cứu Lấy Đồng Bằng Sông Cửu Long’, yêu cầu chính phủ sớm có hành động cấp thiết đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long trước khi quá muộn. Các chuyên gia này cũng cho rằng, Nghị Quyết 120 về ĐBSCL không toàn diện, không mang tầm chiến lược.

Những chính sách đi theo chính sách của Nghị quyết 120 để đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện Nghị quyết 120… thì chưa đạt được.
-Giáo sư Võ Tòng Xuân

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, trong một trả lời RFA gần đây cho biết thêm những vấn đề ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đang phải đối mặt:

“ĐBSCL đang đối diện rất là nhiều vấn đề, trong đó có hai nhóm. Một nhóm ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt, như xâm nhập mặn, hòa nhập đô thị, ô nhiễm… Nhưng có một loại khác là đe dọa đến sự tồn tại của ĐBSCL, đó là sạt lở, mất đất và sụt lún… Sụt lún thì tốc độ rất nhanh, trung bình 1cm/một năm, trong khi nước biển dâng có ba mm, sụt lún gấp ba bốn lần, có nơi mười mấy hai chục lần, 5,7cm là cao nhất.”

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, để chống sụt lún, Chính phủ có ra nghị định 167 phân làm năm vùng hạn chế khai thác, giao cho từng tỉnh để thực hiện. Nhưng khi triển khai ở từng tỉnh thì đã phát sinh nhiều vấn đề… Theo ông Thiện, nghị định 167 là nỗ lực tốt, nhưng cần phải sửa đổi. Vì thứ nhất là dữ liệu không có để cho các tỉnh nghiên cứu chi tiết sụt lún liên quan nước ngầm tại địa phương, chỉ có cấp đồng bằng, không đủ để lên bản đồ. Chuyện thứ hai theo ông Thiện là giá nước ngầm rất rẻ so với giá nước mặt, vì giá nước mặt quá ô nhiễm… nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên xử lý rất tốn kém.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện nay quỹ đất cho nông nghiệp đã rất hạn hẹp, nguồn nước ngọt đang gặp nhiều khó khăn, giá ngày công lao động khá cao mà đầu tư vào nông nghiệp lại chưa được nhiều. Ông Sơn cho rằng, khi Việt Nam có đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đổi mới về quản lý, đồng thời đòi hỏi nhiều bước đột phá thì mới tăng trưởng nông nghiệp cao được.

Related posts