Phát triển công nghệ chip – cơ hội đừng nên bỏ lỡ

Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đang diễn ra với mức độ căng thẳng ngày càng cao. Cuộc cạnh tranh này cũng đang diễn ra đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, mà lĩnh vực chất bán dẫn là một ví dụ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/8 vừa ký thành luật một gói chi tiêu trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip tại nước này (1). Đây được xem là một trong những đạo luật về công nghiệp táo bạo nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Việc thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, với tổng số tiền được phân bổ là 280 tỷ USD, đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, khi các nghị sĩ thuộc cả hai đảng đều đánh giá luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh trạnh kinh tế với Trung Quốc cũng như tăng cường an ninh quốc gia.

Đối với Trung Quốc, để thực hiện được “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc cũng phải trở thành quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghệ cao. Có vậy, mới có thể khôi phục vị thế cường quốc trên thế giới. Chất bán dẫn đã trở thành một ví dụ điển hình cho việc Trung Quốc tìm kiếm sự độc lập về công nghệ. Mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực này để có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và tạo ra nhu cầu tiêu thụ lớn trong nước. Mục tiêu thứ hai là có được công nghệ nước ngoài thông qua chiến lược mua lại các công ty nước ngoài có công nghệ tiên tiến hoặc các công ty tư nhân Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài. Từ năm 2015, dự án Made in China 2025 đã được khởi động nhằm hướng tới khả năng tự cung cấp công nghệ nhiều hơn. 

Tuy nhiên, mức độ tinh vi và thiết kế của các dòng chip hiện vượt quá khả năng công nghệ của Trung Quốc. Điều này buộc Trung Quốc phải phụ thuộc vào nhập khẩu chất bán dẫn. Lắp ráp là giai đoạn sản xuất đáng xem xét nhất và có giá trị gia tăng thấp nhất, theo đó các công ty Trung Quốc cố gắng chiếm lĩnh một phần của thị trường này.

Từ năm 2018, với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu, chính quyền Mỹ đã tìm cách hạn chế việc Trung Quốc đầu tư vào các công ty liên quan đến công nghệ chip. Giới chức Mỹ đã viện lý do an ninh quốc gia để chặn nhiều khoản đầu tư chiến lược hoặc các thương vụ mua bán trong lĩnh vực này. Điều này là nhờ vào quyền hạn được tăng cường của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) và việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc thông qua Danh sách thực thể do Cục công nghiệp và an ninh (BIS) duy trì. Việc mở rộng quyền hạn của các cơ quan này là nhờ khái niệm linh hoạt về “an ninh quốc gia”.

Các cơ quan quản lý của Mỹ cũng đã chứng minh rằng họ cũng có thể can thiệp chống lại các công ty Trung Quốc ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Điều này được thể hiện khi CFIUS chặn Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund – FGC) của Trung Quốc mua lại công ty Aixtron của Đức năm 2016 (2) và BIS cũng sử dụng sức ép này để chặn công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) bán chip cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc (3).

Ý tưởng về Liên minh Chip 4

Mặc dù nắm được bí quyết công nghệ và có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, chế tạo chip, nhưng Mỹ không thể tự mình sản xuất do thiếu những yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc. Có ba thứ mà Mỹ cần tới Trung Quốc trong ngành công nghiệp có tính chiến lược này là: Nguồn tài nguyên đất hiếm, nhân công giá rẻ và chất bán dẫn – nguyên liệu tạo ra con chip dùng cho thiết bị điện tử.

Chính vì vậy, để thay thế vị trí của Trung Quốc trong lĩnh vực này, Mỹ cần sự hợp tác của ít nhất bốn đồng minh. Trong đó, Nhật Bản thực sự là “ông trùm” trong ngành công nghiệp bán dẫn, với TEL là nhà chế tạo chip bán dẫn lớn thứ ba thế giới. Trong khi nhà máy sản xuất chip của TSCM tại Đài Loan nắm giữ quyền lực lớn đến mức khiến Mỹ, Trung Quốc cũng phải kiêng dè, cùng với Samsung của Hàn Quốc là hai tên tuổi dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Australia cũng đang nắm giữ nguồn đất hiếm khá dồi dào, Công ty khai thác đất hiếm Lynas của Australia đang xây dựng một nhà máy ở bang Texas, giúp Mỹ cắt cơn ác mộng về đất hiếm do phụ thuộc 80% nguồn cung từ Trung Quốc.

Đó là lý do hồi tháng 4, Mỹ đã cùng với các đồng minh châu Á của mình đề xuất thành lập một liên minh chip mới với tên gọi là “Chip 4”. Bốn thành viên của Chip 4 được đề xuất bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Khó khăn của Hàn Quốc tất nhiên liên quan đến cơ cấu đầu tư của nước này ở Trung Quốc, tuy nhiên vấn đề nan giải mấu chốt có thể liên quan đến mục đích thành lập Chip 4 của Mỹ. 

Trên thực tế, Chip 4 không phải là ý tưởng mới, báo cáo về chất bán dẫn do Hội nghị Cố vấn công nghệ Nhà Trắng công bố vào tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2017 đã nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc để chống lại tham vọng phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc.

Cơ hội cho Việt Nam?

Theo báo Nikkei Asia, đầu tháng 4 năm nay, Mỹ và Nhật Bản đã kêu gọi các nước ASEAN tham gia vào một khuôn khổ chuỗi cung ứng chip bán dẫn mới. Mục tiêu của việc này là giúp ngăn chặn tình trạng thiếu chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử quan trọng khác. Đồng thời, việc mở rộng hợp tác với ASEAN được phía Mỹ và Nhật Bản tin rằng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc (4). Trước đó, Mỹ đã gửi một văn bản dự thảo cho Chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích các thành viên của khối ASEAN tham gia vào chuỗi cung ứng chip này.

Đây cũng sẽ là một cơ hội cho Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng cho chuỗi cung ứng công nghệ cao của toàn cầu.

Báo chí Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2024. Lĩnh vực bán dẫn được coi là động lực cho nhiều ngành công nghiệp và là một trong chín sản phẩm công nghệ giá trị cao tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, cũng có những ý tưởng đầu tư để xây dựng công nghiệp chip nội địa, nhằm góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có để bứt phá trong lĩnh vực thiết kế chip vi mạch khi cơ hội đang tới gần. Đồng thời, về nguồn lực con người, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế. Cùng với sự bùng nổ của Internet tại Việt Nam từ những năm 2000, các kỹ sư Việt Nam đã tận dụng được nguồn tài nguyên kiến thức phong phú cho việc học hỏi và chia sẻ kiến thức chuyên ngành, liên tục tích lũy và nâng cao kỹ năng nghề (5).

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất cản trở đến sự phát triển cho ngành sản xuất chip ở Việt Nam vẫn nằm ở chính sách của nhà quản lý. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Quân – Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết đã có rất nhiều ý tưởng, kế hoạch về sản xuất chip, nhưng tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy. Và Việt Nam vẫn là một quốc gia sử dụng chip nhiều, chứ chưa hề sản xuất được con chip nào (6).

“Ngành chip Việt Nam sẽ phải phát triển nhưng vấn đề là phát triển như thế nào. Nếu không có những quyết sách đột phá để thay đổi tình hình mà vẫn như hiện nay thì Việt Nam vẫn chỉ là người sử dụng chip ở quy mô lớn. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào đầu tư sản xuất nên sẽ tiêu thụ một lượng chip rất lớn.” – Ông Quân kết luận.

____________

Tham khảo:

1. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/08/09/fact-sheet-chips-and-science-act-will-lower-costs-create-jobs-strengthen-supply-chains-and-counter-china/

2. https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/2016/12/02/presidential-order-regarding-proposed-acquisition-controlling-interest

3. https://www.cnbc.com/2019/11/05/us-ramps-up-pressure-on-chinese-tech-giants-like-huawei-bytedance.html

4. https://asia.nikkei.com/Economy/Trade/U.S.-and-Japan-to-ask-ASEAN-to-help-avert-next-chip-crisis

5. https://ictvietnam.vn/tu-khung-hoang-thieu-hut-chip-toan-cau-va-co-hoi-cho-lao-dong-trinh-do-cao-viet-nam-20220618205207076.htm

6. https://vneconomy.vn/bai-3-vi-sao-chua-co-cong-nghiep-chip-viet-nam.htm

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts