Philippines đàm phán với Trung Quốc về lệnh cấm đánh cá, và đối sách của Việt Nam

Tờ Philippines Daily Inquirer đưa tin hôm 21/6 rằng, Tổng thống Philippines đang phối hợp với Trung Quốc để đảm bảo lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của nước này sẽ được thông báo trước chứ không áp đặt đơn phương. Động thái này được các nhà nghiên cứu Biển Đông cho rằng khả năng có nguy cơ gián tiếp thừa nhận quyền tài phán của Trung Quốc trong đường lưỡi bò…

Philippines đàm phán với Trung Quốc 

Theo bản tin của Philippines Daily Inquirer, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại thành phố Quezon vào thứ ba 20/6 rằng Manila và Bắc Kinh đang “đạt được một số tiến bộ” hướng tới một bước đột phá trong việc giải quyết tranh chấp của họ về lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc ở Biển Đông vốn là tai họa của ngư dân Philippines trong hơn hai thập kỷ. 

Tổng thống Philippines cho biết hai bên đã đạt đến mức độ “phối hợp” trong các hoạt động đánh bắt cá, bất chấp việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển giàu tài nguyên này. Ông nói: “Chúng tôi đã có sự phối hợp với họ (Trung Quốc) khi có lệnh cấm đánh bắt nên sẽ không có chuyện cấm đánh bắt đột ngột. Ít nhất chúng ta có thể có một kế hoạch.” Ông nói thêm: “Chúng tôi đang đạt được một số tiến bộ trong vấn đề đó.” Cụ thể, ông Marcos cho biết Philippines và Trung Quốc đã thỏa thuận là hai bên sẽ “phối hợp” mỗi khi Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh cá này.

Từ 1999 đến nay, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từng phần trong đường chín đoạn trên Biển Đông… Lệnh cấm này gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân của các nước xung quanh Biển Đông và làm cho các nước trong khu vực phải đàm phán song phương với Trung Quốc để áp dụng lệnh cấm nhằm giảm thiệt hại cho mình. Theo một số chuyên gia, việc đàm phán với Trung Quốc là cần khéo léo để một mặt bảo vệ được lợi ích của ngư dân mình nhưng mặt khác không rơi vào bẫy thừa nhận lệnh cấm phi pháp mà Trung Quốc đơn phương áp đặt. 

Chính sách hai mặt của Trung Quốc 

Vẫn theo bản tin của Philippines Daily Inquirer, Tổng thống Philippines cho biết Manila và Bắc Kinh đã giữ liên lạc về vấn đề đánh bắt cá, và vào tháng 5, 2023, hai bên đã đồng ý thảo luận về quyền đánh cá của ngư dân Philippines ở Biển Đông. Nhiều ngư dân Philippines thường bị tàu Trung Quốc quấy rối ngay cả trong ngư trường truyền thống của họ. Ông nói: 

“Những điều này không đến nhanh được… nhưng chúng tôi đang dần đạt được tiến bộ vì chìa khóa của điều đó là sự liên lạc được cải thiện giữa chính phủ Philippines và chính phủ Trung Quốc,” 

Chính sách này của Chính phủ Philippines là để bảo vệ lợi ích của ngư dân, nhưng về mặt đối ngoại có thể gây ra thiệt hại. Theo một số chuyên gia, Việt Nam cũng gặp phải vấn đề tương tự và đó là điều nên lưu ý khi đàm phán với Trung Quốc. 

Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang ở Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền, Đức, nhận xét: 

“Khi đọc lời của Tổng thống Philippines, tôi không biết đoạn này có bị Philippine Daily Inquirer trích dẫn ngoài ngữ cảnh hay không: 

Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Marcos nói: “Khi họ (Trung Quốc) công bố sẽ có lệnh cấm đánh bắt cá trong hai tháng tới, chúng tôi có thể lên kế hoạch.

“Ngư dân của chúng tôi sẽ làm gì? Hãy cho họ một kế sinh nhai khác hoặc một nguồn thu nhập khác.”

Nếu Tổng thống Philippines như nói vậy thì gián tiếp công nhận Trung Quốc có thẩm quyền ra lệnh cấm đánh bắt cá rồi.”

Ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Đại học Standford, cho rằng Trung Quốc sử dụng các lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm như một phương tiện để khẳng định chủ quyền của mình đối với các vùng nước rộng lớn. Điều này đã khiến cho các cộng đồng ngư dân xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam và Philippines, phải trả giá đắt: 

“Tổng thống Marcos của Philippines đang cố gắng đi theo một đường lối rất tốt trong việc cố gắng thuyết phục Bắc Kinh giảm bớt các hành động thực thi đường lối cứng rắn của mình, mà không tỏ ra chấp nhận các yêu sách hàng hải quá đáng của Trung Quốc, vốn xâm phạm quá đáng vào vùng biển Philippines.”

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Tấn Trung ở Đại học Victoria, Canada, nhận xét rằng:

“Động thái này của Philippines, xét về mặt đối ngoại, có thể bất lợi vì vô tình thừa nhận tính “chính danh” của lệnh cấm đánh cá đơn phương và bất hợp pháp của Trung Quốc. Thừa nhận lệnh cấm đánh cá trong phạm vi đường chữ U của Trung Quốc thì có nguy cơ bị Trung Quốc diễn giải là thừa nhận tính pháp lý của bản thân đường chữ U đó.”  

Ông Raymond Powell cũng cho rằng “Tổng thống Marcos sẽ phải hành động hết sức thận trọng để tránh rơi vào cái bẫy mà Bắc Kinh đã giăng sẵn. Trung Quốc sẽ nhanh chóng nắm bắt bất kỳ sai lầm nào để tuyên bố rằng Manila đã đệ trình lên quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp và được quốc tế công nhận của Philippines.

Điều này tương tự như các thỏa thuận phát triển hydrocarbon chung mà Trung Quốc đã tìm cách ký kết với các nước láng giềng của mình, một trong số đó đã bị Tòa án Tối cao Philippines bác bỏ vì coi đó là sự từ bỏ các quyền chủ quyền một cách vi hiến.”

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. Hồ Chí Minh nhận xét về động thái này của Philippines: 

“Lệnh cấm đánh của Trung Quốc thực ra nói thì dễ làm thì khó. Vì không dễ để Trung Quốc tung lực lượng chấp pháp kiểm soát cả một vùng biển rộng lớn trải dài qua vùng đặc quyền kinh tế nhiều nước. Vì vậy, xét về lợi ích đánh bắt cá thì Philippines không phải là thiệt hại nhiều từ lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc. Nhưng Philippines chọn vấn đề này để đàm phán với Trung Quốc. Đó giống như một cuộc cờ, một ván bài. Philippines cần bảo vệ quan hệ kinh tế với Trung Quốc, còn Trung Quốc thì cần có một “sự hợp tác” nào đó của Philippines trên Biển Đông để chứng tỏ hành vi cấm đánh cá của họ có một chút “chính danh”. 

Các cuộc thương thuyết của Philippines với Trung Quốc cũng không dễ đi vào thực tế nếu có yếu tố gây hại cho lợi ích quốc gia của nước này, vì sẽ bị các bên khác trong nội bộ Philippines phản đối.”

Lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông của Trung Quốc không chỉ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhiều nước khác mà còn được thực thi bằng chính sách “hai mặt”: trong khi họ lấy cớ cấm đánh cá để bảo vệ môi trường thì họ lại tỏ ra không muốn chấp nhận chính sách bảo vệ môi trường của nước khác. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang chỉ ra tính “hai mặt” này: 

“Trong bản tin của Philippines Daily Inquirer còn có đoạn đáng lưu ý: “Trong khi đó, nhà lập pháp Edward Hagedorn từ tỉnh Palawan, đảo đối diện với Biển Đông của Philippines, cho biết về một dự luật mà ông đang thúc đẩy nhằm tuyên bố các phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là khu bảo tồn biển đã vấp phải sự bày tỏ không hài lòng từ đại sứ Trung Quốc tại Manila.” 

Nếu hành xử như vậy thì Bắc Kinh hai mặt. Một mặt họ nói lệnh cấm đánh cá có mục đích bảo vệ môi trường, cấm cả vùng đánh bắt cá trong EEZ của nước  khác, nhưng khi người ta thiết lập khu bảo tồn biển để bảo vệ môi trường thì phản đối. Như vậy lệnh cấm đánh bắt cá không phải để bảo vệ môi trường như Bắc Kinh nói mà là để tăng cường kiểm soát, từ đó khẳng định quyền chủ quyền ở Biển Đông.” 

Việt Nam xử lý vấn đề Trung Quốc cấm đánh cá và xâm phạm ngư trường

Các đàm phán của Philippines với Trung Quốc để “phối hợp” khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh cá hàng năm, có thể gây ra bất lợi về vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng theo một số chuyên gia, bên cạnh việc thực thi chủ quyền bằng lực lượng chấp pháp, việc Việt Nam tiếp tục giữ liên lạc và thảo luận với Trung Quốc là cần thiết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Tấn Trung nhận xét:

“Về phía Việt Nam, theo tôi biết là chúng ta cũng có hợp tác về đánh bắt cá với Trung Quốc chứ không phải không có. 

Hiển nhiên, chúng ta không muốn đẩy ngư dân ra ngư trường một mình để họ tự thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và hoàn thành thông điệp “không công nhận” thay cho các cơ quan nhà nước được. Nếu tôi là bên có trách nhiệm phụ trách quá trình này thì chắc chắn tôi cũng sẽ duy trì việc thông tin và giữ liên lạc với phía Trung Quốc, để bảo đảm không đẩy ngư dân vào chỗ nguy hiểm.

Mặt khác, Việt Nam chúng ta cũng phải cần liên tiếp chỉ ra tính bất hợp pháp, hợp lý của lệnh đánh bắt này trong mọi phát ngôn, giấy tờ trao đổi với phía này.

Tôi cũng không nắm rõ thông tin về hoạt động của lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên thực địa ngư trường, nhưng tôi nghĩ nếu cần thì việc Cảnh Sát biển, các lực lượng hỗ trợ khác cũng có thể thường xuyên theo dõi, giám sát và thực hiện hoạt động di chuyển của các bên trong các ngư trường chính của ngư dân Việt Nam. Việt Nam cũng có thể khẳng định chủ quyền cũng như thực hiện một vài cuộc đánh bắt tượng trưng ở những vùng này để phủ nhận tính pháp lý của lệnh đánh bắt mà Trung Quốc đưa ra.”

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp ở Viện ISEAS của Singapore cho biết lực lượng chấp pháp của Việt Nam (Kiểm ngư) luôn kiểm soát và nỗ lực đẩy tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu Kiểm ngư của Việt Nam thường tắt tín hiệu AIS để giữ bí mật về vị trí và khi di chuyển để có thể theo dõi các hoạt động của tàu cá Trung Quốc. 

Ông Raymond Powell cho rằng “ở những vấn đề như thế này, vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt cũng giống như tất cả các nước láng giềng khác của Trung Quốc, là phải xử lý với một con rồng luôn đói. Bất kể bạn cho nó ăn bao nhiêu, nó sẽ nhanh chóng đòi ăn nhiều hơn và sẽ không ghi công bạn vì đã cho nó ăn trước đó.”

 

Related posts