Quan chức về nhân quyền chính phủ nói Việt Nam “không có tù nhân tôn giáo”

Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc Nhà nước Việt Nam dối trá sau khi một quan chức chính phủ phụ trách lĩnh vực nhân quyền của nhà nước độc đảng khẳng định nước này không giam giữ tù nhân chính trị và tôn giáo.

Trang Báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/7 có bài viết dẫn cuộc phỏng vấn Thiếu tướng công an Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ liên quan một số nhà hoạt động bị cầm tù, khẳng định “Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị như luận điệu của một số tổ chức, cá nhân đã nêu trong thời gian qua.”

Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao ngày 22/7 dịch lại bài viết trên qua tiếng Anh nói đến việc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Mỹ kêu gọi trả tự do cho bốn nhà hoạt động là Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Y Yich và Y Pum Bya nhân ngày Ngày quốc tế Chống tra tấn của Liên Hiệp quốc (26/6).

Phản ứng trước lời khẳng định của ông Kỷ, ông Phil Robertson, Giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA):

Sự phủ nhận một cách lố bịch của Chính phủ Việt Nam là một phần trong âm mưu liên tục của họ rằng bất cứ điều gì có trong luật đàn áp của họ đều tự động tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và luật nhân quyền.”

Vị chuyên gia chuyên theo dõi nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm qua nhấn mạnh:

Tuyên bố lố bịch này được Hà Nội sử dụng để phủ nhận các hành vi đàn áp và vi phạm nhân quyền có động cơ chính trị. Tất cả đều là một phần của Lời Nói Dối Lớn (Big Lie) của Chính phủ Việt Nam, mà họ tiếp tục lặp đi lặp lại. Nhưng việc lặp đi lặp lại những lời nói dối không khiến chúng trở thành sự thật và việc tiếp tục phủ nhận cũng không thuyết phục được ai.

Lời Nói Dối Lớn trong tiếng Anh được hiểu là khi nói dối thì phải nói dối thật lớn và kiên trì. Tiếp tục nói dối, thậm chí có nguy cơ trở nên trông thật lố bịch.

Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm

Theo ông Kỷ, bốn nhà hoạt động nêu trên đều được cơ quan chức năng Việt Nam xử lý đúng người, đúng tội như đối với hàng trăm nhà hoạt động khác trong nhiều thập niên qua. Họ đã lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, vi phạm các điều luật cụ thể.

Ông cũng khẳng định quá trình bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử họ đều bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật, hết sức nghiêm minh và khách quan.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã gửi nhiều văn bản chất vấn Chính phủ Việt Nam về việc bắt giữ và kết án Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, cùng hàng chục nhà hoạt động khác.

Qua đó, các chuyên gia nhân quyền khẳng định rằng việc bắt giữ những người này là tuỳ tiện và việc kết án họ là không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng nói Việt Nam giam giữ nhiều tù nhân lương tâm, là những người bị bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, xu hướng tình dục, niềm tin hay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. Theo tổ chức này, số lượng tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã tăng từ 84 năm 2016 lên 170 đầu năm 2021.

Bà Kate Schuetze- Quyền phó giám đốc nghiên cứu khu vực của Ân xá Quốc tế, trong email gửi RFA khẳng định:

Nhà nước Việt Nam từ lâu đã bỏ tù những người chỉ trích mình nhằm bịt ​​miệng xã hội dân sự. Nhiều người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà hoạt động đã bị bỏ tù chỉ vì lên tiếng chống lại Chính phủ. Đó không phải là tội.”

Theo thống kê của RFA, từ năm 2021 tới nay, Việt Nam bắt giữ ít nhất 104 người thực hành các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, hội họp, tôn giáo… và kết tội 94 người theo các tội danh như “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117, “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331, “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 ….

Đó là những điều khoản trong Bộ luật Hình sự 2015 mà Cao uỷ LHQ về nhân quyền, nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều quốc gia kêu gọi Việt Nam xoá bỏ hoặc sửa đổi để tương thích với các điều luật nhân quyền quốc tế và các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt trong các kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) năm 2019 và 2024.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nhận định rằng, Nhà nước do Đảng Cộng sản cai trị từ lâu đã “hình sự hoá tất cả những sinh hoạt nhân quyền căn bản” và xử tù những người thực hiện các quyền cơ bản đó. Ông cho rằng:

Và như vậy chính hệ thống luật Việt Nam đã vi phạm những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế chứ không phải không có tù nhân lương tâm ở Việt Nam.”

Cựu tù nhân chính trị nói gì?

Ông Ngô Văn Dũng (tức Facebooker Biển Mặn), một thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt giam từ năm 2018 sau các cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, với sự tham gia của hàng chục nghìn người ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ông bị kết án năm (05) năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh”  và mãn hạn tù hồi tháng 9 năm ngoái. Nói với RFA trong ngày 23/7, ông khẳng định mình và nhiều thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt và kết án tù vì lý do chính trị.

Phản bác luận điệu “Việt Nam không có tù nhân chính trị mà chỉ bỏ tù những kẻ vi phạm luật pháp” của chính quyền độc đảng, ông Dũng cho rằng những người như ông không có hành động nào để lật đổ chính quyền mà chỉ lên tiếng theo Điều 25 của Hiến Pháp vốn quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.”

Về tuyên bố “Việc bắt giữ, xử lý hình sự các đối tượng nhân danh tự do ngôn luận, báo chí; tự do tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị là cần thiết và đúng với quy định pháp luật,” ông Dũng nói:

Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, tôi đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân đưa ra cho tôi một câu nói thôi một lời nói nào tôi vi phạm pháp luật hoặc một hành động hoặc có bất kỳ một vũ khí hay hung khí nào để chứng minh tôi vi phạm pháp luật nhưng họ không đưa ra mà cui cùng vẫn kết án tôi năm (05) năm tù về tội phá rối an ninh.”

Ông cũng khẳng định những người trong nhóm của ông như Trần Thị Ngọc Hạnh, Lê Thị Bình, Huỳnh Trương Ca, Lê Minh Thể, Lê Đình Cương… bị cầm tù chỉ vì thực hiện các quyền được ghi trong Điều 25 của Hiến Pháp hiện hành.

Related posts