Cổ phần hóa: giải pháp cho doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ triền miên?

Sáng 21 tháng 12 năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023. Con số lỗ được EVN đưa ra là khoảng 31.360 tỉ đồng. Trước đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines cũng báo lỗ hơn 2.546 tỷ đồng trong quý 3 năm 2022.

Cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Vietnam Airlines đều là doanh nghiệp nhà nước. Hai doanh nghiệp này báo lỗ khiến nhà nước phải dùng ngân sách để bù.   

Cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Minh Triết nói với RFA sáng 10 tháng 1:

“Không chỉ có Hàng không Việt Nam hay ngành điện mà ngành xăng dầu, nhập về bán cũng lỗ. Cái đó do một cái chung là nền kinh tế quốc doanh mà mình chưa sửa được nên Nhà nước phải bù lỗ. Tất nhiên không phải tất cả năm nào cũng lỗ. Có năm này, có năm khác. Bây giờ Nhà nước có chương trình giao cổ phần hóa. Chương trình đó của Nhà nước làm.

Theo tôi biết thì chuyện cổ phần hóa đã nằm trong chủ trương chung của chính phủ rồi. Nhưng chưa làm hết tất cả được vì cần thời gian, nhưng rồi cũng phải đi tới đó thôi.”

Thị trường điện lực Việt Nam được phân chia thành bốn khâu, bao gồm: sản xuất, truyền tải, bán buôn và bán lẻ. Mặc dù Luật Điện lực của Việt Nam quy định Nhà nước chỉ độc quyền khâu truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử, nhưng trên thực tế, EVN đang độc quyền ở tất cả các khâu, trừ sản xuất điện.

Việt Nam đã thí điểm cổ phần hóa từ năm 1990. Cho đến nay đã trải qua một quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước rồi. Còn những sản phẩm độc quyền và có ý nghĩa chiến lược, then chốt như điện thì sẽ được xem xét một cách cẩn trọng. Việc ngành điện trong thời gian vừa qua có các nguyên nhân khách quan mà chúng ta cần phải xem xét một cách cẩn trọng. – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc cổ phần hóa sẽ tạo cơ hội kinh doanh cho các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp nhà nước. Điều này được chính nhà nước đưa ra từ mấy chục năm trước nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ông nói với RFA sáng 10 tháng 1 năm 2023:

“Việt Nam đã thí điểm cổ phần hóa từ năm 1990. Cho đến nay đã trải qua một quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước rồi. Còn những sản phẩm độc quyền và có ý nghĩa chiến lược, then chốt như điện thì sẽ được xem xét một cách cẩn trọng. Việc ngành điện trong thời gian vừa qua có các nguyên nhân khách quan mà chúng ta cần phải xem xét một cách cẩn trọng.

Đó là các nguồn đầu vào của ngành điện đã bị tăng giá lên rất cao. Trong khi đó thì giá điện lại do nhà nước ấn định và không thay đổi. Cho nên ngành điện bây giờ đã xem xét điều chỉnh việc quy định giá điện. Theo tôi, đề nghị đó sẽ xem xét nghiêm túc trong thời gian tới.

Theo tôi thì việc độc quyền vẫn tiếp tục thực hiện và một cái khó khăn của việc cổ phần hóa các doanh nghiệp là việc ấn định giá. Trong đó có vấn đề giá đất sẽ được ấn định như thế nào?

Đó là điều rất tế nhị và nhạy cảm hiện nay. Giá đất sẽ được ấn định theo giá thị trường hay được ấn định theo giá nhà nước? Chênh lệch giữa hai mức giá này sẽ được giải quyết như thế nào? Đó là những điều cần được xem xét.”

Giá đất liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp cũng là điều được một số chuyên gia kinh tế đề cập đến khi phân tích nhưng nguyên nhân cản trở cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại nghị trường Quốc hội vào năm ngoái. Phát biểu tại nghị trường quốc hội, Chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh:

“Bản chất của cổ phần hóa doanh nghiệp là bán doanh nghiệp chứ không phải là bán đất gắn với doanh nghiệp do quá trình lịch sử để lại. Tất cả những thất thoát, lãng phí, thậm chí sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp vừa rồi và cũng là một nguyên nhân khiến cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra rất chậm và gặp nhiều khúc mắc chính là vấn đề liên quan tới đất đai.”

Năm 2018, Quốc hội ra nghị quyết số 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác. Hai năm sau, Chính phủ ban hành nghị định 140/2020/NĐ-CP quy định rõ đất đai nào thuê hàng năm có trả tiền một lần mới tính vào giá trị doanh nghiệp, còn đất trả tiền thuê hàng năm sẽ không tính vào.

000_Hkg10192480.jpg

Ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước khác cũng báo lỗ, đối diện nguy cơ phá sản và được nhà nước “giải cứu”, đó là Vietnam Airlines. Đây là hãng hàng không duy nhất ở Việt Nam nhận được gói cứu trợ trị giá 12 nghìn tỷ đồng do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính – nếu nhà nước không cứu Vietnam Airlines thì hậu quả trước mắt là một phần vốn lớn của nhà nước tại doanh nghiệp này sẽ tiêu tan và hàng nghìn lao động sẽ rơi vào cảnh mất việc làm. Hệ quả về an sinh xã hội là vô cùng lớn.

Tuy đã nhận được gói hỗ trợ, không đối mặt nguy cơ phá sản, nhưng Vietnam Airlines vẫn nợ rất lớn và lại đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết, theo cảnh báo của Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM cách nay gần hai tháng.

Tháng 3 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu được nói nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Hai tháng sau, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tiếp tục ký ban hành Công điện số 478/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đạt kế hoạch đề ra.

Related posts