Việc vận hành phương thức sản xuất tư bản để tăng trưởng kinh tế, một mặt để đảm bảo tính chính danh cho Đảng CS, nhưng mặt khác, đã biến chế độ thành “nhà nước tư bản thân hữu”. Việc xét xử các đại án tham nhũng, trong đó có Vụ án AIC như một điển hình, cho thấy vấn đề chưa được nhận diện và lý giải thoả đáng.
Bài trước trình bày về việc xét xử phúc thẩm vụ án Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) vào cuối tháng 5 vừa qua … Về hình thức, bản án đã tuyên là nghiêm khắc để chứng tỏ thái độ của chính quyền đối với các hành vi sai trái về luật pháp và đạo đức của các cựu CEO của AIC và cựu lãnh đạo chính quyền tỉnh Đồng Nai. Họ đã “đưa và nhận hối lộ”, “vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu” để chiếm đoạt tài sản nhà nước tại dự án Bệnh viện Đa khoa của tỉnh và gây hậu quả rất nghiêm trọng… Trong đó, toà án nhấn mạnh vai trò “chủ mưu” của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, với tư cách là chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc AIC. Tuy nhiên, bài học lớn nhất từ vụ án này nói riêng và các vụ án tham nhũng nói chung, theo tôi, cần đúc rút ở đây là việc nhận diện và giải pháp phòng ngừa “mối quan hệ tư bản thân hữu” – sự liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và quan chức trong bộ máy chính quyền.
Bà Nhàn, là chủ doanh nghiệp tư nhân, có lý lịch khả tín và được chính quyền tin tưởng, tiến hành xứ mệnh kinh doanh theo đuổi lợi nhuận, khẳng định vai trò cá nhân trong sự phát triển của AIC. Ngoài các kỹ năng điều hành, quản trị doanh nghiệp, ‘tài năng’ của bà cựu chủ tịch AIC ở chỗ đã thành công trong việc gây dựng, nuôi dưỡng “các mối quan hệ thân hữu”, “cùng có lợi” và rộng khắp với các quan chức chính quyền ở trung ương và nhiều địa phương để nhận được ‘đặc ân’. Số các dự án mà AIC đã trúng thầu nói lên điều đó. Đối với dự án Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Đồng Nai, hành vi “đưa và nhận hối lộ” đã có từ nhiều năm trước khi vụ việc bị khởi tố, và, theo lời khai từ chính các quan chức phạm tội, diễn ra không dưới 10 lần dưới nhiều hình thức với số tiền lớn. Tuy nhiên, nếu phán xét về nghĩa vụ và trách nhiệm thực thi công vụ thì bà Nhàn ‘đáng trách một’ thì các cựu quan chức tỉnh Đồng Nai ‘đáng trách mười”.
Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, về bản chất, đã có khởi đầu tốt đẹp. Câu chuyện sau đây về “khoán chui” của những người nông dân tỉnh Vĩnh Phúc và ông cựu bí thư tỉnh uỷ với bí danh Kim Ngọc đã đặt nền móng cho chính sách Đổi mới từ năm 1986. Phương thức sản xuất này đã cứu chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam khỏi sụp đổ. Những người nông dân cần cù ở tỉnh Vĩnh Phúc đã dũng cảm thực hiện ‘khoán chui’ trong nông nghiệp, họ nhận một mức khoán sản lượng từ hợp tác xã và tự canh tác trên đồng ruộng thuộc sở hữu chung, có được sản phẩm thặng dư khi thu hoạch vụ mùa và khấu trừ theo mức nhận khoán… Họ là những nông dân bình thường, các cá nhân ‘nhỏ bé’, có tên tuổi và nơi cư ngụ cụ thể, đã tự cứu mình thoát khỏi nghèo đói và, hơn thế, hành động của họ ‘vô tình’ đã mang ý nghĩa lớn, đó là sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thoát khỏi ràng buộc, vươn lên tự quyết định vận mệnh của chính mình. Về thực chất, những người nông dân này đã bắt đầu tiến hành “phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” trong nông nghiệp trong lòng “chế độ xã hội chủ nghĩa” và mang trong mình những phẩm chất của doanh nhân can đảm, “dám nghĩ, dám làm”, vượt khó hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong câu chuyện này không thể không kể thêm về vai trò của cố bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Ông Kim Ngọc (1917-1979), từng giữ chức Bí thư tỉnh uỷ khi đó, đã ‘bật đèn xanh” cho ‘khoán chui’. Ông ấy quan niệm: “xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”. Tuy nhiên, vì trái với đường lối của Đảng CS về phát triển hợp tác xã, và ông ấy đã bị kỷ luật đảng về điều này. Tuy nhiên, sau Đổi mới 1986 khoảng 10 năm sau khi ông ấy mất, ông Kim Ngọc được phục hồi danh dự, hơn thế, thậm chí được đánh giá lại là ‘cha đẻ’ của chính sách ‘khoán 10’ (chính sách khoán ruộng năm 1988), là người lãnh đạo có tư duy “táo bạo và thương dân”. Nếu nhìn nhận từ cách đánh giá cán bộ lãnh đạo trong bối cảnh hiện nay, ông ấy có lẽ đã bị quy là “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, suy thoái về tư tưởng theo quan điểm tư bản chủ nghĩa… Và trong chiến dịch “đốt lò”, chống tham nhũng “không vùng cấm” bộ máy quan chức đang ‘lịm đi’, ‘sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm’, chờ thời… Mặc dù Đảng gây ‘áp lực’ thuyên chuyển, loại khỏi bộ máy, kêu gọi “đột phá” dám nghĩ, dám làm…, hứa hẹn chế độ đãi ngộ thoả đáng, nhưng liệu Đảng có tạo ra ‘phép màu’ để các ‘hậu duệ’ của cố bí thư Kim Ngọc để vượt qua cái gọi là “lỗi hệ thống” hiện nay khi niềm tin vào lý tưởng cộng sản đã bị bào mòn và đạo đức lối sống chịu ràng buộc bởi các mối quan hệ xã hội và vật chất phức tạp.
Tuy nhiên, trong thời kỳ “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế”, kể từ cuối những năm 1990s, các hiện tượng được dán nhãn như “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “thế lực chống lưng”, “ăn chia”, “bôi trơn”, trục lợi, tham nhũng… bùng phát dưới các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, chúng đã không được nhận diện đầy đủ và lý giải bản chất cho đến khi nhà nghiên cứu kinh tế chính trị Minxin Pei, người Mỹ gốc Hoa, định danh là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (tiếng Anh là crony capitalism) trong cuốn “Tư bản thân hữu Trung Quốc” được ấn hành năm 2016 (đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam năm 2018). Theo ông ấy, các mối quan hệ tư bản thân hữu phổ biến và nghiêm trọng đến mức biến cả chế độ Đảng CS Trung Quốc toàn trị thành “nhà nước tư bản thân hữu”. Tuy nhiên, trong công trình này giải pháp chính sách cho vấn đề vẫn để ngỏ. Ở Việt Nam thực trạng mối quan hệ tư bản thân hữu đang phơi bày những bất cập thể chế mang tính hệ thống, trong đó, như trình bày ở trên, đại án AIC là một trường hợp điển hình.
Sau hơn 30 năm Đổi mới sự vận hành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (nhạy cảm với chế độ nên chính quyền gọi là thị trường), từ sáng kiến và sự dũng cảm của những người nông dân ‘khoán chui’ đến sự phát triển nhanh chóng các doanh nghiệp tư nhân, đã huy động các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống… Được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng thành phần kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh, đóng góp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội GDP và thay đổi diện mạo đất nước. Tuy nhiên, sự “thành công” này, một mặt, đảm bảo cho tính chính danh của Đảng CS, nhưng mặt khác, nó đang biến chế độ thành “nhà nước tư bản thân hữu”. Rơi vào thế lưỡng nan, Đảng có thể sự trấn áp tư bản bành trướng vô trật tự trong chiến dịch “đốt lò” nhưng không thể xoá bỏ phương thức sản xuất này và, cũng đồng thời không thể chỉ coi phát triển thành phần kinh tế tư nhân như ‘sách lược’ tiến lên XHCN. Chống tham nhũng đang là quyết sách của Đảng cho tình hình chủ nghĩa tư bản thân hữu, nhưng liệu đó có phải là chính sách căn cơ?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.