Quốc hội họp bất thường vào ngày 2/5 để xem xét công tác nhân sự

Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập phiên họp bất thường lần thứ 7 để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được Đảng cho thôi các chức vụ theo nguyện vọng 

Mạng báo Pháp luật online dẫn thông cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường về kỳ họp sẽ diễn ra trong chiều 2/5 tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. 

Trong kỳ họp bất thường lần thứ 6 vào ngày 21/3, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội Đà Nẵng khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Phúc đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan. 

Hôm 26/4 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Huệ bị cho là đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Sự kiện chấn động này theo sau tin tức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của ông Huệ là Phạm Thái Hà bị bắt giam và khởi tố vào ngày 21/4 về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” có liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Theo hãng tin Reuters, ngoài việc thảo luận về việc ông Huệ từ chức, vẫn chưa rõ những quyết định hoặc bổ nhiệm nào khác sẽ được đưa ra tại phiên họp đặc biệt hôm thứ Năm vì đất nước vẫn cần tìm và phê chuẩn những người kế nhiệm lâu dài cho hai chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Việt Nam không có lãnh đạo tối cao và được lãnh đạo chính thức bởi tứ trụ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản là nhân vật quyền lực nhất ở Việt Nam.

Trong buổi hội luận của RFA ngày 30/4 với Tiến sĩ Nguyễn Quang A – nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể) nhận định: 

“Nếu như theo tiêu chuẩn tứ trụ từ trước tới nay là phải trải qua một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị thì lúc đấy chỉ còn có hai người thôi, đó là bà (Trương Thị) Mai và ông Tô Lâm… là đủ tiêu chuẩn để trám vào hai vị trí này. Khá là dễ để có thể thấy bà Mai có thể làm Chủ tịch quốc hội và ông Tô Lâm có thể làm Chủ tịch nước.”

Tuy nhiên cũng theo ông A, chức Chủ tịch nước mang “dớp” trong vài nhiệm kỳ gần đây, có thể kể đến ông Trần Đại Quang qua đời khi giữ chức hơn hai năm, trong khi hai người kế nhiệm là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng đều phải rời chức vụ khi tại nhiệm hơn một năm. 

Chưa kể đến việc từ Chủ tịch Quốc hội rồi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản đã có tiền lệ của ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng, nên theo phán đoán của ông Nguyễn Quang A Bộ trưởng Công An Tô Lâm có thể thay thế ông Vương Đình Huệ để giữ vị trí quyền lực nhất trong cơ quan lập pháp của Việt Nam. 

Sự thay đổi mới nhất trong giới lãnh đạo cấp cao trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng lan rộng có thể làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở nơi được mệnh danh là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại nước ngoài.

Ông Huệ, 67 tuổi, được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Bí thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất của Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam dự kiến tổ chức kỳ họp thường kỳ kéo dài một tháng từ ngày 20/5

Related posts