Quốc hội: Thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ; không thanh tra Vietnam Airlines

Quốc hội Việt Nam yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tuy nhiên không đồng ý thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines.

Đó là hai trong các nội dung lớn của nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV vừa được Quốc hội VN thông qua ngày 24/6 và được truyền thông loan trong cùng ngày.

Cụ thể, Quốc hội yêu cầu Chính phủ xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật…

Vào tháng 2/2023, nhiều báo chí loan tin rằng nhiều người dân bất mãn khi phải đi vay vốn ngân hàng bị buộc mua bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, để có thể vay 100 triệu, người vay phải bỏ 15 triệu đồng để mua bảo hiểm nhân thọ. Một số khác cho rằng hoạt động BHNT tại Việt Nam đang “lừa, ép” khách hàng. Tính đến ngày 01 tháng 12 năm 2021, có 18 công ty bảo hiểm nhân thọ  đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có những công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất trên thế giới như AIA; Prudential; Manulife; Metlife; Dai-ichi Life Insurance; Generali Việt Nam…

Do đó, việc xử lý môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn và thanh tra tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật…sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Cũng trong ngày 24/6, Uỷ ban thường vụ quốc hội xác nhận không đồng ý thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines mặc dù nhiều đại biểu đề nghị cần thanh tra để bảo đảm minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh của “ông lớn” ngành hàng không này.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết lý do vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các nội dung này không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng không đặt ra các vấn đề liên quan tới Vietnam Airlines.

Ba năm liên tiếp, Vietnam Airlines đều báo lỗ với con số hàng chục ngàn tỷ đồng. Dù ngành hàng không đã bước sang năm phục hồi thứ hai nhưng hôm 13/6 Vietnam Airlines vẫn tiếp tục báo lỗ trong khi một số hãng hàng không khác báo lãi.

Tình hình tài chính cho thấy nhiều khó khăn với cơ cấu tài sản – nguồn vốn mất cân đối, lỗ lũy kế lớn, nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn đến cuối quý I/2023 là gần 70.000 tỷ đồng.

Liên tiếp trong các báo cáo kiểm toán gần đây, Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam – đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Vietnam Airlines nhấn mạnh về việc tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty khi nợ quá hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, vốn chủ sở hữu âm và khoản phải trả quá hạn lớn. Theo đơn vị kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê.

Related posts