Báo chí nhà nước mới đây dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc điều tiết thị trường xăng dầu bằng thuế phí, thay vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong lúc đó, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trong đó việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được bàn tới.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, hôm 29/1/2024 nhận định với RFA về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Việt Nam:
“Quỹ xăng dầu được thiết lập là để ổn định giá xăng dầu. Như chúng ta đã biết, giá xăng dầu trên thế giới biến động rất mạnh. Đặc biệt Việt Nam là nước tiêu thụ xăng dầu và nhập khẩu xăng dầu, thành ra giá cả xăng dầu ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của giá cả xăng dầu thế giới. Chính vì thế mà chính phủ lập ra quỹ bình ổn xăng dầu, là một quỹ để có thể điều chỉnh giá cho phù hợp với túi tiền của người dân Việt Nam. Thế nhưng những quỹ bình ổn này rất tiếc là đã không được vận hành một cách trơn tru và đã có sự lạm dụng ở đó.”
Liên quan đề xuất dùng công cụ thuế để ổn định giá xăng dầu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm:
“Tôi đồng ý với quan điểm dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu, thay vì dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu.”
Quỹ xăng dầu được thiết lập là để ổn định giá xăng dầu. Thế nhưng những quỹ bình ổn này rất tiếc là đã không được vận hành một cách trơn tru và đã có sự lạm dụng ở đó.
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Thanh tra Chính phủ vào ngày 4/1 đã công bố kết luận thanh tra xăng dầu, trong đó nêu rõ Bộ Công Thương có vi phạm trong cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, điều hành giá xăng dầu… Cụ thể trong hơn 5 năm, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi từ Quỹ bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng, số tiền gần 1.143 tỷ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá, hơn 318 tỷ…
Cùng thời điểm đó, Bộ Công an cũng xử lý với hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường tại ba doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (của đại gia kim cương Chu Đăng Khoa), Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Mới nhất là vào ngày 29/1/2024, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục Hải quan dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với xăng dầu và nguyên liệu xuất nhập khẩu của Công ty Hải Hà và Công ty Xuyên Việt Oil vì không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất…
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trần Tuyết Mai – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hải Hà – do không nộp số tiền trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và sử dụng tiền Quỹ Bình ổn giá trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 317 tỷ đồng.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, giải thích với RFA hôm 29/1/2024:
“Hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu có những quan điểm khác nhau là nên tồn tại hay không? Vừa qua, có một số số doanh nghiệp vi phạm, kết luận của thanh tra là công việc quản lý và giám sát quỹ bình ổn chưa có hiệu quả. Có nghĩa là họ sử dụng sai mục đích, chứ không phải tham ô. Đáng lý phải mở những tài khoản riêng để sử dụng khi cần lấy tiền ra, nhưng họ quản lý còn lỏng lẻo.”
PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết thêm, sắp tới Việt Nam sẽ xây dựng một nghị định hoàn toàn mới, hiện vẫn đang bàn cãi liệu có nên tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không? Ông Long nói tiếp:
“Thực tế quỹ bình ổn giá xăng dầu có ba đối tượng, thứ nhất là nhà nước có được lợi gì không, doanh nghiệp có được lợi gì không và người tiêu dùng có được là gì không. Thực chất đối với doanh nghiệp thì chẳng lợi gì cả. Còn người tiêu dùng thì người ta nói là tiền của người ta ứng ra trước, sau này khi có sự cố bỏ ra thì người ta cũng chẳng lợi gì. Chẳng qua lợi nhất là nhà nước, bởi vì nó phục vụ cho công tác điều hành giá khi giá xăng dầu, giá năng lượng tăng quá mức, sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá, gây lạm phát.”
Mặt trái của quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua không phải quỹ đó bất ổn. Nhưng việc sử dụng và quản lý quỹ mà có vấn đề.
-PGS. TS. Ngô Trí Long
Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nêu ý kiến của mình về quỹ bình ổn giá xăng dầu:
“Không nên tồn tại cái quỹ đó, người dân tốn thêm tiền mà không được hưởng lợi gì. Thậm chí nó sử dụng thế nào mình cũng không biết. Không hiểu cái quỹ đó vận hành thế nào, nhưng giá vẫn tăng đều. Vấn đề là sử dụng không minh bạch.”
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến hết quý 3/2023, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 7.058,55 tỷ đồng. Trong đó Petrolimex có số dư Quỹ Bình ổn cao nhất với 3.088,31 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng số dư quỹ. Công ty Hải Hà với hơn 612 tỷ đồng; Công ty Thiên Minh Đức 466 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 446 tỷ đồng…
Tầng suất điều hành giá xăng trước đây là 30 ngày, sau xuống còn 15 ngày, rồi xuống 10 ngày, giờ xuống 7 ngày… gần sát giá thị trường thì theo PGS. TS. Ngô Trí Long có cần quỹ bình ổn giá xăng dầu nữa hay không là vấn đề đáng bàn?
“Mặt trái của quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua không phải quỹ đó bất ổn. Nhưng việc sử dụng và quản lý quỹ mà có vấn đề. Có ba vấn đề, một là nguồn hình thành từ đâu, ở đâu mà có? Thứ hai là có rồi thì sử dụng ra sao? Ba là trong quá trình sử dụng quản lý ra sao? Cho nên còn nhiều quan điểm khác nhau.
Trong cơ chế thị trường, giá theo giá thị trường phụ thuộc cung cầu. Đặc biệt xăng dầu phụ thuộc giá thế giới. Việt Nam hiện nay sản xuất được 70 % còn 30 % phải nhập, cho nên vấn đề điều khiển giá lên xuống phụ thuộc hai van, một là thuế và hai là quỹ bình ổn.”
Vì vậy theo ông Long, nếu bỏ quỹ bình ổn thì trong bối cảnh giá thế giới tăng cao mà muốn ấn định giá xăng dầu trong nước thấp, thì nhà nước phải giảm thuế.
Dù quỹ bình ổn xăng dầu thực chất không giúp người tiêu dùng giảm chi phí, nhưng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, thì quỹ bình ổn xăng dầu là công cụ chống xăng dầu tăng giá sốc. Tuy nhiên khi trả lời RFA trước đây, ông Thịnh cho rằng, vấn đề là sử dụng quỹ sao cho phù hợp, linh hoạt, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Vì quỹ chỉ có tác dụng ở những thời điểm nhất định, giúp Nhà nước điều tiết giá và ‘chống sốc’ tăng giá cho người dân chứ không thể là công cụ làm thay mãi được.