Sửa Luật Đất đai: bế tắc thì nên xây dựng luật mới

Chính phủ Việt Nam lại tiếp tục xin hoãn sửa đổi Luật Đất Đai. Đây là lần thứ tư thời hạn sửa đổi bộ luật này bị lùi lại.

Theo Nghị quyết của Quốc hội trước đó, Chính phủ phải trình dự án Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp thứ 3, khai mạc tháng 5 năm 2022.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khi báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/4/2022 cho biết, lý do Chính phủ đề nghị lùi trình dự án Luật Đất đai sửa đổi để đợi Trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai… và dựa vào đó làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật.(!?)

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường nhận định với RFA từ Hà Nội hôm 18/4:

“Hiện nay có hai vấn đề lớn. Một là vướng mắc pháp luật làm cho rất nhiều dự án đầu tư phát triển không thể phê duyệt, do pháp luật có xung đột với nhau. Cái đấy cần tháo gỡ, mà đáng lẽ khi Thủ tướng bốn lần yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai kể từ năm 2016 đến 2020, nhưng từ đó đến nay vẫn rất chậm trễ sửa chữa. Nhưng chuyện lớn hơn là muốn cho Việt Nam phát triển mạnh, muốn năm 2045 Việt Nam là nước phát triển như đã vạch ra từ Đại hội Đảng XIII vừa rồi, thì tôi cho rằng cần phải thiết kế lại luật đất đai, chứ không chỉ sửa những vướng mắc.”

Nếu họ thật sự chấp nhận sửa Hiến pháp rồi sửa Luật Đát đai, thì có thể nói đó là vấn đề ‘Trời rung, đất chuyển’ trong chế độ độc đảng toàn trị tại Việt Nam hiện nay.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết nguyên nhân vì sao cần thiết kế lại Luật Đất đai:

“Bời vì Luật Đất đai hiện nay không phù hợp yêu cầu phát triển mạnh về quy hoạch, tài chính, hành chính… vì có những quy định không hợp lý, chứ không phải vướng mắc. Nó không hợp lý với yêu cầu đẩy Việt Nam lên thành nước phát triển. Chính vì vậy, đáng lẽ ngay từ năm 2018 là có thể ban hành Luật đất đai sửa đổi mà chỉ cần dựa vào ý kiến Thủ tướng là vướng mắc gì sửa đó. Chuyện đó là cần thiết nhưng là chuyện nhỏ… Còn lúc này là lúc cần thiết lại Luật Đất đai từ đầu, trên nguyên tắc thị trường, với yêu cầu phát triển mạnh. Điều này có thể cần thời gian dài hơn, nghiên cứu kỹ hơn, thảo luật mạnh mẽ hơn… thì lúc đó chúng ta mới có đủ điều kiện để phát triển.”

Cũng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/4/2022, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù việc sửa đổi Luật Đất đai đã được lùi nhiều lần, nhưng đến nay dự án ‘vẫn không thể không lùi’ vì xây dựng Luật Đất đai sửa đổi cũng như các chính sách về đất đai phải có nghị quyết của Trung ương làm cơ sở chính trị.

Dư luận cho rằng lý do xin hoãn sửa luật đất đai là không thuyết phục vì trước đó vào tháng 4 năm 2020, tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khi xin hoãn sửa Luật Đất đai lần thứ ba, chính Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long từng nói sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai. Tuy nhiên sau Đại hội thì dự án sửa Luật Đất đai vẫn tiếp tục bị hoãn.

Ảnh minh họa. Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi. Courtesy of Vườn Rau Lộc Hưng Pháp Lý.

Với một góc nhìn khác, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định với RFA từ Sài Gòn liên quan vấn đề này hôm 18/4:

“Điều 53 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ đất đai, khoáng sản… thuộc quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý. Bây giờ nếu sửa luật đất đai, mà không sửa hiến pháp thì việc đó không có giá trị. Trong khi đó Hiến pháp đã quy định ngay từ đầu là thể chế hóa cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì tôi cho rằng đó là bế tắc thứ nhất. Thứ hai là nếu họ thật sự chấp nhận sửa Hiến pháp rồi sửa Luật Đất đai, thì có thể nói đó là vấn đề ‘Trời rung, đất chuyển’ trong chế độ độc đảng toàn trị tại Việt Nam hiện nay. Bởi vì thử hỏi suốt 47 năm qua tính từ năm 1975, biết bao nhiêu triệu mét vuông đất của dân bị thu hồi một cách vô tội vạ và rẻ mạc, thì nhà cầm quyền CSVN sẽ giải quyết ra sao trước một quốc đề nan giải đối với họ như vậy?”

Lúc này là lúc cần thiết lại Luật Đất đai từ đầu, trên nguyên tắc thị trường, với yêu cầu phát triển mạnh. Điều này có thể cần thời gian dài hơn, nghiên cứu kỹ hơn, thảo luật mạnh mẽ hơn… thì lúc đó chúng ta mới có đủ điều kiện để phát triển.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho biết thêm bế tắc thứ ba của chính quyền Việt Nam trong việc sửa đổi Luật Đất Đai:

“Giả sử họ chấp nhận một việc ‘Trời rung, đất chuyển’ như vậy, để tạo tiền lệ, gầy dựng niềm tin của người dân… thì thử hỏi họ lấy tiền đâu ra mà đền với hàng triệu mét vuông đất, với sự oan ức của người dân suốt 70 năm qua… mất nhà, mất đất, mất mạng, gia đình tan nát. Khi nhìn một chiều dài lịch sử sai lầm tai hại về lãnh vực đất đai như vậy, việc nhà cầm quyền CSVN lùi lại lần thứ tư thì tôi nghĩ đó là một cách họ pha loãng dư luận, làm nhạt nhòa đi cái gốc của vấn đề. Chứ hoàn toàn không thể thay đổi được từ vũng lầy duy ý chí, chối bỏ thực tại, mà vốn dĩ chính họ đã lún quá sâu và không thể thoát ra được.”

Theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, đó là một bế tắc chung cho Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, cũng như cho hàng triệu người dân đang mất đất.

Còn Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân mất đất ở làng rau Lộc Hưng – Sài Gòn khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai bị lùi lại giữa lúc tình hình đất đai trong nước đang nóng khiến cho dư luận đặt vấn đề liệu sự chậm trễ có liên quan gì đến “nhóm lợi ích” đang thao túng nguồn tài nguyên đất đai hay không?

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cho rằng, hoàn thiện Luật Đất đai ở Việt Nam là chuyện quá khó khăn, thậm chí là không thể, bởi nó vướng đến yếu tố thể chế và thiết chế xã hội, đến tương quan lực lượng chống tham nhũng và tham nhũng… Chính vì thế, Luật Đất đai là đạo luật được sửa đổi và bổ sung nhiều lần nhưng cũng là đạo luật có nhiều lỗ hổng và bất cập.

Related posts