‘Tết trồng cây’: chỉ tốt khi không phô trương hình thức!

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 6/2/2024 ký ban hành Chỉ thị về tổ chức ‘Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ’. Chỉ thị yêu cầu việc tổ chức ‘Tết trồng cây’ phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên trưởng ban nghiên cứu – Ban dân Vận Trung ương, nhận định với RFA hôm 7/2/2024:

“Hô hào Tết trồng cây có hai mặt, mặt tích cực là nhờ chuyện trồng cây như thế thì nhiều địa phương cũng lo trồng giữ cây xanh ở thành phố, trồng rừng… đấy cũng là chuyện được. Nhưng trong quá trình trồng cây có những chuyện rất hình thức, ví dụ như những ông lãnh đạo đua nhau đi mua cây rừng to đùng, bứng về trồng ở một vài nơi di tích rồi gắn biển tên tuổi của mình.”

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, như vậy là rất hình thức, tốn kém vô ích và cần phải hạn chế. Ông Mai nói tiếp:

“Phát động nhân dân trồng cây là điều tôi ủng hộ, miễn là trồng cái nào xong cái ấy, nhiều nơi cũng đã phủ kín được đồi trọc rất tốt. Đặc biệt là có những tấm gương của những người tư nhân, những nhà sư ở một số nơi xin đất trồng hàng chục héc-ta rừng để bảo vệ, điều ấy rất tốt. Tây Nguyên mà để mất rừng thì mình sống thế nào được. Đây là vấn đề khi nói chuyện phát động trồng cây thì phải suy nghĩ thêm.”

Trong quá trình trồng cây có những chuyện rất hình thức, ví dụ như những ông lãnh đạo đua nhau đi mua cây rừng to đùng, bứng về trồng ở một vài nơi di tích rồi gắn biển tên tuổi của mình.
-Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

‘Tết trồng cây’ do ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khởi xướng và phát động vào ngày 28 tháng 11 năm 1959. Theo ông Hồ khi đó, trồng cây là công việc tốn kém ít mà ích lợi nhiều…

Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp Tết, báo chí Nhà nước lại đăng tin hình ảnh các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cầm cuốc xẻng ra trồng cây.

Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TPHCM hôm 7/2, nhận định với RFA:

“Nhìn về phương diện tổ chức nhà nước thì mình phải làm sao cho việc trồng cây trở thành một tập quán, một thói quen của xã hội… hơn là thuần túy chỉ là lời nhắc nhở, động viên. Tuy lời nhắc nhở động viên bản thân nó không xấu, thậm chí cũng có thể là tốt. Tiếc thay cho đến nay, việc kêu gọi trồng cây cũng tốt nhưng chỉ ở mức lời nhắc nhở, động viên nhân năm hết Tết về thôi. Thành ra tôi vẫn không thấy lời của ông Phạm Minh Chính có ý nghĩa gì lớn, rồi nó cũng qua đi như mọi lời động viên khác, thế thôi…”

000_Hkg8397058.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Dak Lak trước đây. AFP.

Một người dân ở miền Trung không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan việc này cho biết:

“Người ta muốn tuyên truyền, mấy ổng muốn trồng để làm gương cho dân nhưng mấy ổng làm hình thức và phản cảm quá. Gọi là trồng cây thì phải lấy cây từ vườn ươm đem trồng, chứ không ai đi nhổ hay bứng những cây to từ nơi khác về trồng hết.”

Trên mạng xã hội lâu nay, việc các vị lãnh đạo tham gia trồng cây dịp Tết do chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từng bị người dân chỉ trích, cho rằng chỉ mang nặng tính hình thức.

Nói về cảm giác thì tôi vẫn thấy nghiên về phong trào, hô hào… cũng tổ chức được cho đồng bào ra trồng vài cái cây rồi báo cáo lên trên là có tổ chức như vậy… Còn cây đó còn sống hay không? Trồng ở vị trí đúng hay không, thì chả ai nói.
-Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng

Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết thêm nhận định của ông về thực tế trồng cây dịp Tết lâu nay:

“Nếu như nói về Tết trồng cây thì nói về cảm giác nhiều hơn số liệu. Bởi vì chẳng ai làm số liệu về chuyện đó. Nói về cảm giác thì tôi vẫn thấy nghiên về phong trào, hô hào… cũng tổ chức được cho đồng bào ra trồng vài cái cây rồi báo cáo lên trên là có tổ chức như vậy… Còn cây đó còn sống hay không? Trồng ở vị trí đúng hay không, thì chả ai nói.”

Cho nên đến nay theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, chuyện trồng cây ở Việt Nam có nhiều điều đáng tiếc và đáng than phiền. Ông Dũng lý giải:

“Bởi vì số lượng cây bị chặt đi so với số lượng cây trồng thêm, thì ta thấy rằng trồng bao nhiêu cũng không đủ để bù đắp chuyện cây bị chặt. Chuyện này hằng ngày đọc báo cũng biết, báo chí kêu gào chuyện nhiều vùng bị chặt cây như thế nào, ở Việt Nam rừng bị phá như thế nào, ai cũng biết… đến nỗi nhà nước phải cấp tốc đóng cửa rừng. Bây giờ gỗ ở Việt Nam căn bản là nhập ở nước ngoài về mới có để dùng, chứ không phải tự trồng ở Việt Nam. Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam cũng là loại có hạng, những nguyên liệu phần lớn là nhập khẩu.

Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, như thế cũng đủ biết tình trạng trồng rừng của Việt Nam nguy ngập đến đâu.

Vào tháng 4 năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã Phê duyệt Đề án ‘Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025’. Trong số đó có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, 310 triệu cây xanh trồng ở trong rừng tập trung… đến nay đã là năm 2024 nhưng báo chí nhà nước vẫn còn kêu gọi trồng cây cho dự án này.

Related posts