Thầy giáo dạy thực dưỡng trên mạng xã hội bị cáo buộc “bôi nhọ chế độ XHCN”

Công an tỉnh Lâm Đồng đang tạm giữ thầy giáo Dương Tuấn Ngọc, một người thường đăng các bài viết và livestream về giáo dục, sức khoẻ và nhiều lĩnh vực xã hội khác trên Facebook và YouTube, để điều tra về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. Gia đình ông Ngọc cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin này vào ngày 16/7.

Ông Ngọc, 38 tuổi, hiện trú tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, bị an ninh địa phương gọi lên trụ sở công an xã từ ngày 10/7, và bị tạm giữ kể từ ngày kế tiếp đến nay, vợ ông Ngọc – bà Bùi Thanh Diễm Ngọc cho hay.

Trả lời phỏng vấn của RFA vào ngày 16/7, bà Bùi Thanh Diễm Ngọc cho biết:

Ngày 10/7, chúng tôi được công an xã mời lên với một cái vụ án khác đó là vụ án là anh Ngọc (bị tố cáo- PV) đang bán những sản phẩm liên quan tới ma túy từ một người nặc danh.

Người đó thưa anh Ngọc là anh đã đăng trên Facebook những cái sản phẩm nào bán ma túy thì tôi và anh Ngọc phải lên (đồn công an) chứng minh cái Facebook đó là của tụi tôi và tụi tôi không có hề vi phạm pháp luật về việc buôn bán ma túy.

Sau khi chứng minh xong vụ án đó (là chứng minh được ID Facebook là của chúng tôi) thì ngày hôm sau họ mời chúng tôi lên lần nữa và cũng không nói mời lên vì lý do gì hết. Họ chỉ nói là mời lên vì có liên quan đến vụ việc ngày hôm trước.”

Bà cho biết sự việc trở nên tệ hơn vào ngày 11/7, khi cả hai vợ chồng bà lại bị mời lên đồn công an xã để làm việc.

Cả hai vợ chồng tôi đều được mời lên trụ sở vào ngày 11/7 và vợ chồng tôi đều được tham gia vào một quá trình gọi là điều tra khai thác. Lúc đó thì cả hai vợ chồng tôi đều không biết nguyên nhân tại sao mình được mời lên.

Sau đó, họ nói là cái đó (vụ thư tố cáo nặc danh- PV) là do một người được thuê bởi một người nặc danh làm, và chúng tôi không có buôn bán ma túy, họ đóng vụ án đó lại và họ tách hai vợ chồng tôi ra hai phòng riêng và bắt đầu là điều tra luôn.

Vào ngày tối 11/7, sau khi điều tra riêng hai vợ chồng tôi thì họ cũng cho biết là anh Ngọc đã chia sẻ một số thông tin không đúng ở trên mạng.

Sau đó thì họ khám nhà. Hiện tại họ thu giữ toàn bộ là điện thoại, laptop, máy vi tính trong gia đình tôi, đầu thu camera. Riêng ba điện thoại của tôi mặc dù là hôm nay là họ đã thả về nhưng mà tôi vẫn chưa thấy tín hiệu là họ bàn giao lại tài sản cho tôi.”

Bà cho biết chồng mình bị giữ lại đồn công an từ chiều 11/7 còn bản thân bà bị tra hỏi trong đồn công an trong hai ngày liên tiếp. Ngày đầu từ chiều đến tận 5 giờ sáng hôm sau, được về nhà buổi sáng và lại đến đồn công an xã làm việc từ trưa đến tận 23 giờ đêm. Nội dung công an tra hỏi bà là liệu bà có “tham gia biên tập sản xuất các phát ngôn trên mạng của anh Ngọc không.”

Kể từ trưa 11/7, bà không được gặp mặt chồng, cũng không được đưa quần áo hay là bất cứ thứ gì vào cho ông, bà thuật lại.

Ngày hôm nay 16/7 thì tôi nhận được một văn bản đó là văn bản thông báo về việc là giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Văn bản này do trung tá Nguyễn Thái Thành ký vào ngày 15/7.”

Theo thông báo của Công an tỉnh Lâm Đồng gửi cho gia đình thì ông Ngọc đang bị tạm giữ tại Trại tạm giam của Công an tỉnh vì lý do: “Có hành vi đăng tải, chia sẻ các bài viết và video trên ứng dụng mạng xã hội Facebook và YouTube có nội dung đả kích công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ XHCN; đả kích đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; nói xấu xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh hoặc bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phạm vào Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, bà Ngọc nói phía công an không nói cụ thể và bà cũng không biết bài viết hay video nào có nội dung như phía công an cáo buộc.

Phóng viên gọi điện cho Công an tỉnh Lâm Đồng để lấy thông tin về vụ tạm giữ ông Dương Tuấn Ngọc nhưng người trực điện thoại nói phóng viên phải đến trụ sở cơ quan này và liên hệ với lãnh đạo để được cung cấp thông tin.

Trong dòng trạng thái cuối cùng được đăng trên trang Facebook cá nhân của ông Dương Tuấn Ngọc vào ngày 10/7, ông ca ngợi cuộc sống ở quê, gần gũi với thiên nhiên.

Trang Facebook với hơn 45.000 người theo dõi của ông Ngọc có dòng giới thiệu: “Tôi có quyền Công Dân. Bạn có quyền Công Dân. Công Dân mới là chủ thật sự của đất nước.”

YouTube có tên “Giáo dục tự do” của ông Ngọc được lập từ tháng 7/2019 và có 34.000 người theo dõi với hàng trăm video về sức khoẻ, y học, cuộc sống ở quê.

Bà Ngọc cho biết trước kia hai vợ chồng ở thành phố Hồ Chí Minh và mới chuyển về sinh sống ở Lâm Hà từ tháng 3/2022.

Hai vợ chồng bà cùng tốt nghiệp cao học kinh tế của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Ông tham gia giảng dạy trên mạng cho thí sinh thi vào đại học và cao học, sản xuất hơn 684 videos và hàng ngàn bài viết về y học, sức khỏe, giáo dục, kinh tế, và nhiều vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại. Hai vợ chồng cũng bán nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và chữa bệnh.

Từ khi chuyển về Lâm Hà sinh sống, họ chuyên tâm vào việc làm vườn và sản xuất hàng hoá hữu cơ để sử dụng hoặc bán lại cho những người quen qua mạng xã hội.

Một nhà hoạt động xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Theo những gì tôi được chứng kiến thực tế từ những điều thầy Dương Tuấn Ngọc đã làm cho cộng đồng qua các clip mà thầy đưa lên kênh ‘giaoductudo’ trên YouTube, hoàn toàn là những kiến thức mà thầy muốn phổ cập để nâng giá trị con người, giá trị nhận thức và từ đó có thể nâng cao giá trị cho cả một cộng đồng hay thế hệ.”

Người này cho biết các bài giảng của ông Ngọc, đặc biệt là về y tế và sức khoẻ, rất hữu ích, thiết thực, rõ ràng cụ thể và thực tế được ông chứng minh khi chỉ bằng việc dưỡng sinh từ cách đây sáu năm, ông đã tự chữa khỏi bệnh suy thận giai đoạn cuối và viêm loét đại tràng.

Nhiều người thân của tôi đã chữa  khỏi tiểu đường cho bản thân và cả gia đình, khỏi cả bệnh huyết áp cao và suy thận chỉ bằng phương pháp thải độc tế bào, ăn theo phương pháp thực dưỡng của thầy Ngọc hướng dẫn.”

Về các bài viết về chính trị và xã hội của ông Ngọc, người này cho biết:

Thầy hướng đến giá trị nhân bản-sự thật và cả giáo dục  tự do trong các clip thầy làm. Tôi chỉ cảm nhận về sự đóng góp cho cộng đồng- khai mở một cách nhìn đúng đắn về xã hội về cục diện đất nước. Ngoài ra tôi không thấy có bất cứ lý do nào trong mấy tội danh họ ghép ở giấy tạm giữ mà có lý cả.

Còn theo như họ muốn  gán cho thầy tội danh về bêu xấu lãnh đạo hay chửi chế độ này kia thì tôi thấy thầy chưa nêu cụ thể điều gì hay tên tuổi ai trong các clip đó.”

Luật sư Lê Quốc Quân, cựu tù nhân lương tâm, chia sẻ với RFA về ông Dương Tuấn Ngọc:

Cá nhân tôi thì theo dõi Facebook và YouTube của thầy Dương Tuấn Ngọc cũng khá lâu rồi. Tôi rất là ấn tượng và có cái cảm tình với thầy Dương Tuấn Ngọc bởi vì tôi cho rằng những cái trình bày của thầy về những vấn đề của xã hội là rất là thú vị, hài hước hóm hỉnh, và nó rất là chân thực. Tựu chung lại tôi thấy thầy Dương Tuấn Ngọc là một con người có tài những điều thầy phản ánh là đúng sự thật và có tính hài hước thầy đáng được hoan nghênh thay vì bị bắt giữ.”

Nói về việc ông Ngọc có thể phải đối mặt với việc bị bắt tạm giam để điều tra về cáo buộc theo Điều 117, luật sư Quân nói:

Đó là công việc của nhà nước, người ta cáo buộc như vậy và tôi cũng đã từng nói về cái điều luật này ấy thì đây giống như một cái tấm lưới vét người ta có thể vét được tất tần tật mọi thứ và người ta có thể quy chụp được tất cả mọi người rằng nói xấu, rằng bôi nhọ, rằng phỉ báng. 

Đối với cá nhân thầy Dương Tuấn Ngọc thì tôi không cho rằng là thầy vi phạm vào cái Điều 117 bởi vì những điều thầy nói là sự thật, thầy nói có tính chất châm biếm mà khá hài hước.

Bắt giữ thầy theo điều đó thì tôi thấy rằng là nó không đủ căn cứ phải mặt pháp lý và mặt thực tiễn nhưng mà việc của Nhà nước thì trong cái giai đoạn này thì tôi nghĩ rằng là họ cố tình họ vét tất cả những ai mà có quan điểm ngược lại hoặc là mặc dù nói sự thật nhưng học cảm thấy họ không thích thì họ cứ tiến hành họ bắt giữ thôi.”

Chính phủ Việt Nam thường sử dụng Điều 117 hoặc Điều 331 (lợi dụng quyền tự do dân chủ) của BLHS để bịt miệng giới bất đồng chính kiến. Từ đầu năm tới nay, sáu nhà hoạt động, nhà báo độc lập, và Facebookers đã bị bắt theo Điều 331, có ít nhất sáu người khác bị kết án theo Điều 117 với án tù từ năm năm sáu tháng đến tám năm tù giam, theo thống kê của RFA.

Related posts