… thấy lòng giật thót

“Chàng trai đứng trước mặt cô khẽ nheo mắt, đôi mắt dài hẹp tăm tối như một đầm nước sâu không đáy. Đôi môi mỏng nhếch lên, bắn ra những lời sát thương như những mũi kiếm đâm vào tim cô: “Biến đi. Dù bây giờ tôi không biết cô ấy trôi dạt nơi đâu trong thế giới này, nhưng cô ấy mãi mãi là bạch nguyệt quang trong lòng tôi. Cô mà đòi thay thế cô ấy ư? Cô không xứng!”

Nói đoạn, anh ta thong dong quay đi. Hướng về phía cô chỉ là một bóng lưng thon thon dài mảnh ngày càng mờ nhòe dần.

Mờ nhòe? Hay đó là nước mắt của cô? Thanh mai trúc mã của cô đấy ư? Người từng lớn lên bên cô, che chở cô suốt thời thơ ấu cho đến những năm đại học, người hay thích khẽ nâng cằm cô lên và gọi cô là bạch liên hoa của anh. Chàng trai được toàn bộ giới kinh doanh thống nhất gọi là thiên tài khó gặp, người lập công ty ngay từ năm cuối trung học và trở thành soái ca hấp dẫn lạnh lùng trong mắt các cô gái xinh đẹp tại bất cứ nơi nào anh đặt chân tới, tổng tài nhỏ tuổi nhất trong giới lãnh đạo ngầm. Người bị đối thủ đặt cho biệt danh Thiên thần phúc hắc nhưng trước mặt cô lại là chú bé nghịch phá nghiêng trời lệch đất, người yêu nhiệt tình như lửa, từng cùng cô phát cẩu lương không biết bao nhiêu lần trên cả thế giới mạng lẫn ngoài đời.

Chính người ấy vừa bảo cô không xứng với anh ta đó ư? Còn người bạn thân của cả hai bọn họ, người bạn luôn thề thốt rằng chỉ cần nhìn họ hạnh phúc bên nhau thì cả đời cô ấy cũng sẽ hạnh phúc theo, người bạn gái ấy… người ấy… chính là bạch nguyệt quang trong lòng anh sao?

Xảy ra từ khi nào? Hai người họ đã bên nhau bao lâu nay sao?

Cô ngơ ngẩn bật cười. Kể cả trong những tưởng tượng hoang đường nhất, cô cũng không bao giờ hình dung nổi tình tiết cẩu huyết như vậy”.

Vũ trụ ngôn tình Trung Quốc

Kính thưa quý dzị, đoạn văn trong ngoặc kép quý dzị vừa đọc là một đoạn trích trong tiểu thuyết ngôn tình nổi tiếng có tên Mãi mãi là không lâu.

Tui đảm bảo các quý ông bà sống ở hải ngoại lâu sẽ không hiểu khá nhiều từ trong đoạn này. Như bạch nguyệt quang, soái ca, bóng lưng, bạch liên hoa, tổng tài, phúc hắc, cơm chó, cẩu huyết… Nhưng hầu hết bọn teen teen ở Việt Nam thì hiểu và phân biệt nằm lòng, thậm chí tụi nó còn có thể xài nhuần nhuyễn hơn cả khi dùng ngôn ngữ thuần Việt.

Đó chính là tác động dễ thấy nhất của cơn sóng thần văn học ngôn tình Trung Quốc khi tràn đến Việt Nam.

Nếu rảnh, quý vị cứ gõ vô Google tìm một trang Ngôn tình hay, hoặc đại loại như vậy, xem thử.

Gọi đó là một thế giới riêng thì chưa đủ. Nó chính là một vũ trụ.

Theo trang văn học Tao Đàn, có đến khoảng 50 thể loại trong ngôn tình:

Cổ đại, Đô thị, Quan trường, Mạt thế, Điền văn, Xuyên không, Phản xuyên, Xuyên thư, Trọng sinh, Đồng nhân, Quân nhân, Tiên hiệp, Võng du, Đam mỹ, Bách hợp, Huyền huyễn, Dị năng, Dị giới, Kiếm hiệp, Võ hiệp, Hệ liệt, Nữ tôn, …

Trong từng loại lại chia làm nhiều loại nhỏ và có thể còn tiếp tục phát sinh thêm nhiều nữa: Cung đấu, Gia đấu, Trạch đấu, , Tổng tài bá đạo, Thanh mai trúc mã, Thanh xuân vườn trường, …

Về màu sắc tình cảm của đôi nam nữ nhân vật chính thì có Sủng, Ngược, Ngọt, Sư đồ luyến, Tỷ đệ luyến, Nhân thú, Incess, SM, Nam truy, Nữ truy…

Về kết truyện buồn hay vui, có HE (happy ending), SE (sad ending), BE (bad ending), GE (good ending) OE (open ending)…

Về tính dục trong truyện có Sắc, H văn…

Như triệu tỷ chiếc kính vạn hoa chồng lên nhau, vũ trụ ngôn tình Trung Quốc đáp ứng có lẽ là toàn bộ nhu cầu giải trí bằng ngôn ngữ của tất cả mọi người về tình yêu  cùng những tình khác đan xen trong đó.

Có trai gái yêu nhau, có trai yêu trai, gái yêu gái, có thầy cô giáo yêu học trò, có thần tiên yêu người phàm hoặc yêu nhau, có sex, có lãng mạn, có thần thoại, có phép thuật, có kết cục đau thương, có kết cục hạnh phúc, có hài, có bi, có đau thương đến thắt tim, có cả tào lao bí đao không có ý nghĩa gì nghiêm túc, chỉ để cười cho thật đã. Cười xong thì giống như được uống thuốc bổ, thanh tỉnh cả người.

Nhưng không đơn thuần chỉ là giải trí.

Số lượng tác giả văn học mạng Trung Quốc có thể nói không ngoa là không thể tính nổi, vì chỉ cần có một máy tính nối mạng thì bất cứ người nào cũng có thể tự xuất bản bất cứ tác phẩm nào của mình. Cho dù đã qua chọn lọc bởi sự đón nhận của người đọc thì số lượng người viết của Trung Quốc vẫn cực kỳ lớn, trong đó bao gồm đủ mọi nghề nghiệp, trình độ, văn phong, lứa tuổi, sự quan tâm. Báo chí trong nước năm 2014 từng dẫn số liệu trang văn học mạng Shanda -trang văn học lớn nhất của Trung Quốc cho hay mỗi quý có khoảng 1,5 triệu người đăng ký làm tác giả trên trang của họ và viết ra hơn 4 triệu kỳ truyện- những con số khổng lồ.

Trải nghiệm, kiến thức và sự tưởng tượng trong vũ trụ đó do vậy phong phú, đa dạng và tự do đến nỗi dường như không có giới hạn nào. Người đọc luôn có thể vừa giải trí thật nhẹ nhõm, vừa vô tình học được rất nhiều điều về lối sống, văn hóa, khoa học, lịch sử…

“Cực phẩm gia đinh” của Vũ Nham kể về một thanh niên thế kỷ 21, một lần đi chơi núi vô tình bị ngã và rơi vào một thế giới song song cách hơn một ngàn năm trước. Tại đây, với hai bàn tay trắng nhưng được trang bị kiến thức hiện đại + tài năng kinh tế + sự lì lợm, lanh trí, mưu mẹo của một người làm marketing trong đô thị lớn, anh ta đã từng bước trở thành nô lệ số một cả nước, rồi thoát khỏi kiếp nô lệ, trở thành trụ cột triều đình, cầm quân đánh đông dẹp bắc, xây dựng kinh tế… Vô số chi tiết hài hước xen lẫn nghiêm túc trong truyện, những kiến thức khoa học phổ thông được đưa vào khéo léo trong vô số trận đấu trí khiến người đọc đã cầm sách lên là lạc mất đường về. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim và rất ăn khách.

“Trọng sinh tiểu địa chủ” lại là một bộ điền văn, kể về một nữ kỹ sư nông nghiệp hiện đại trọng sinh vào một gia đình nông dân cực kỳ nghèo khổ nhưng vô cùng yêu thương nhau của thời cổ đại.  Để sống sót và sinh tồn, cô gái buộc phải dùng mọi kiến thức về nông nghiệp mà mình có được ở thời hiện đại để vận dụng vào cuộc sống mới, từ đó dần dần giúp gia đình thoát khỏi cảnh thiếu đói, rồi giúp phát triển kinh tế cả một vùng, một đất nước.

 Và những tác phẩm hầu như ai mê ngôn tình Trung Quốc đều đã đọc: “Gửi thời thanh xuân rồi sẽ qua của chúng ta/Anh có thích nước Mỹ không?” “Hóa ra anh vẫn ở đây”, “Phù thế phù thành”  (Tân Di Ổ), “Sẽ có thiên thần thay anh yêu em” (Minh Hiểu Khê), “Bộ bộ kinh tâm” (Đồng Hoa), Tam sinh tam thế thập lý đào hoa (Đường Thất Công Tử), “Hậu cung Chân Hoàn truyện” (Lưu Liễm Tử)… những ân oán, yêu hận tình thù, mưu trí quyết liệt, hồn nhiên thơ ngây, mâu thuẫn giữa tham vọng/trách nhiệm với tình yêu trong sáng… cuốn người ta đắm chìm vào thế giới muôn màu.

Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót

Tôi là con mọt truyện. Thời gian rảnh chỉ thích nằm vùi với một cuốn truyện hay trên tay, có thể quên ăn quên ngủ. Thôi không nói chi nhiều, thế giới mọt Việt Nam vô số những con mọt như thế.

Nhưng con mọt tôi muốn kiếm một tác phẩm văn học nội địa thì khó làm sao.

Tôi không biết phải tìm một tác phẩm văn học đương đại đáng đọc ở đâu cho đáng tin.

Trong nhà sách, các tác phẩm chiếm chỗ đẹp nhất và nhiều nhất là các tác phẩm ngôn tình của Trung Hoa, của Tây, Mỹ.

Mà những con mọt sách thời này cũng chẳng cất công đi nhà sách để tìm vài cuốn truyện giải trí đâu. Để giải trí, chẳng gì bằng đọc ngôn tình Trung Quốc. Còn văn học Việt Nam ư? Chỉ khi được nghe giới thiệu hoặc dư luận xôn xao về tác phẩm nào đó thì mới chịu đến nhà sách mà tìm, hoặc đặt trên mạng.

Nhưng tôi nhớ đâu cả chục năm nay thì chẳng thấy xôn xao bàn luận về cuốn nào nữa, cả giải trí lẫn văn học nghiêm túc.

Không thể so sánh với Trung Quốc, nhưng tác giả Việt Nam cũng nhiều. Dân Việt Nam lại có vẻ như ai cũng làm được thơ. Song các nhà văn, nhà thơ chính thức cũng cho ra rất nhiều tác phẩm nửa vời.

Họ viết về hiện thực thì chẳng trần trụi khốc liệt như một thời các nhà văn thời 1930-1945 (Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng…) hay thời bao cấp. Hư cấu thì chẳng táo bạo, chẳng bay bổng. Tự sự cá nhân thì nhàn nhạt, có chút suy cảm, có chút cá tính, có chút lãng mạn… cái gì cũng chỉ một chút, lơ mơ, lờ mờ, có quăng vào đám đông cũng bắt được vài cái liếc mắt rồi thôi, chẳng gây được ấn tượng nào đủ nhớ đến một ngày.

Có thể do không khí xã hội ngột ngạt khiến người viết Việt Nam luôn phải tự kiểm duyệt để tác phẩm và bản thân mình được an toàn. Có thể do đời sống cơm áo gạo tiền khiến người viết không còn thời gian, trí óc và tài chính dư dả để có thể đi và trải nghiệm khắp nơi làm giàu vốn sống, hay yên tâm ngồi viết một tác phẩm tim óc mà không sợ bị đói. Cũng có thể do văn học nghệ thuật là tấm gương phản chiếu xã hội, nên tầm vóc cơ bản của nền văn học hiện đại của chúng ta chỉ có thể nhạt nhẽo, vụn vặt, tầm tầm, hời hợt như thế thôi.

Lại nhớ Hội nhà văn Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam.

Hội nhà văn thì nổi tiếng với vụ xin tiền máy bay cho các tác giả trẻ đi dự hội nghị viết văn trẻ ở Đà Nẵng.

Ngày thơ Việt Nam thì nổi tiếng với những vần thơ kiểu:

Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ

Đó là một trong 50 câu thơ tuyển chọn, được viết lên tấm lụa đỏ, cột vào bóng bay thả lên trời trong Ngày thơ Việt Nam 2013.

***       

Nhìn qua nước người ta, nhìn lại nước mình, quả là thấy lòng giật thót.

Related posts