Thiếu điện và những bất cập không đáng có!

Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN mới đây cho báo chí nhà nước biết có nguy cơ thiếu gần 5.000 MW điện và kiến nghị các Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố chỉ đạo tiết kiệm điện.

Tác động của việc cúp điện

Theo ghi nhận của nhiều tờ báo trong nước, các thành phố lớn đã bắt đầu xảy ra tình trạng cúp điện luân phiên một số địa bàn.

Dù trên website chính thức của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội hôm 22/5 cho biết không có tình trạng cắt điện luân phiên trên địa bàn Thủ đô; nhưng theo Báo Sài Gòn Tiếp Thị hôm 22/5, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã thông báo lịch cắt điện nhiều địa điểm trong tuần lễ từ 22/5 để đảm bảo an toàn điện lưới đối với nhiều khu vực có phụ tải lớn, hoặc cần cắt điện luân phiên để đảm bảo an toàn các trạm biến áp. Trong đó,  nhiều khu vực của Hà Nội bị cắt điện từ sáng đến chiều, và có thể bị cắt 2 ngày liên tiếp…

Một người dân ở Hà Nội không muốn nên tên vì lý do an toàn cho biết thực tế khó khăn khi bị cúp đện:

“Nói chung nắng nóng như thế mà mất điện thì rất là vất vả. Bây giờ mọi người cũng quen dùng điện rồi, mất điện thời gian ngắn còn khắc phục được. Mất điện mà thời gian kéo dài liên tục thì ảnh hưởng nhiều, vì giờ mọi thiết bị đồ dùng đều phụ thuộc vào điện. Cho nên nếu mất điện cũng ảnh hưởng sức khỏe.”

Trước tình hình thiếu điện, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) hôm 17/5 đã đề nghị người dân hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng để tiết kiệm điện. Đây là một trong những giải pháp tiết kiệm điện mà UBND TPHCM hướng dẫn trong công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác tiết kiệm điện.

Điện không phải chỉ là nhu cầu của doanh nghiệp, mà là nhu cầu rất cần thiết của người dân, nên tiện đây tôi gởi gắm Nhà nước nên coi lại vấn đề đó, chứ không phải cứ thiếu điện thì cắt điện của người dân.
-Ông Đ.

Ông Đ., chủ một doanh nghiệp sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA về vấn đề này hôm 22/5:

“Nhu cầu điện một nguồn năng lượng rất cần thiết cho doanh nghiệp. Nếu như cúp điện thì không khác gì thắt hầu bao của người ta lại, không có điện sao sản xuất được, sẽ mất đơn hàng, đó là điều chắc chắn. Bây giờ là thời nào rồi mà còn bảo người ta nóng quá thì đừng bật máy lạnh, xài quạt đi, tắt bớt điện… Điện không phải chỉ là nhu cầu của doanh nghiệp, mà là nhu cầu rất cần thiết của người dân, nên tiện đây tôi gởi gắm Nhà nước nên coi lại vấn đề đó, chứ không phải cứ thiếu điện thì cắt điện của người dân.”

Ông Đ. cho rằng, đây là cách ‘chơi chiêu’ của nhà nước, cái gì hiếm thì sẽ tăng giá… khi đó dân không dám kêu. Ông Đ. nói tiếp:

“Theo tôi, nhà nước đang ngăm nghe tăng giá điện, tăng giá điện là tất cả mặt hàng sẽ tăng giá cực kỳ luôn, lạm phát sẽ tăng, đó là chắc chắn… đó là góc nhìn của tôi là một nhà sản xuất.”

Ngay lúc tình hình khó khăn vì thiếu điện, Bộ Công Thương đã quyết định tăng giá bán điện 3% kể từ ngày 4/5. Trả lời truyền thông nhà nước tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào ngày 18/5/2023, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Nguyễn Việt Hòa cho biết: “Việc tăng giá điện bình quân thêm 3% vừa qua đã được Bộ và doanh nghiệp liên quan tính toán kỹ, điều chỉnh căn cứ theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ.

1c9054c2-997a-4058-a4e3-09747ac87e7d.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2021. AFP.

Nguyên nhân thiếu điện

Theo EVN, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng gây hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến ngày 11/5/2023, đã có 11/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết như: Hồ thủy điện Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Sê San 4…

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 22/5 nhận định:

“Vừa rồi thiếu điện thì chắc là không phải vì quy hoạch, mà do mấy hôm vừa rồi trời quá nóng, nên việc sử dụng điện nhiều hơn. Chính vì vậy phải cắt điện để có thể đủ điện cho tất cả mọi nơi. Mặc dù vậy thì Quy hoạch điện 8 cũng có nhiều bất cập, ví dụ nhiều nơi điện từ năng lượng tái tạo tức điện gió, điện mặt trời, làm xong rồi vẫn chưa được hòa lưới điện. Ngoài ra cũng có những vấn đề khác ví dụ như nhiệt điện còn nhiều. Tôi thì vẫn cho rằng một trong những nhược điểm của Quy hoạch điện 8 là sử dụng nhiệt điện than nhiều, mà đáng lẽ phải sớm loại bỏ, lúc đó sẽ được sử ủng hộ, trợ giúp của cộng đồng quốc tế.”

Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào điện than, việc chuyển đổi sang điện mặt trời, điện gió còn đang phụ thuộc vào yếu tố quyết định giá và các thiết bị để kết nối vào mạng lưới điện.
-Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh

Tuy nhiên Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM từ năm 1993 đến năm 2002, hôm 22/5/2023 cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu điện và khó có thể sớm giải quyết:

“Tình hình thiếu điện là kết quả của nhiều yếu tố, một là trực tiếp do biến đổi khí hậu, nước ở các hồ bị trở về mức nước chết, thiếu thủy điện. Mà thủy điện chiếm tỷ lệ rất lớn ở Việt Nam, khoảng 34 %. Thứ hai trời nắng nóng làm cho nhu cầu sử dụng điện tiêu dùng của người dân tăng cao đột biến cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, gây sức ép rất lớn đối với ngành điện. Thứ ba Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào điện than, việc chuyển đổi sang điện mặt trời, điện gió còn đang phụ thuộc vào yếu tố quyết định giá và các thiết bị để kết nối vào mạng lưới điện.”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các yếu tố vừa nêu làm cho tình hình điện căng thẳng và ông Doanh cho rằng có lẽ tình hình căng thẳng đó chưa thể giải quyết sớm.

Quy hoạch điện 8 của Việt Nam được Thủ tướng Việt Nam ký duyệt vào ngày 15/5/2023 và được cho biết bị chậm hơn hai năm, đồng thời phải qua hàng chục dự thảo mới được phê duyệt để đệ trình Quốc hội dự kiến trong tháng 5 năm 2023.

Mạng báo Nikkei vào ngày 16/5/2023 dẫn phát biểu của một nhà ngoại giao thuộc G7 cho rằng, Quy hoạch điện 8 của Việt Nam được phê chuẩn vẫn chưa hoàn toàn tương thích với các mục tiêu của G7, vì Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng than đá.

Related posts