Thủ tướng Việt Nam sắp có chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), với mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư vào khi giữa hai nước đang có những căng thẳng trên Biển Đông.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam hôm 22/6/2023 cho biết:
“Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25 đến ngày 28/6/2023.”
Năm 2023 cũng là dịp Việt Nam và Trung Quốc đánh dấu 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, và Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm liên tục. Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 theo Tổng cục Hải quan Việt Nam đạt 175,6 tỷ USD, báo mạng VnExpress ngày 22/6 cho hay.
Trong khi đó, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có quan hệ từ năm 1989 và Diễn đàn quốc tế này thường mời Việt Nam tham dự các hội nghị thường niên tại Davos và các hội nghị của WEF về Đông Á, vẫn theo nguồn này.
Từ ‘thế kẹt’ giữa hai siêu cường
Hôm 22/6 từ Sài Gòn, một nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam, ông Hoàng Việt, chia sẻ bình luận trên quan điểm riêng về chuyến thăm sắp diễn ra bắt đầu từ chủ nhật tuần này của Thủ tướng Việt Nam:
“Về chuyến thăm này của ông Phạm Minh Chính, giới nghiên cứu và quan sát đã biết từ trước, mặc dù báo chí Việt Nam mới đưa tin. Như chúng ta biết, trong thời gian qua Trung Quốc đã có nhiều hành động gây căng thẳng mà đặc biệt là trong việc đối đầu với Mỹ ở trên Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cũng muốn lôi kéo nhiều quốc gia ở ASEAN theo vùng ảnh hưởng của họ, trong đó, Việt Nam là quốc gia thuộc Đông Nam Á mà Trung Quốc luôn luôn muốn đặt trong vòng ảnh hưởng đó.
Việt Nam do đó đang ở trong thế kẹt giữa một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc, cho nên Việt Nam cũng phải cố gắng để cân bằng quan hệ này… Một mặt, Mỹ rất muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, đặc biệt qua chuyến đi hồi tháng 4/2023 của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Hà Nội, và đương nhiên nếu Việt Nam tiến gần quan hệ với Mỹ, chắc chắn Trung Quốc sẽ không hài lòng. Chính vì thế, Việt Nam một mặt vừa muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ, mặt khác cũng phải duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chúng ta hiểu rằng chuyến đi sắp tới của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Trung Quốc cũng như là một hành động và thông điệp quan trọng của cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc để khẳng định quan hệ với nhau.”
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, được VnExpress dẫn nguồn, cho hay tính đến tháng 3/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 23,85 tỷ USD với tổng số 3.651 dự án, xếp thứ sáu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
“Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới… Hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 ở Campuchia. Thủ tướng mong muốn WEF hỗ trợ đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu,” VnExpress cho biết thêm.
Đến mở đột phá về kinh tế, thương mại
Bình luận với RFA Tiếng Việt về khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa Việt Nam với Diễn đàn WEF, nhân chuyến công du tới Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam bắt đầu từ ngày 25/6 này, ông Hoàng Việt nói:
“Rõ ràng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Trung Quốc dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới mang hàm ý quan trọng, đó là đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu. Kinh tế ở đây như chúng ta thấy sẽ có hai vấn đề, như báo chí Việt Nam đưa tin thứ nhất Thủ tướng Việt Nam nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và thứ hai là tham dự diễn đàn kinh tế WEF này, nên khả năng sẽ là có cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, bên cạnh Diễn đàn kinh tế Thế giới.
Như vậy chúng ta thấy là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã có nhiều suy thoái khi có tác động của ba vấn đề lớn là hậu đại dịch COVID-19, cuộc chiến Nga – Ukraine và cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, những tác động này khiến cho nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, và đương nhiên Việt Nam và Trung Quốc cũng nằm trong tình hình khó khăn đó.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam và Trung Quốc đều bị giảm sút, và năm nay riêng Việt Nam về mặt kinh tế cũng có nhiều vấn đề, ngay cả trong nước, tin tức cho biết nhiều khu vực ở miền Bắc đã mất điện, khiến tập đoàn Samsung đã phải họp khẩn với tập đoàn điện lực Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam đang gặp khó khăn cả ở trong lẫn ngoài nước, do đó mục tiêu đặt ra là phải làm sao thúc đẩy được kinh tế.”
Theo nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ Sài Gòn, ngoài các vấn đề trên ra, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn ‘chưa được suôn sẻ’, theo đó dường như việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc còn ‘gặp nhiều khó khăn’, do đó mục tiêu kinh tế có thể sẽ là mục tiêu quan trọng đầu tiên trong chuyến công du tới Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Hoàng Việt, nội dung kinh tế không phải là tất cả, mà sẽ còn có những vấn đề khác đi kèm, và ông cho biết thêm:
“Trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, thương mại song phương sẽ là vấn đề đầu tiên, đối với Việt Nam việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hải sản sang một thị trường đông dân như Trung Quốc là điều hết sức quan trọng.
Chúng ta còn nhớ rằng năm 2022, sau chuyến đi của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, nhiều hàng rào ngăn cản mậu dịch ở khu vực biên giới đã được gỡ bỏ, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt rất nhiều, giá cả cũng được cải thiện nhiều, khiến cho nông dân Việt Nam có nhiều thu nhập cao hơn. Đó là sự quan tâm của Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Còn với Trung Quốc, theo tôi sự quan tâm rất lớn của Trung Quốc là dự án Vành đai & Con đường, mà Việt Nam cũng là một bên tham gia trong sáng kiến khổng lồ này; và chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ muốn thúc đẩy dự án này trong một bối cảnh mới, giai đoạn mới. Đây là vấn đề mà Trung Quốc đang mong muốn, bởi vì sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc mở lại đang gặp những khó khăn và việc cạnh tranh với Mỹ và phương Tây gần đây cũng khiến cho Trung Quốc phải quay trở lại, thúc đẩy ảnh hưởng của họ ở châu Á, trong đó Đông Nam Á là một khu vực rất quan trọng, mà tại đó Việt Nam là một cửa ngõ.
Còn đối với Diễn đàn Kinh tế thế giới, làm sao phục hồi nền kinh tế thế giới trong một bối cảnh có rất nhiều bất ổn như hiện nay, tôi nghĩ đó là một vấn đề mà không chỉ Việt Nam, mà tất cả các quốc gia khác đều quan tâm.”
Hôm 22/6, đưa tin về chuyến công du tới Trung Quốc sắp diễn ra của Thủ tướng Việt Nam, báo Tuổi Trẻ online cho biết thêm rằng đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới. Năm ngoái, vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã sang thăm chính thức Trung Quốc, ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh sau Đại hội 20 của ĐCSTQ. Vào tháng 4/2023, Thường trực Ban Bí thư ĐCSVN bà Trương Thị Mai cũng đến Trung Quốc và gặp các lãnh đạo cấp cao của nước này.
“Đây sẽ là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gặp nhau trực tiếp. Hai nhà lãnh đạo từng điện đàm vào ngày 4/4/2023, không lâu sau khi ông Lý Cường được bầu làm thủ tướng Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã cử một số đoàn sang thăm và làm việc với Việt Nam. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cũng điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vào tháng 3/2023… Còn Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF năm nay có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước. Ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng chủ nhà Lý Cường, thủ tướng các nước Barbados, New Zealand và Mông Cổ cũng đến dự,” Tiền Phong online hôm thứ năm cho hay.