Thương binh, liệt sĩ, cựu binh VN trong cuộc chiến chống Trung Quốc có bị lãng quên?

Truyền thông chính thống của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu ngày 27/7 (Ngày thương binh, liệt sĩ) năm nay với nhiều điểm nhấn đặc biệt vào hai cuộc ‘kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ’, và dường như thiếu vắng việc nhắc đến những sự kiện về các liệt sĩ, thương binh, cựu binh của Việt Nam đã đổ máu, chiến đấu trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Trung Quốc ở Biên giới phía Bắc (2/1979, cũng như ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang và các nơi khác). Một blogger, nhà báo tự do và cựu chiến binh của Việt Nam trong dịp này đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do, như vậy.

Vấn đề cần xem xét lại

“Về cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc kháng chiến chống Trung Quốc, tại sao Nhà nước lại chọn (nhấn mạnh) nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù nó đã qua hơn 50 năm rồi và dù Mỹ và Việt Nam đã trở lại bình thường hóa công khai về mặt ngoại giao, hai nước thậm chí còn nâng (quan hệ) lên một tầm (có tính chất) chiến lược rồi, thì tại sao chiến tranh chống Trung Quốc lại không được nhắc đến?” – nhà báo Ngô Nhật Đăng, người từng cầm súng và tham gia mặt trận ở tỉnh Cao Bằng chống chọi với quân đội Trung Quốc từ bùng nổ Chiến tranh Biên giới Việt – Trung đầu năm 1979, nói với RFA Tiếng Việt hôm 27/7/2023.

Là người “trong cuộc”, tham gia cuộc chiến biên giới năm 1979 vào lúc căng thẳng nhất (ngày 17/2), nhà báo Ngô Nhật Đăng kể, cho đến tận bốn năm sau (1983), khi ông ra quân ở tuyến Cao Bằng, thì khi ấy cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và vẫn đang căng thẳng ở vùng Vị Xuyên, tức là vùng Hà Giang.

Sau này, mãi đến năm 2014, vẫn theo lời kể của nhà báo Nhật Đăng, ông có đi làm những phóng sự, tìm gặp những cựu chiến binh tham gia cuộc chiến tranh năm 1979. Lúc bấy giờ ông biết rằng, nguyện vọng của cựu chiến binh Việt Nam, những người lính từng tham gia cuộc chiến tranh 1979 cũng bị lãng quên.

“Hầu như họ không được Nhà nước và xã hội để ý đến. Và tôi cũng đến thăm những người cựu chiến binh, những người bị sang chấn chiến tranh, họ cũng đều đưa ra một thắc mắc rằng tại sao các thương binh, liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, rồi sau này cuộc kháng chiến 20 năm, về sau tất cả đều được nhắc lại, mà trong khi những người chiến sỹ tham gia Chiến tranh Biên giới chống Trung Quốc không hề có một sự tác động, gây chú ý nào của xã hội về mặt công khai.” – nhà báo Ngô Nhật Đăng nói.

Nhấn mạnh đây chỉ là một ý kiến cá nhân, không đại diện cho bất kỳ ai, ông Ngô Nhật Đăng nói tiếp với RFA:

“Thắc mắc ấy là một vấn đề đáng tìm hiểu, tôi là một người ở trong đó, tất nhiên tôi không đòi hỏi phải được đãi ngộ, phải được công nhận tất cả những chuyện ấy, chúng tôi lúc ấy cầm súng lên đường cũng chỉ vì trách nhiệm công dân, và tất cả ai cũng nghĩ là vì Tổ Quốc, và khi trở về, chúng tôi lại trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng mỗi khi gặp các đồng đội, các thương binh, những người đã tham gia khốc liệt, hầu như có những người bị sang chấn tinh thần, có những người bạn mà khi tôi gặp cứ nhắc đến thời đó thì lại khóc. Tôi có một người bạn là bác sĩ quân y, anh ấy tự bỏ tiền, tự làm các việc khác, để làm chương trình điều trị cho một số các chiến binh của trận Vị Xuyên. Thế thì tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề cần đặt ra để chúng ta tìm hiểu xem xét lại.”

Bình luận tiếp mang tính so sánh về ‘khác biệt’ trong cách thức Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu ngày 27/7 giữa cuộc Chiến tranh Biên giới của Việt Nam chống Trung Quốc với hai cuộc kháng chiến trước đó, nhất là với cuộc ‘kháng chiến chống Mỹ’ theo cách nói của truyền thông Việt Nam, nhà báo, blogger Ngô Nhật Đăng chia sẻ:

Tôi nghĩ đây có nhiều điều tế nhị, nhưng dù sao, nói gì thì nói, tôi nghĩ rằng điều tập trung cho sức mạnh của dân tộc lớn nhất lúc này, tức là lòng yêu nước, là phải chỉ ra được nguy cơ lớn nhất của nước ta (Việt Nam) bây giờ là phương Bắc, là Trung Quốc, chứ không phải một nơi nào xa xôi, thí dụ như nước Mỹ, hoặc là các thế lực thù địch nước ngoài nào. Tôi cho chuyện đó là một chuyện rất trẻ con. Và chúng ta phải nhìn thấy trên thực tế, thực tế từ Biển Đông, từ biên giới, sự lũng đoạn của Trung Quốc, các kế hoạch ‘vành đai, con đường’, những đất cho Trung Quốc thuê tràn lan trên đất nước Việt Nam, đấy mới là nguy cơ trước mắt và nguy cơ lâu dài.”

‘Ấn tượng khủng khiếp, di chứng nặng nề’

Nhân dịp này, ông Ngô Nhật Đăng cũng chia sẻ thêm với Đài Á Châu Tự Do một vài ấn tượng, cảm nghĩ và những gì ông đã chứng kiến trong thời gian ở trong quân ngũ trên mặt trận chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc Việt Nam, như ông đã tận mắt trải nghiệm, ông nói:

Tôi nhập ngũ năm 1978, chúng tôi là sinh viên các trường Đại học, sau đó tập trung vào các trường hạ sỹ quan của sư đoàn, đào tạo ra các cán bộ khung, nhưng khi xảy ra sự kiện ngày 17/2/1979, thì chúng tôi lên đường. Tôi lên mặt trận Cao Bằng, lúc bấy giờ là Sư đoàn 346, sau đó chúng tôi được chọn vào tiểu đoàn gọi là ‘luồn sâu, phá hoại’, đi vào sau lưng địch. Sau khi quân Trung Quốc rút về, đơn vị giải tán, nhưng tôi được giữ lại để thành lập tiểu đoàn của địa phương, gồm bà con dân tộc ở địa phương, và ở đó hơn bốn năm cho đến cuối năm 1982 hay 1983 thì tôi ra quân.

Khi mặt trận Cao Bằng bị vỡ, tức là quân Trung Quốc theo một con đường để đi vào đằng sau và đánh tập hậu lên, khiến mặt trận vỡ, tôi vào một tiểu đoàn được phân công đi sâu vào sau lưng quân Trung Quốc, đánh quấy rối, đặt mìn, phá cầu, phá đường, để chặn không cho quân Trung Quốc về. Tất nhiên với tính chất như thế, chúng tôi ít va chạm trực tiếp. Nhưng trên đường về có một thung lũng, quân Trung Quốc tập trung rất đông về, thì có một trận pháo kích kéo dài gần như là suốt đêm, khủng khiếp. Sau đó, suốt cả gần hai tháng trời, chúng tôi phải làm việc là đi chôn lại xác, cả một vùng ấy ô nhiễm khủng khiếp và chúng tôi mất gần hai tháng chỉ đi chôn xác người. Và cả vùng ấy, suốt hai năm, không ai canh tác được, những thứ mà không thể tưởng tượng được, khi mà một, hai năm sau, chúng tôi đi qua, xe còn nghiến lên xương người, kêu ‘lốp bốp’ bánh xe.”

Ông Ngô Nhật Đăng kể lại chi tiết này và cho rằng đây là một ấn tượng lớn nhất của ông khi ấy đang là một người lính trẻ của Việt Nam, nhưng ông cũng nói so với ấn tượng của các cựu đồng ngũ khác trong Chiến tranh Biên giới Trung Quốc, còn có những trải nghiệm ‘khốc liệt’ hơn, ông nói tiếp:

Tất nhiên là nó không khốc liệt, không trực tiếp như một số cựu chiến binh trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Tôi gặp những người mà bây giờ cứ nhắc lại lúc ấy là họ khóc. Họ không thể nào kìm được nước mắt và họ bảo: ‘Có hàng trăm đồng đội bị chôn vào hang núi, không lấy được, rồi tất cả những người khác.’ Tôi cho rằng đấy là di chứng chiến tranh để lại nặng nề nhất… Bản thân tôi và một số đồng đội của tôi cùng nhập ngũ, hầu như chúng tôi không được công nhận, không có những chế độ ngoài bình thường như thời bình. Thí dụ phục viên về, được đi xin việc làm, nhưng những chế độ đãi ngộ không có. Trước đó, khi đang chiến tranh cũng có những người, thí dụ, được tặng huân chương, được báo chí nói tới, nhưng về sau tự nhiên là không.”

Vị nhà báo này cũng chia sẻ hàng năm, ông và những cựu đồng đội vẫn gặp nhau và đều có chung băn khoăn: “Tức là dù sao cũng cần được sự công nhận của xã hội về những người thanh niên của thời ấy đã làm nghĩa vụ công dân của mình, là một việc rất thiêng liêng. Rõ ràng nó không phải tranh cãi về mục đích, ví dụ như cuộc mà một bên vẫn gọi là ‘cuộc kháng chiến chống Mỹ’, một bên thì gọi khác, mà vẫn còn sự tranh luận, nhưng về cuộc Chiến tranh Biên giới thì tất cả mọi người đều thống nhất đó là một cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ Quốc. Chúng tôi cũng chỉ muốn là một lúc nào đó xã hội sẽ đặt lại vấn đề ấy.”

000_Hkg2107873.jpg
Một người lính biên phòng Việt Nam đứng gần một cột mốc biên giới ở Cửa khẩu Hữu nghị trên biên giới với Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn (minh hoạ). AFP

‘Lịch sử cần nhắc đến, góc khuất cần công khai’

Theo ông Ngô Nhật Đăng, Chiến tranh Biên giới 1979 của Việt Nam chống Trung Quốc là một cuộc chiến tranh vệ quốc có tính chất chính nghĩa của Việt Nam, và cần phải được nhắc đến trong lịch sử, và nếu còn những ‘góc khuất’ nào, thì cần được công khai, ông nói tiếp:

Nên chăng, chúng ta mở hết góc khuất của lịch sử đó và đặt lên bàn và cũng là để ‘dập tắt’ những dư luận nói rằng có những gì mà người ta gọi là ‘thỏa thuận dưới gầm bàn’ chẳng hạn mà gây ra những luồng dư luận trái ngược nhau. Tại sao những hiệp ước về biên giới, về Biển Đông, rồi ngày xưa là phân chia Vịnh Bắc Bộ, những biên giới trên đất liền, tại sao chúng ta lại mất như thế? Tại sao chúng ta lại mất Bản Giốc, tại sao chúng ta lại mất Mục Nam Quan, liệu có những thỏa thuận ngầm nào mà nhân dân không được biết hay không?

Tại vì từ thời xưa, thời ông bà, cha ông ta, lúc nào cũng bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc cơ mà, khi cần là chúng tôi lên đường, các sinh viên đang học cũng xếp bút nghiên lên đường ngay và tự nhiên, để hy sinh xương máu, tất cả những chuyện ấy, mà lại có những mất mát như thế, thì tất nhiên là những người lính, đầu tiên là những người lính, rồi nhân dân cũng phải thắc mắc.”

Bằng chính cảm quan qua trải nghiệm thực tế trên chiến trường của bản thân và của những cựu đồng đội, nhà báo Ngô Nhật Đăng nhấn mạnh việc ông và đồng đội đã chứng kiến đất đai, lãnh thổ của Việt Nam đã bị mất về tay Trung Quốc như thế nào, không chỉ trong cuộc chiến Biên giới phía Bắc, mà còn cả trong thời bình, ông nói tiếp:

“Ở Vị Xuyên, xương máu mất đến hàng ngàn người, và đất đai theo căn cứ tư liệu của Trung Quốc mà họ báo cáo, họ nói là ‘giải phóng được về đất mẹ 200 km vuông. Đấy là ngay sau thời chiến tranh chấm dứt. Và đến sau năm 2000, khi ký lại hiệp định phân định biên giới phía Bắc, chúng ta (Việt Nam) lại phải mất thêm một số đất nữa, mà lúc đó không phải là chiến tranh, vấn đề là ở chỗ đó. Tôi không nhớ rõ tên, nhưng bây giờ có một điểm cao nằm ở ngay cửa khẩu Thanh Thủy, nằm trấn ngay ở cửa mà để thông quan, cửa thông quan này nằm ngay dưới cao điểm đó. Trước năm 1979, nó nằm hoàn toàn trên đất Việt Nam, và cao điểm đó nhìn thấy toàn bộ thung lũng Thanh Thủy, xuôi theo sông Hồng, về tới Hà Giang. Trước năm 1979, nó hoàn toàn trên đất của Việt Nam, bây giờ lại thuộc về phía Trung Quốc. Một cao điểm có vị trí chiến lược bao quát cả một vùng rất rộng đó.

Theo một số tư liệu mà tôi lấy được của phía Trung Quốc về mặt trận phía Nam mà những người cựu binh Trung Quốc cung cấp cho tôi, chúng ta mất khoảng đến 200 cây số vuông, hoặc là ví dụ cụ thể nhất mà tôi chứng kiến, đó là Thác Bản Giốc, khi mà tiểu đoàn của tôi có nhiệm vụ bảo vệ những cột mốc từ 107 đến 108, từ cột mốc 107, theo sông Quy Sơn, phải đi xuống chừng một cây số nữa, mới đến Thác Bản Giốc, nhưng bây giờ tự nhiên Thác Bản Giốc còn một nửa, chúng ta chỉ còn một nửa. Vậy thì những cái đó là những thắc mắc mà nhà nước (Việt Nam) phải trả lời cho nhân dân được biết, điều ấy là điều tôi nghĩ là đương nhiên thôi.”

Blogger, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng từ Gò Công, Tiền Giang, nơi ông đang sinh sống.

Related posts