Tin nữ sinh HUFLIT học quân sự bị xâm hại tình dục: công luận cần sự thật!

Mạng xã hội hai hôm nay lan truyền hai video clip và tin đồn hai nữ sinh học quân sự bị các quân nhân xâm hại tình dục đến nỗi phải tự tử. 

Sự việc trở nên khuất tất, gây thắc mắc khi video clip được cho là quay tại trường Quân sự Quân khu 7 với tiếng thét thất thanh của một cô gái và tiếng nạt nộ của một người đàn ông bị xóa khỏi các mạng xã hội. Trên các diễn đàn dành cho sinh viên, nhiều bài đính chính được đưa ra. Thay vào đó là công văn từ Trường Quân sự Quân khu 7 khẳng định thông tin sai sự thật và đòi xử lý những ai lan truyền tin này.

Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) và Trường Quân sự Quân khu 7 cũng đã có cuộc họp báo về sự việc vào chiều ngày 12 tháng 1 năm 2023. Theo báo chí nhà nước, buổi họp báo có sự tham dự của nhân chứng là cô sinh viên quay đoạn clip. Cô này phát biểu: “Vì sơ suất của em mà clip đã bị cắt ghép, đẩy đi quá xa. Em thật sự xin lỗi!”

Trả lời báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng HUFLIT thì khẳng định trường là nạn nhân từ một thông tin hoàn toàn bịa đặt. Nhà trường yêu cầu sinh viên không lan truyền thông tin thất thiệt, tránh bị dư luận dẫn dắt.

Phải trả lời trước công luận trên toàn cõi Việt Nam sự việc như thế nào. Bởi lẽ, thứ nhất nó ảnh hưởng tới danh dự của quân đội. Ảnh hưởng tới quân đội là ảnh hưởng tới danh dự của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đảng Cộng sản Việt Nam không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. – Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Hiện cả hai trường là Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM và Quân sự Quân khu 7 đều đã mời công an xác minh vụ việc.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, buổi họp báo đã không đưa cô sinh viên bị nói là xâm hại tình dục, mà cả hai trường phủ nhận, ra đối chất nên sự việc vẫn chưa rõ ràng. Ông nói thêm:

Tôi cho rằng đây là một sự việc vô cùng trầm trọng về tính chất, khuất tất về mặt thông tin. Vì vậy tôi đề nghị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cần phải điều tra, làm rõ trong thời gian sớm nhất. Phải trả lời trước công luận trên toàn cõi Việt Nam sự việc như thế nào. Bởi lẽ, thứ nhất nó ảnh hưởng tới danh dự của quân đội. Ảnh hưởng tới quân đội là ảnh hưởng tới danh dự của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đảng Cộng sản Việt Nam không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.

Thứ hai, cần phải làm rõ sớm bởi vì sự việc này đang gây hoang mang phẫn nộ tột cùng cho hàng chục triệu sinh viên học sinh và phụ huynh học sinh, vì không có một trường đại học nào mà không phải học quân sự. Thứ ba, cần phải làm rõ để trả lại sự trong sạch cho quân đội; trả lại danh dự phẩm giá cho trường đại học Huflit cũng như khẳng định niềm tin của người dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam có hay không.”

Đại tá Hà Công Chờ, Phó Chính ủy Quân khu 7 khẳng định tại buổi họp báo rằng, tại Trường Quân sự Quân khu 7, mỗi một phòng sinh hoạt của các em có 18 người, nhiều phòng liền với nhau, nhiều tầng. Do đó, không có chuyện xảy ra việc hiếp dâm, chết người. Đại tá Chờ cho rằng, thông tin thất thiệt lan truyền ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín danh dự của cả hai trường.

Đại tá Nguyễn Tiến Sơn – chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 nói với báo chí rằng, sắp tới sẽ xem xét ra quy định hạn chế sinh viên học quân sự mang điện thoại trong quá trình học để ghi hình các khu vực tập quân sự. Sinh viên vẫn được sử dụng điện thoại bình thường khi ở khu vực sinh hoạt.

2009-12-08T120000Z_2050507184_GM1E5C81IUI01_RTRMADP_3_VIETNAM-DEFENCE.JPG
Học sinh trung học học quân sự đầu năm tại một công viên ở Hà Nội năm 2009. AFP

Ông Minh Đức, một cựu quân nhân nói với RFA rằng, chuyện cấp trên bạt tai, đá đít lính là có. Cũng có những chuyện nghiêm trọng bị bưng bít vì bệnh thành tích và bệnh dối trá có tập quán lâu đời. Nhưng với tin nữ sinh bị hiếp dâm tập thể như vừa nói thì ông Đức cho rằng không thể xảy ra. Ông phân tích:

Khách quan mà nói bằng cảm tính cá nhân và cảm nhận cá nhân của tôi thì, thứ nhất, tôi đã trải qua mười mấy năm ở trong quân đội; thứ hai, ngôi trường này tôi đã từng tập huấn cả tháng trời ở đó, tôi có thể khẳng định 99 % là không thể xảy ra câu chuyện như vậy.

Tôi có cảm giác mới đầu họ muốn thả lỏng cái tin này để cho dư luận bớt quan tâm đến những vấn đề khác trong xã hội. Đến khi thấy tin này lan quá nhanh như vết dầu loang thì họ phải tổ chức họp báo vào chiều nay để chận lại. Không thể xảy ra chuyện hiếp dâm cô nữ sinh này khi tất cả các bạn của cô đang ở chung trong một phòng như thế.”

Một số người cho rằng, do xã hội có quá nhiều điều dối trá; nhiều vụ án mạng liên quan đến quân đội bị bưng bít nên người dân không còn tin vào những gì trên báo chí chính thống nữa, mà họ tin vào mạng xã hội.

Tháng 6 năm 2021, quân nhân Trần Đức Đô tử vong khi làm nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Đại học quân sự Quân khu 1 (tỉnh Thái Nguyên) đã làm dấy lên thực trạng bạo lực trong quân đội Việt Nam. Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 sau đó dẫn kết luận của Cơ quan điều tra quân đội xác định, quân nhân Trần Đức Đô “tự treo cổ” không lý do. Người nhà của quân nhân này nói rằng Đô đã bị giết hại và đòi phải điều tra xác minh.

Còn những sự kiện mà mình thường thấy ở trên mạng xã hội thì gần như họ né tránh việc bày tỏ quan điểm. Còn những trường hợp cần lên tiếng cho phụ nữ thì cơ quan mình cũng hy vọng Hội phụ nữ Việt Nam sẽ có một thông điệp, một phát ngôn đại diện cho cơ quan bảo vệ cho quyền phụ nữ. Nhưng gần như mình không thấy. Họ không có thông lệ đó. – Bà Tăng Thị Duyên Hồng

Năm tháng sau, quân nhân nghĩa vụ quân sự Nguyễn Văn Thiên cũng tử vong khi đang là lính thuộc Tiểu đoàn BB50, Trung đoàn BB991, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đã thông tin ban đầu về nguyên nhân tử vong của quân nhân Nguyễn Văn Thiên là do tự té ngã, xuất huyết não.

Sau đó, Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 52 thuộc Quân khu 5, Bộ Quốc phòng phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ba bị can là quân nhân thuộc Tiểu đoàn BB50 để điều tra với cáo buộc “Cố ý gây thương tích”, liên quan đến cái chết của quân nhân Nguyễn Văn Thiên.

Thực hư chuyện nữ sinh trường HUFLIT bị quân nhân trường Quân sự Quân khu 7 hiếp dâm đến nỗi phải tự tử chưa được phía công an trả lời cho công luận. Nếu sự việc có thật mà bị ém nhẹm thì liệu những hội, đoàn về phụ nữ có lên tiếng bảo vệ cho nạn nhân hay không?

Bà Tăng Thị Duyên Hồng, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Coins4Change chuyên hoạt động trong lãnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em nói với RFA tối 12 tháng 1:

“Việt Nam có rất là nhiều hội như Hội phụ nữ, Hội bà mẹ trẻ em và rất nhiều NGO hoạt động trong lĩnh vực nữ giới, nhưng Hội phụ nữ lại không có quyền của Hội phụ nữ. Chẳng bao giờ thấy hội lên tiếng gì cả. Thông thường thì họ chỉ nói những điều tuyên truyền thôi chứ không làm những hành động can thiệp vào các sự việc. Họ có những chương trình, nghị quyết của nhà nước từ trung ương chia xuống các tỉnh, các của các huyện, các xã… Họ có những cái gọi là ‘nhiệm vụ năm’.

Còn khi có chuyện gì xảy ra thì họ đưa ra một thái độ chung chung, đó là hòa giải. Còn những sự kiện mà mình thường thấy ở trên mạng xã hội thì gần như họ né tránh việc bày tỏ quan điểm. Còn những trường hợp cần lên tiếng cho phụ nữ thì cơ quan mình cũng hy vọng Hội phụ nữ Việt Nam sẽ có một thông điệp, một phát ngôn đại diện cho cơ quan bảo vệ cho quyền phụ nữ. Nhưng gần như mình không thấy. Họ không có thông lệ đó.”

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bị nhiều phụ nữ trong nước cho là “một tổ chức ngốn ngân sách và vô ích”, bởi chức năng thật sự của hội này chỉ là tuyên truyền, bảo vệ Đảng, chứ không đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ Việt Nam.

Related posts