Tội phạm vẫn tăng cao dù Công an được tăng cường nhiều nguồn lực

Khoảng 50.000 công an chính quy đã được điều động về các phường, xã trong vòng bốn năm qua với lý do giúp đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm được báo cáo là tăng mạnh trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2023.

Tăng cường công an về cơ sở

Từ năm 2018, Bộ Công an thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về cấp xã làm việc nhằm ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, từ California (Hoà Kỳ) cho biết, chính sách này nhằm giải quyết đầu ra cho lực lượng học viên các trường đào tạo công an vừa tốt nghiệp mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2023, chỉ tiêu của các trường khối công an nhân dân là 2000 người:

“Công an cấp bộ được bổ sung về cơ sở chứng tỏ là biên chế bộ máy ở công an cấp bộ cũng đã quá phình to rồi, cộng với một số lượng rất lớn hàng nghìn công an được đào tạo ở các trường từ trung cấp cho đến đại học công an thì đương nhiên phải bố trí về về từ quận cho đến phường.”

Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, hơn 50000 cán bộ công an chính quy đã được chuyển công tác về các địa phương. Bộ này còn cấp hơn 3.400 tỷ đồng cho công an xã, thị trấn trong toàn quốc; cung cấp quỹ đất để xây dựng thêm trụ sở công an chính quy ở xã, phường với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công an hiện còn yêu cầu sát nhập bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung gọi là “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”.

Theo đó, lực lượng này sẽ được công nhận chức danh, có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã.

Mỗi năm, lực lượng này được cấp khoảng 3500 tỷ đồng để duy trì hoạt động.

Một người từng công tác trong ngành công an, yêu cầu được giấu danh tính, nói với RFA rằng lực lượng này được tuyển từ những người tay ngang, không có nghiệp vụ công an, được tuyển vào chủ yếu để đàn áp dân:

“Lực lượng này không bao giờ chống đối, chuyên đi trấn áp dân, giải tỏa cưỡng chế đất đai hoặc là trấn áp các đoàn biểu tình thì lực lượng này sẽ là hăng hái nhất.

Công an chính quy né hết các trường hợp trấn áp người dân. Nếu bây giờ va chạm với người dân thì người dân sẽ ghét thì đâu có được ích li gì, cho nên họ sẽ đưa lực lượng bảo vệ dân phố ra, lực lượng này sống chết gì cũng không được quan tâm.”

Tội phạm vẫn tăng

Tuy được trang bị rất nhiều nguồn lực để hoạt động, tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm trong năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực đều tăng.

Trong phiên họp Quốc hội ngày 21/11 bàn về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Viện trưởng Viện Kiểm sát  (VKS) nhân dân tối cao Lê Minh Trí đặt câu hỏi: Vì sao khi chúng ta càng chống, càng đấu tranh quyết liệt, thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại càng tăng?

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ trưởng Công an, số vụ giết người tăng 12%. Nhóm tội phạm liên quan đến an ninh trật tự như cướp giật tăng 17%, gây rối trật tự công cộng tăng 80%. Đặc biệt, tội phạm lừa đảo qua mạng tăng hơn 200% trong năm qua. 

Giải trình trước Quốc hội, ông Tô Lâm cho biết một trong những nguyên do chính khiến tình hình tội phạm tăng cao là vì khó khăn về nguồn lực; Các yêu cầu, nhiệm vụ tăng lên, nhưng biên chế không tăng, kinh phí, phương tiện còn nhiều khó khăn. Do đó, ông đề nghị Quốc hội tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Theo Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, không thể lập luận rằng dân số tăng thì tội phạm tăng, mà tội phạm tăng thì công anh cũng phải tăng theo:

“Nếu lập luận theo kiểu tội phạm tăng thì phải tăng công an thì đó là một cách xử lý cơ học, không khoa học. Nếu một xã hội được quản lý tốt về mặt dân số, có các chính sách xã hội pháp luật tốt thì tội phạm sẽ giảm chứ không tăng.”

Bộ Công an muốn củng cố quyền lực

Cựu cán bộ công an giấu tên khẳng định tỷ lệ tội phạm, trên thực tế, hoàn toàn có thể điều tiết được bởi Bộ công an:

“Tội phạm tăng hay giảm là do công an điều tiết. Ví dụ công an có thể trấn áp, diệt sạch hết không còn một mống tội phạm ma túy chỉ trong vòng một tuần, nhưng mà công an họ không muốn bắt, họ muốn nuôi án.”

Lý giải cho nhận định này của mình, cựu cán bộ công an nói tất cả các lực lượng công an đều bị áp chỉ tiêu. Ví dụ, mỗi năm phải điều tra được bao nhiêu vụ án, triệt phá được bao nhiêu đường dây ma tuý… Do đó, công an chỉ bắt “đủ chỉ tiêu”, còn lại thì nuôi án chờ năm sau. 

“Công an biết hết nhưng sẽ không bắt hết mà họ sẽ nuôi chứ. Nếu bây giờ bắt hết thì năm sau lấy gì mà nó bắt cho đạt chỉ tiêu. Cho nên, điều bất cập và khốn nạn nhất trong ngành công an chính là chỉ tiêu.”

Ngoài ra, số liệu thống kê, báo cáo về tỷ lệ tội phạm cũng do Bộ công an tự công bố. Bộ này có thể báo cáo thêm hoặc bớt mà không ai dám có ý kiến. Cựu cán bộ công an giấu tên cho rằng Bộ công an báo cáo tỷ lệ tội phạm cao là có mục đích khác:

“Nếu tỷ lệ tội phạm cao, ông Tô Lâm sẽ yêu cầu được tăng thêm lực lượng để trấn áp tội phạm. 

Nếu xét về tình hình chính trị bây giờ thì Tô Lâm đang muốn phô trương thanh thế, muốn thêm quân để tăng thêm quyền lực. Vì vậy cho nên Tô Lâm mới đề xuất thống nhất các lực lượng dân quân ở tổ dân phố và tăng quyền hạn cho họ. 

Rõ ràng đây là một hình thức thu quân, lấy quân số để tạo thế lực, uy quyền cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm.”

Related posts