Trung Quốc tiến hành khảo sát trong vùng EEZ của các nước ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương

Từ nửa đầu tháng 5 năm 2023 trở lại đây, Trung Quốc liên tục đưa tàu khảo sát xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông và vùng biển Nam Thái Bình Dương cùng một lúc. 

Như RFA đã đưa tin, Trung Quốc tung tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam liên tục từ ngày 7 tháng 5 đến nay. Việt Nam điều tàu Kiểm Ngư 465 và 468 cùng tàu cảnh sát biển 7011 giám sát hiện trường. Đến hôm nay, tàu Xiang Yang Hong 10 vẫn đang khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Trong khi tàu Xiang Yang Hong 10 đang khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, hôm 10/5/2023, một tàu khảo sát khác là Xiang Yang Hong 31 cũng tiến từ đảo Hải Nam xuống căn cứ quân sự đá Xu Bi mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, rồi từ ngày 23/5 tiến xuống đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (cách đường cơ sở của nước này khoảng 120 hải lý.) Tàu Xiang Yang Hong 31 vẫn đang khảo sát ở đá Vành Khăn từ đó đến nay. 

Từ cuối tháng 4, trước khi tàu Xiang Yang Hong 10 tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tàu khảo sát Xiang Yang Hong 14 đã tiến đến căn cứ quân sự đá Xu Bi (Subi Reef) ở Trường Sa và di chuyển giữa đá Xu Bi và căn cứ quân sự đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Hôm nay, 30/5, tàu Xiang Yang Hong 14 vẫn đang ở căn cứ Xu Bi. 

Trong một diễn biến khác, trong khi Xiang Yang Hong 10 khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc tung tàu khảo sát khác là Jia Geng (Gia Canh) vào Biển Đông. Theo dữ liệu AIS mà RFA ghi nhận được, tàu Jia Geng xuất phát từ Macao hôm 13 tháng 5, tiến vào Biển Đông từ ngày 14, rồi đi thẳng vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ngày 20 tháng 5, khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này đến 23 tháng 5 rồi tiến về phía nam. Trong thời gian đó, tàu Jia Geng có lúc khảo sát ở khu vực cách đường cơ sở của Philippines chỉ 50 hải lý. Hôm nay 30/5, tàu Jia Geng đi thẳng vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, khu vực đảo Ranai. Đảo Ranai có dân số hơn 20 ngàn người, là thủ phủ của quần đảo Natuna của Indonesia, có đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng. 

Đây là lần Trung Quốc tiến hành xâm nhập và khảo sát đồng thời ở cả hai vùng biển là Biển Đông và biển Nam Thái Bình Dương cùng một lúc. Ông Raymond Powell, Giám đốc chương trình nghiên cứu Biển Đông tại Đại học Stanford, cho biết trong khi các tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10, 14, 31 và Jia Geng xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phillipines, Indonesia ở Biển Đông, thì Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Haiyang Dizhi Liuhao (Hải Dương Địa Chất Lục Hiệu, tức Hải Dương Địa Chất 6) tiến vào vùng biển Nam Thái Bình Dương, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc Palau từ ngày 24 tháng 5 vào khảo sát ở đó đến nay. Có thời điểm tàu Haiyang Dizhi này khảo sát cách đường cơ sở của Palau chỉ khoảng 50 hải lý. Ông Powell cho biết “đây không phải là lần đầu tiên tàu khảo sát Trung Quốc vi phạm vùng biển của Palau.” Động thái này của Trung Quốc diễn ra chỉ sau hai ngày, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tham dự lễ ký kết Thỏa thuận Hoa Kỳ-Palau 2023 vào ngày 22 tháng 5. Ông Raymond Powell nhận xét:

“Trung Quốc thường xuyên sử dụng các hoạt động khảo sát để khẳng định chủ quyền của mình. Tất nhiên, điều đó không áp dụng cho các cuộc khảo sát từ tuần trước ở vùng biển của Palau, vì họ không đòi hỏi chủ quyền ở vùng biển đó. Nhưng họ biết rằng Palau có rất ít khả năng phản đối các cuộc khảo sát của họ.”

Trở lại với Biển Đông, theo dữ liệu AIS mà RFA ghi nhận được, có những thời điểm tàu Kiểm ngư của Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần nhau ở khoảng cách khoảng 300 mét đến 1000 mét. TS. Hà Hoàng Hợp ở Viện ISEAS của Singapore nhận xét về khả năng va chạm giữa hai bên trong thời gian tới, căn cứ vào những bài học trước đây và những động thái ngày càng gia tăng áp lực của Trung Quốc: 

“Hai tàu đi cách nhau 300 mét cũng chưa phải là một cái gì đó nguy hiểm. Trước đây, tàu hai bên có lúc còn phun vòi rồng và húc nhau

Có nhiều yếu tố tác động đến những chiến dịch xâm nhập EEZ Việt Nam như vậy của Trung Quốc, trong đó thời tiết là một yếu tố. Đợt xâm nhập 2019, Trung Quốc đã khảo sát EEZ Việt Nam từ tháng 7 đến 10. Từ nay đến tháng 7 là mùa biển lặng nên Trung Quốc có thể sẽ còn xâm nhập EEZ Việt Nam liên tục. Nếu hai bên không kìm chế, có thể tàu hai bên sẽ phun nước, húc nhau, dọa chĩa súng như một số lần trước.”

Các nước ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương bị Trung Quốc xâm nhập trái phép cùng lúc nhưng không hành động cùng nhau để phản đối Trung Quốc. Mỗi nước có một cách riêng để chống lại “người khổng lồ” này. Philippines liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, Palau ký kết thỏa thuận tương trợ Hoa Kỳ – Palau. Ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nhận xét: 

“Các quốc gia trong khu vực hiếm khi cùng nhau hành động đối với các vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Điều này mang lại lợi ích cho Bắc Kinh. Trung Quốc tuyên bố công khai là họ ưu tiên cho các cuộc thảo luận song phương. Họ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn cản những hành động tập thể trong khu vực.”

Ông Raymond Powell nhận xét về cách phản ứng của Hà Nội với chiến dịch xâm nhập của Trung Quốc:

“Tôi nghĩ rằng, cho đến nay Hà Nội đã thực sự cố gắng giảm thiểu sự cố này để tránh leo thang. Chính phủ đã trì hoãn bình luận cho đến khi sự chú ý của quốc tế đạt đến mức mà tại đó họ không thể giữ im lặng một cách đáng tin cậy nữa. Ngay cả khi đó, báo chí do nhà nước kiểm soát của Việt Nam cũng đề cập khá ít đến vấn đề này.”

Related posts