TSKH Nguyễn Quang A: VN cần phải ra luật cấm ngăn chặn các quyền Hiến định của công dân

Việt Nam cần phải bảo vệ những quyền cơ bản của công dân bằng việc ra luật cấm ngăn chặn các quyền Hiến định của công dân và các quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết trước các công pháp quốc tế liên quan, theo một nhà quan sát dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự Việt Nam từ trong nước.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 05/7/2023 từ Hà Nội liên quan giải pháp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, từ quan điểm riêng của mình, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể), nói:

“Tôi chắc chắn phải, nên và cần có những luật như thế hay là luật bảo vệ những quyền của công dân trong những lĩnh vực như vậy, mà bảo vệ như thế nghĩa là những ai chống lại công dân thực hiện những quyền đó phải bị trừng phạt…

Những quyền dân sự và những quyền chính trị của người dân mà đã được nêu rất rõ ràng trong ‘Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị’ (*) mà Việt Nam đã tham gia từ hơn bốn chục năm trước, tức là từ năm 1982 đến bây giờ, đấy là bộ luật quốc tế, chứ không phải là ‘Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền’ (**), tuyên ngôn chỉ là tuyên ngôn thôi, nó không có giá trị pháp lý.

Nhưng ‘Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị’ là một bộ luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia từ 41 năm nay rồi, có nghĩa rằng Việt Nam chấp nhận bộ luật quốc tế ấy, thì Việt Nam phải có nghĩa vụ thi hành. Khi nào các quyền đó được ghi vào trong Hiến pháp của Việt Nam, có những luật để bảo vệ những quyền ấy, tức là bất kể ai thực hiện những quyền ấy thì không bị gọi là chống nhà nước, hay chống chính quyền gì cả, mà người ta chỉ thực đúng những quyền của người ta, và những kẻ nào cản trở người dân thực hiện những quyền ấy thì bị trừng phạt.”

Khi được hỏi việc xây dựng luật như được đề xuất có thể tìm kiếm tham khảo ở đâu, nếu có, nhà phản biện chính sách Nguyễn Quang A nói:

“Khi các quyền tự do của công dân (được hiến định) như thế bị xâm phạm, thì người dân có thể (về nguyên tắc phải được) kiện ra tòa án và khi ấy tòa án xét xử…

Chắc chắn ở những nơi như là Hoa Kỳ chẳng hạn, chính quyền, kể cả chính quyền trung ương, liên bang, hay chính quyền bang, hay cấp dưới mà có những hành động vi phạm những quyền tự do của người dân, thì người dân có thể kiện ra tòa.”

quantri2.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính. AFP

Nếu ra luật, tinh thần, nội dung nào cần được chú trọng?

Trước câu hỏi, nếu có một đạo luật bảo vệ công dân thực hiện các quyền hiến định của mình, cũng như các quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết trong các công ước, điều ước quốc tế có liên quan nhân quyền, đạo luật được đề xuất, nếu được soạn và thông qua, cần có điều khoản, tinh thần, hoặc nội dung nào nên được ưu tiên, chú trọng, ông Nguyễn Quang A đáp:

“Tôi nghĩ rằng nếu nhìn kỹ vào các luật ấy, có thể đã có những điều khoản như thế, chứ không phải là không có, vấn đề là bây giờ chúng ta (Việt Nam) phải chỉnh lại những điều ấy.

Tức là những người nào và kể cả tổ chức nào mà cản trở người dân thực hiện những quyền hiến định của mình, thì phải bị trừng phạt.

Tôi nói thí dụ, cái đó có thể đưa vào luật dân sự hay là luật hình sự, hay là có một bộ luật riêng, tuy cũng có thể không cần có một bộ luật riêng. Thế nhưng nếu có những điều luật như thế, vấn đề cốt lõi vẫn là thực thi.”

Giải thích về điều được cho là cốt lõi này, TSKH. Nguyễn Quang A đề cập một khía cạnh mà theo ông là điều kiện cần có:

“Muốn thực thi lại đòi hỏi về cải tổ thể chế, tức là vấn đề tư pháp. Nếu bây giờ toàn bộ hệ thống tư pháp vẫn do ‘một ông’ chỉ huy và đưa ra những luật lệ tương đối ‘tù mù’, và giả sử người dân có quyền kiện những người hay tổ chức mà cản trở họ (thực hiện) các quyền ấy, nhưng tòa án lại không xử, hoặc là ‘ngâm đấy’, thì cũng bằng không.

Cho nên thực sự vấn đề vẫn là người dân hiểu được quyền ấy và tự tổ chức lấy cho mình, đứng ra bảo vệ bằng lí lẽ, ôn hòa.

Và tôi nghĩ rằng chừng nào mà ở Việt Nam có một triệu người đồng thanh lên tiếng về chuyện ấy, khi ấy nó sẽ là khác. Còn bây giờ nếu chỉ có vài chục người hay là dăm bảy người thì không ăn thua.

Vấn đề thực sự nằm ở người dân, và làm sao chính người dân có thể hiểu được vấn đề, người ta có động cơ, người ta có khát vọng, để làm những việc đó hay không, thì đó mới là điểm cốt lõi.”

quantri3.jpeg
Hình minh hoạ: Bốn lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ trái sang): cựu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính. AFP

‘Dân trí lên, thì quan trí cũng lên, lạc quan về con đường phía trước’

Theo nhà nghiên cứu và phản biện chính sách này, còn một khía cạnh nữa đáng quan tâm mà ông gọi là ‘quan trí’:

“Về quan trí, tôi nghĩ những người làm quan (chức) bây giờ, họ đều là những người có học và tôi nghĩ rằng khi dân trí nâng cao, mà quan từ đâu mà ra, họ cũng từ dân mà lên, thì quan trí cũng nâng cao.

Và tôi nghĩ những người đang cầm quyền bây giờ có nhiều người ủng hộ những cách tiếp cận như tôi trình bày.

Tức là gì? Tức là phải để cho dân thực hiện những quyền hiến định của mình, chỉ có như thế đất nước Việt Nam mới thực sự phát triển, thực sự là vững mạnh.”

Khi được hỏi liệu ông có lạc quan hay là không khi nhìn về viễn cảnh phía trước, liên quan các khía cạnh tự do, tự do hóa, dân chủ và tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam, ông Nguyễn Quang A đáp:

“Tôi có thể nói là tôi lạc quan về những điều đó. Bởi vì những điều này là công việc dài hạn, một việc liên tục phải làm, và phải làm 24/7, làm 365 ngày một năm.

Cho nên chừng nào càng nhiều người càng hiểu biết và càng thực hiện những việc rất nho nhỏ trong việc thực hiện quyền của mình, để làm sao phát triển cho bản thân, cho gia đình, cho công ty, tổ chức của mình, và rộng hơn lên là cho đất nước của mình (thì càng tốt).

Không cần phải nói những điều lớn lao gì cả, mà chỉ cần những công việc hàng ngày, từ việc nhỏ trở đi, từ việc giữ gìn vệ sinh, đi ra ngoài đường thì đúng luật giao thông, ví dụ không lạm dụng bóp còi v.v… đấy là những việc nhỏ mà mọi người có thể làm được, cho đến việc bảo vệ môi trường, bớt dùng túi nhựa chẳng hạn.

Tất cả những việc như thế là những việc gắn vào việc gọi là dân chủ hóa, gắn vào việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Và nếu bảo rằng dân chủ hóa theo nghĩa rộng như thế, nếu đảng Cộng sản Việt Nam và những người lãnh đạo của đảng này hiểu được những điều ấy, thì họ chẳng có lý do gì để họ phản đối cả, chính vì vậy, theo tôi phải có sự vận động với cả chính họ nữa, để cho chính họ cũng hiểu ra,” TSKH Nguyễn Quang A nhấn mạnh trên quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt hôm 05/7 từ Hà Nội.

Related posts