Từ “Chuyến bay giải cứu’ tới “Việt Á”

Vụ án “Chuyến bay giải cứu” khép lại sau 18 ngày xét xử, sớm 12 ngày so với dự kiến kéo dài một tháng. Có bốn bản án cao nhất được tuyên là chung thân đối với cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng; nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ hơn 25 tỷ; nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an Vũ Anh Tuấn nhận hối lộ hơn 27 tỷ và điều tra viên Hoàng Văn Hưng tội lừa đảo chiếm đoạt 800 ngàn đô la, tương đương hơn 18 tỷ đồng.

Dư luận xã hội cho đây là ‘phiên diễn hài’ giữa 54 bị cáo hầu hết là đảng viên với hội đồng xét xử bởi những bản án tử hình được mua chuộc bằng tiền một cách công khai, chính thức trong pháp đình. Đặc biệt là hàng trăm ngàn nạn nhân là người dân bị thiệt hại tiền bạc vì phải mua những chiếc vé máy bay với giá trên trời, đã không được nhắc đến trong phiên tòa, và cuối cùng tiền của họ bị gọi là tài vật của vụ án đã chui vào túi nhà nước với danh nghĩa ‘xung công quỹ.’

Với những phiên xử những đại án sắp tới như Tân Hoàng Minh, FLC…, đặc biệt là Việt Á với dàn bị cáo là những quan chức, những đảng viên và nhân dân là bên chịu thiệt hại vì những quyết định liên quan, liệu sẽ ra sao?

Hỗ trợ việc kinh doanh của Việt Á, chính quyền chính thức ban hành các quy định buộc người dân trong tất cả tỉnh thành trong cả nước phải tham gia xét nghiệm Covid trong rất nhiều lần, nhiều ngày… để tạo cơ hội cho đơn vị y tế sử dụng kit test của Việt Á cung cấp. – Luật sư Đặng Đình Mạnh

Trao đổi với RFA về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhấn mạnh, tương tự vụ án “Chuyến bay giải cứu” vừa được xét xử sơ thẩm đã gạt bỏ hơn 200.000 nạn nhân ra bên lề phiên tòa, thì theo đó, nếu vụ án “Việt Á” không kết nối được sự lũng đoạn chính sách của các quan chức chính quyền làm lợi cho Việt Á gây chết oan cho hàng vạn đồng bào vô tội, thì đó chẳng phải là công lý mà là sự nhạo báng công lý một lần nữa mà thôi. Ông nói tiếp:

“Hỗ trợ việc kinh doanh của Việt Á, chính quyền chính thức ban hành các quy định buộc người dân trong tất cả tỉnh thành trong cả nước phải tham gia xét nghiệm Covid trong rất nhiều lần, nhiều ngày… để tạo cơ hội cho đơn vị y tế sử dụng kit test của Việt Á cung cấp.

Về phương diện y tế, việc xét nghiệm Covid trong một số trường hợp là cần thiết. Tuy nhiên, việc buộc người dân phải chịu sự xét nghiệm tràn lan bằng cách tập trung đông người trong cộng đồng dân cư đã gây lây nhiễm với mức độ không thể kiểm soát. Nhiều người bị lây nhiễm trong hoàn cảnh chưa được chích ngừa hoặc chích ngừa vaccine chưa đủ liều đã tử vong vì tình trạng lây nhiễm như vậy.

Đến nay, sau khi khởi tố hình sự đối với Công ty Việt Á và khoảng 30 vụ án khác có liên quan. Điều dễ dàng nhận ra là cơ quan điều tra chỉ điều tra các hành vi vi phạm pháp luật của Việt Á như hối lộ, vi phạm đấu thầu… mà thôi. Trong đó, những quan chức chính quyền nhân danh phòng chống dịch để ban hành quy định gián tiếp hỗ trợ việc kinh doanh của Việt Á làm chết oan hàng vạn đồng bào đã được bỏ qua một cách cố ý như nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Từ “Chuyến bay giải cứu” đến “Việt Á” cho thấy, cán bộ từ trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo cao cấp đến nhân viên quèn, từ bộ này đến ngành khác, từ địa phương này đến tỉnh thành khác… hết thảy, đều chỉ chực chờ ăn cướp của dân lành mà thôi.”

000_9KX9JJ.jpg
Một dân đang được nhân viên y tế xét nghiệm coronavirus tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội vào ngày 11 tháng 8 năm 2021, khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa hai tuần. AFP

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Việt Á) bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và lại quả cho các đối tác 800 tỷ đồng. Đến nay đã có gần 150 người bị khởi tố, trong đó có gần 100 quan chức ở cấp trung ương và địa phương, có cả những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ bao gồm: cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.

Sau phiên xử “chuyến bay giải cứu’, một số chuyên gia trong ngành tư pháp cho rằng cần cải tổ lại toàn bộ nền tư pháp Việt Nam, nhất là nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’ bị cho là không thống nhất trong cách hiểu của những người cầm cân nảy mực nơi pháp đình. Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu quan điểm của ông:

“Với những đại án sắp tới chưa xét xử thì mình cũng không nên suy luận theo kiểu bất lợi cho nhà nước theo kiểu ‘nền tư pháp này thế nọ thế kia…’. Nhưng thực tế qua vụ án này, niềm tin vào công lý của người dân đã bị sứt mẻ rất lớn. Tôi không tin vào khả năng sửa chữa vì bản chất và nền tảng pháp luật của những người tiến hành tố tụng là ‘án bỏ túi’. Bản án đã được quyết định ở những cấp cao hơn rồi. Đây là vấn nạn đáng buồn của công lý Việt Nam.

Gần như những lời góp ý, những phơi bày từ chính bị cáo như cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng mà đại diện Viện Kiểm sát không tranh luận nổi, cuối cùng vẫn kết tội ông này. Lẽ ra nên tách phần Hoàng Văn Hưng ra để bổ sung, điều tra lại. Việc này không trái quy định nhưng họ không làm. Điều này gây thất vọng với đa số người dân và đặc biệt với giới luật sư.”

Luật sư Lê Quốc Quân cho RFA biết, ông không ủng hộ án tử hình, nhưng cách phiên tòa dừng xét xử để các bị cáo nộp tiền khắc phục rồi được giảm án làm mất tính nghiêm minh của tòa án. Ông nói thêm:

“Với phiên xử những đại án sắp tới thì tôi thấy cũng tương tự vụ án giải cứu này thôi vì đây là chủ trương của ĐCS rồi. Trung ương ĐCS có ban hành một Chỉ thị ngày 2/6/2021 nói về việc khắc phục hậu quả phải tiến hành quyết liệt. Nó được thể hiện rất rõ trong vụ án vừa qua. Cho nên ở đấy rộ lên tính chất mua bản án một cách công khai.

Do đó, tôi nghĩ tinh thần xét xử các vụ án sắp tới, đặc biệt là vụ án Việt Á nó cũng thế thôi. Mục tiêu vẫn là thu hồi lại tiền nhưng có thể không trắng trợn như phiên tòa vừa rồi. Theo tôi, cách thu hồi nên làm là bắt nộp phạt. Nộp phạt có thể cao hơn số tiền tham nhũng, và bị cáo không được giảm án với tội tham nhũng khi nộp tiền khắc phục. Điều 35 BLHS có nói quyết định mức phạt bổ sung căn cứ vào mức độ nguy hiểm và tài sản của người phạm tội. Họ chỉ ghi mức tối thiểu là 1 triệu. Không ghi mức tối đa. Cứ việc phạt mức thật cao, cao hơn số tiền đã tham nhũng thì mới diệt được tham nhũng.”

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng tư diễn ra chiều 5 tháng 5 năm 2023 tại Hà Nội, Phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, kết luận điều tra vụ án Việt Á phải kéo dài sang quý II năm nay chứ chưa thể hoàn tất trong quý I như dự kiến. Lý do của sự chậm trễ theo ông Tô Ân Xô là vì tính chất phức tạp của vụ án Việt Á và hiện có quá nhiều vụ án phải điều tra.

Related posts