Tuyên truyền quan điểm đảng và văn hóa đọc có thể cùng phát triển?

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mới đây cho rằng cần giáo dục về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng sách báo…

Liệu chú trọng nội dung tuyên truyền có thể phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam? Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM nhận định với RFA hôm 7/5/2024:

“Vấn đề là tuyên truyền cái gì? Họ đã là Ban Tuyên giáo thì tuyên truyền chỉ là tuyên truyền theo đường lối quan điểm của đảng (CSVN). Thành ra hiểu theo nghĩa đó thì về mặt nguyên lý là nó thực sự chống lại văn hóa đọc… Về văn hóa đọc nó hơn bất cứ thứ gì khác, thực sự là văn hóa thì phải tôn trọng quyết định của người đọc, cái suy nghĩ cá nhân của người đọc, tính độc lập của người đọc… Còn tuyên truyền hiểu theo cái nghĩa rất hẹp của Ban Tuyên giáo thì là chống lại văn hóa đọc.”

Họ đã là Ban Tuyên giáo thì tuyên truyền chỉ là tuyên truyền theo đường lối quan điểm của đảng (CSVN). Thành ra hiểu theo nghĩa đó thì về mặt nguyên lý là nó thực sự chống lại văn hóa đọc…
-Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng

Còn Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín ở Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 7 tháng 5 năm 2024, liên quan vấn đề này thì cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đã kém mà còn chú trọng nội dung tuyên truyền thì càng khó thu hút người đọc:

“Về văn hóa đọc ở Việt Nam thì đúng là kém, ngày xưa chúng tôi đọc nhiều lắm, nhưng bây giờ các em ấy rất thích đọc. Có rất nhiều nguyên nhân, đầu tiên là do sự phát triển về internet, mạng xã hội. Nguyên nhân thứ hai đó là những sách giá trị cao thật sự không nhiều. Nếu có thì đã từng bị đốt, bị tiêu hủy trong các đợt truy quét văn hóa phẩm trước kia. Thế còn bây giờ bảo sách là để tuyên truyền nữa, thì tôi nghĩ là càng chết, học sinh và giới trẻ càng không đọc thứ đó.”

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, người đọc sách có nhu cầu đọc rất nhiều thứ, nhưng không phải là thông tin tuyên truyền:

“Người ta đọc sách để tìm hiểu cuộc sống, đọc để nạp thêm vào mình những kiến thức hoặc kỹ thuật công nghệ, đọc để biết thêm những cái hay của thiên hạ… Nhưng chúng ta lại có một cái rất dở, là ý đồ đọc để tuyên truyền, người lớn còn chả chịu đọc cái đấy, huống gì bọn trẻ. Các vị lãnh đạo của ta ông nào cũng có các cuốn tuyển tập dày cộm, nhưng mấy người đọc đâu. Cho nên dừng ngay ý tưởng đó, để không lãng phí một núi tiền của ngân sách.”

cq-310-1713496372.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (giữa) tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba, năm 2024. Courtesy tuyengiao.vn

Cũng liên quan vấn đề tuyên truyền qua sách, vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát ra sức tuyên truyền về hai cuốn sách của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Báo chí nhà nước nhận xét rằng, các cuốn sách của ông Tổng bí thư “Củng cố niềm tin nhân dân”.

Liên quan việc này Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định:

“Chỉ cần hỏi thực sự có người dân nào bỏ tiền đi mua sách của các ông lãnh đạo không… thì sẽ biết ngay ảnh hưởng của những thứ chữ nghĩa tuyên truyền của các ông có tác động đến xã hội như thế nào? Tôi không tin rằng có người bỏ tiền mua những tập sách dày cộm của ông Trọng để làm gì. Nếu có thì chừng 5-7 người mua, chứ đến 100 người là tôi cho là đã khó khăn. Còn các ông bỏ tiền của nhà nước ra mua để mà phát không cho các cơ quan, thì đó là câu chuyện khác, tôi không bàn.”

Điều đáng nói đó là cuốn sách ‘Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ của ông Trọng còn được dịch ra bảy ngoại ngữ để xuất bản ra nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Trung, Tây Ban Nha…

Chỉ cần hỏi thực sự có người dân nào bỏ tiền đi mua sách của các ông lãnh đạo không… thì sẽ biết ngay ảnh hưởng của những thứ chữ nghĩa tuyên truyền của các ông có tác động đến xã hội như thế nào?
-Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng

Một Nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nhận định:

“Cách họ làm như vậy là lãng phí, bởi vì phải bỏ ra hàng trăm tỷ, trong tình hình ngân sách rất bi đát, kinh tế suy trầm… Chủ trương của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chỉ là chống tham nhũng, mà còn chống lãng phí, trong khi bây giờ phát hành cuốn sách mà biết trước rằng nó sẽ rất lãng phí thì có phải họ đang tiếp tục phạm sai lầm trong chủ trương của họ không?”

Ngoài việc lãng phí, người này cũng cho rằng việc tuyên truyền cũng chẳng thu hút được độc giả:

“Cách phát hành sách, làm rầm rộ tuyên truyền trên báo chí và khai triển học hành ở trên tất cả các tỉnh thành như vậy cho thấy đây rõ ràng là một phong trào. Điều này phản ánh đúng với bản chất và chủ trương hàng chục năm qua của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, là làm việc gì cũng phong trào một thời gian, làm cho dữ dội, đánh trống thổi kèn, nhưng cuối cùng chìm lỉm xuống sông. Như vậy cuốn sách này chắc chắn thất bại ở góc độ thu hút độc giả.”

Trở lại với yêu cầu của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng sách báo… Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, để thay đổi cũng rất là khó trong tình hình Việt Nam hiện nay:

“Đầu tiên là phải để cho người viết được tự do nói lên đúng sự thật. Thứ hai là phải chấp nhận lịch sử là sự thật, chấp nhận những tư tưởng khác biệt một chút… Tôi thấy như truyện ‘Trại súc vật’ của một tác giả người Anh, người ta viết câu chuyện từ những năm 1943… thế mà xin in ấn thì Việt Nam cho rằng nó nói xấu chính quyền, rồi cấm tiệt. Những sách có giá trị đấy có được phát hành đâu mà đến tay người đọc.”

Tóm lại Thầy Khoa cho rằng, Việt Nam phải có sự thay đổi ngay trong tư duy lãnh đạo, xóa bỏ ngay tư tưởng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy giặc, nhìn đâu cũng thấy phản động… và phải chấp nhận sự khác biệt tư tưởng, tôn trọng sự thật lịch sử… Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, có nhiều nguyên nhân, không dễ sửa chữa ngay, nhưng phải có sự thay đổi từ từ.

Related posts