Tỷ lệ ủng hộ thu phí vào nội đô Hà Nội có đáng tin?

Không khách quan, độc lập

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội hôm 18/10 vừa cho truyền thông nhà nước biết, qua khảo sát có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí vào nội đô Hà Nội; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo và chỉ 27,1% không ủng hộ.

Từ Hà Nội hôm 19/10, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện IDS, tổ chức đã tự giải thể, nhận định:

“Tôi nghĩ những con số đấy khó mà tin cậy được trong trường hợp họ tự làm. Nếu mà có một cơ quan độc lập, hay một số tổ chức độc lập… chủ yếu là các viện nghiên cứu, hay các tổ chức xã hội dân sự chuyên môn làm về các việc đó, đi thăm dò dư luận thật thì được… Chứ không phải họ tự đi thăm dò, và có thể vặn vẹo các con số đấy một cách không thể tưởng tượng được. Chuyện đấy làm cho bản thân người dân không tin tưởng vào Chính quyền và đây là một tội rất nghiêm trọng đối với những người đưa cái thông tin đấy ra để cho người dân không tin. Bởi vì niềm tin của người dân vào chính quyền là một tài sản rất quý giá, mà chính quyền phải giữ, nuôi dưỡng… còn họ làm theo kiểu để vẽ vời ra cho phù hợp với ý đồ của mình, thì cái đấy là một tội rất lớn.”

Tôi nghĩ những con số đấy khó mà tin cậy được trong trường hợp họ tự làm.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Số liệu thống kê là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng trong việc phân tích và dự báo kinh tế, là cơ sở thực tiễn giúp cho chính phủ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Lâu nay, số liệu thống kê của Việt Nam luôn bị cho rằng không đáng tin cậy và bị nghi ngờ có thể bị bóp méo dưới áp lực nào đó. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi tham dự buổi Hội thảo Khoa học ‘Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015 và những điều chỉnh chiến lược’ từng nói “Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ 1993 đến 2002 khi trả lời RFA liên quan vấn đề số liệu thống kê ở Việt Nam, cho biết:

“Bản thân người làm thống kê ở các địa phương đều thừa nhận họ chịu áp lực rất lớn từ phía các cơ quan lãnh đạo và các cấp chính quyền. Còn thống kê ở Việt nam không phải là một cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội, mà là một Tổng cục nằm trong Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Hai cơ quan ấy trực thuộc Chính phủ nên làm cho người ta chưa yên tâm lắm về tính khách quan, tính độc lập.”

000_99A2XJ.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Cần giải quyết “gốc rễ”

Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội để hạn chế số lượng xe cơ giới, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiên cứu cùng đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông – vận tải. Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào trung tâm thành phố.

Một tài xế taxi ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói:

“Tôi nghĩ rằng sẽ không giảm được ùn tắc thật sự, bởi vì gốc rễ của vấn đề không phải là ở sự lưu thông từ ngoại ô vào nội đô. Mà sự ùn tắc ở đây xuất phát từ cách quản lý và ý thức của con người.”

Không chỉ người dân Hà Nội lo ngại về đề án này, một cựu Đại biểu Quốc hội là ông Lưu Bình Nhưỡng, từng viết trên Facebook của ông rằng (chúng tôi xin phép được trích nguyên văn): ‘Thu phí xe vào là bất công và chính nó gây bất bình đẳng trong chi phí xã hội, vi phạm nguyên tắc tự do đi lại và tự do kinh doanh doanh theo Hiến pháp và Luật cạnh tranh. Hơn nữa, chính hơn sáu chục trạm thu phí xe ngoại tỉnh sẽ chính là nguyên nhân của nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội.’

Tôi thì chưa thấy được hiệu quả của nó, nhưng mà trước mắt để thành lập hơn 100 trạm thu phí, thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra 2.600 tỷ để đầu tư và quá trình duy trì bộ máy như vậy.
-Luật sư Hà Huy Sơn

Nhận định thêm về vấn đề án thu phí của Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói:

“Thu phí xe ô tô cơ giới, thì chuyện đấy cũng có thể xảy ra ở một số nơi nếu tình trạng hạ tầng cơ sở giao thông chỉ có sức chịu đựng được một số lượng nhất định các phương tiện giao thông. Lúc đó có thể thu phí theo cách ví dụ như Singapore là một nước nhỏ, cũng là thu thuế hay thu phí nhưng họ thu một lần với giá rất cao, khiến cho lượng xe bị hạn chế.”

Còn ở Việt Nam, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc thu phí xe vào nội độ thành phố Hà Nội cũng là một trong những giải pháp nhưng cần phải được xem xét. Tuy nhiên, theo ông, nếu thu phí là giải pháp nhằm giải quyết lượng xe vào nội đô thì chưa hẳn mà cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ khác, ông nói tiếp:

“Nhưng vấn đề ở đây lẽ ra từ thời xa xưa, 30 năm trước chẳng hạn, khi quy hoạch thành phố thì người ta đã không tính hết. Lẽ ra lúc đấy các ông chịu trách nhiệm phải sang Bangkok, Jakarta để nhìn và quy hoạch thành phố cho ra hồn. Thật đáng tiếc là các ông ấy đã không làm như thế và tội lỗi của các ông ấy đã để lại hậu quả rất đáng tiếc năm 50-70 năm sau. Đó là một thực tế với đường xá chật hẹp và phương tiện càng ngày càng đông. Tôi nghĩ phải có một biện pháp nào đó để giải quyết chuyện này”.

Còn theo ý kiến của Luật sư Hà Huy Sơn, ông cho rằng Hà Nội muốn thành lập hơn 100 trạm thu phí thì trước mắt thành phố này cần phải nghĩ đến việc lấy tiền đâu mà nuôi bộ máy quản lý thu phí hay ngân sách nhà nước lại bù lỗ:

“Chuyện khảo sát thì tôi không biết, nhưng theo quan điểm của tôi thì việc thu phí vào nội đô thì cũng phải cần nghiên cứu theo kinh nghiệm của các thành phố của các nước khác, xem nó có mặt trái, mặt phải như thế nào? Tôi thì chưa thấy được hiệu quả của nó, nhưng mà trước mắt để thành lập hơn 100 trạm thu phí, thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra 2.600 tỷ để đầu tư và quá trình duy trì bộ máy như vậy. Không biết có hiệu quả hay không, hay ngân sách lại tiếp tục bù lỗ, chưa kể các tác động liên quan đến việc thu phí này nữa, tôi thấy là chưa tính hết được.”

Related posts