USCIRF: VN cần bảo vệ quyền tự do tôn giáo để chứng minh giá trị mối quan hệ với Mỹ

Trong thập kỷ qua, Việt Nam vẫn luôn bị đánh giá có mức độ vi phạm quyền tự do tôn giáo trầm trọng. Uỷ ban Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) khuyến nghị quốc gia độc đảng này nên thúc đẩy quyền cho tôn giáo để chứng minh giá trị thực sự của mối quan hệ đối tác với Mỹ.

Điều trần về tự do tôn giáo VN 

Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam,   vào sáng ngày 7/9 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), USCIRF đã tổ chức buổi điều trần trực tuyến về vấn đề “Những thách thức và cơ hội cho tự do tôn giáo Việt Nam”.

Ông Frederick A. Davie, Phó Chủ tịch USCIRF, phát biểu rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một rào cản đối với mối quan hệ này là sự sa sút của Việt Nam liên quan đến việc thực thi nghĩa vụ đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Ông Frederick đánh giá Luật Tôn giáo Tín ngưỡng năm 2018 tưởng như  được ban hành để cải thiện những điều khoản hạn chế các quyền tự do tôn giáo trước đây, “nhưng đáng tiếc luật này vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền cũng như nghĩa vụ của Việt Nam đối với những quyền đó.” Và đó là lý do tại sao USCIRF hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách “Theo dõi đặc biệt” vào cuối năm 2022.

Ông Eric Ueland, Ủy viên của USCIRF cho biết, hồi tháng Năm vừa rồi, ông cùng với phái đoàn của USCIRF đến làm việc và điều tra tại Việt Nam:

“Tôi ngạc nhiên trước sự phát triển kinh tế và tôi thấy Việt Nam là một quốc gia đang phát triển sôi động… nhưng sự tiến bộ này lại hiện đang bị đe dọa vì sự suy thoái tự do tôn giáo trong thời gian gần đây, như chúng tôi đã nhấn mạnh trong báo cáo thường niên năm 2023 của mình.”

Ông Eric khẳng định, USCIRF đặc biệt quan ngại về việc chính phủ Hà Nội bỏ tù nhiều người chỉ vì họ thực hành niềm tin tôn giáo của mình hoặc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam còn sử dụng các bộ luật để đàn áp một cách có hệ thống nhiều tổ chức tôn giáo độc lập và tín đồ của các tôn giáo này. Ví dụ, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2018 là một công cụ để kiểm soát và đe dọa các cộng đồng tôn giáo không được nhà nước công nhận. Bên cạnh đó, điều 331 của Bộ luật hình sự là một vũ khí để khởi tố, bỏ tù bất kỳ tín đồ nào chống lại sự quản lý tôn giáo độc quyền của nhà nước.

Bà Quỳnh Vi Trần, giám đốc điều hành tổ chức LIV và tạp chí The Vietnamese, cũng là một diễn giả trong buổi điều trần nhận định, điều quan trọng nhất mà chính phủ Việt Nam cần làm để thúc đẩy quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam là sửa đổi ngay Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2018. Bởi vì, theo bà, sẽ không thể có tự do tôn giáo thật sự nếu chính phủ giành quyền quản lý tổ chức nào sẽ được hoạt động: 

“Ví dụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Mọi người đều biết là ở Việt Nam chỉ có một Giáo hội Phật giáo được công nhận, thế thì những nhóm khác và những người phật tử tu hành tại gia thì sao? Tại sao những hành vi tín ngưỡng đó lại không được công nhận là một tổ chức tôn giáo?

Tôi nghĩ là luật Tôn giáo và Tín ngưỡng của Việt Nam cần phải được xem xét và thay đổi để tất cả những ai muốn thực hành tôn giáo đều có quyền làm theo, miễn là nó không ảnh hưởng đến xã hội và người khác.”

Khuyến nghị dành cho Hoa Kỳ

000_1UA1ME.jpeg
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là giáo hội Phật giáo duy nhất được nhà nước được cấp phép. Ảnh: AFP

Tổng thống Biden sẽ tới Việt Nam để ký thỏa thuận Đối tác Chiến lược vào Chủ nhật tuần này, USCIRF kêu gọi ông phải nêu rõ ràng và mạnh dạn đưa vấn đề tự do tôn giáo vào các cuộc đối thoại với lãnh đạo Việt Nam. Ông Eric nói:

“Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là một đối tác và một người bạn, nên khuyến khích chính quyền Việt Nam cải cách hiệu quả hệ thống pháp luật để thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, bảo vệ sự ổn định và chứng minh giá trị thực sự của mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ.” 

Một diễn giả khác tại buổi điều trần, tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho quyền tự do tôn giáo Việt Nam, đề nghị Tổng thống Biden khi đến Việt Nam cần phải có những tuyên bố về vấn đề nhân quyền và đòi hỏi một vài nhượng bộ từ chính phủ Hà Nội, dù chỉ là tạm thời, trong những trường hợp cụ thể như thả tù nhân lương tâm… 

Thứ hai, tiến sỹ Thắng cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam cần thiết phải đặt ra một khung sườn dài lâu cho sự thay đổi về thể chế:

“Ở đây không phải là thay đổi chế độ, mà thể chế trong vấn đề tôn trọng thực thi những điều ước của Việt Nam với Liên Hiệp Quốc và quốc tế về vấn đề tự do tôn giáo.

Trong khung sườn đó phải có rất rõ ràng những điều mà Việt Nam cần cải thiện, phải có chương trình hành động và có những biện pháp chế tài trong trường hợp mà Việt Nam không thực thi đúng theo cam kết. 

Phải có một cơ chế để theo dõi rốt ráo đến tận cùng mỗi sự vi phạm cũng như đánh giá sự tiến triển về những cam kết cải tổ của Việt Nam.”

Kinh tế không đi đôi với tự do

Chuyến thăm của Tổng thống Biden lần này hứa hẹn mở ra cho Việt Nam thêm nhiều cơ hội làm ăn, trao đổi thương mại với Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam nhờ đó sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa. 

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng phát triển kinh tế không có nghĩa là Việt Nam tôn trọng quyền tự do của người dân hơn:

“Việt Nam 10 năm qua có sự thay đổi đột phá về kinh tế nhưng tại sao tình hình nhân quyền vẫn đi thụt lùi và đặc biệt là tình trạng tự do tôn giáo càng ngày càng tệ hơn trong những năm gần đây? 

Thực ra thì kinh tế phát triển làm tăng thêm lực và thế cho ai, cho chính quyền, cho kẻ thống trị hay cho người dân bị trị?

Nếu như không có sự cân nhắc, không có cơ chế để theo dõi việc thực thi nhân quyền thì càng ngày chính quyền càng nắm được nhiều tài nguyên, càng có nhiều phương tiện để đàn áp nhiều hơn.

Cho nên, không hẳn là sự phát triển về kinh tế sẽ dẫn đến sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội nói chung cũng như về mặt tự do tôn giáo, nhân quyền.” 

Chia sẻ về quan điểm của mình, bà Quỳnh Vi nói bà không hy vọng việc một đất nước phát triển kinh tế thì chính phủ nước đó sẽ tự giác đẩy mạnh quyền con người:

“Tôi nghĩ rằng mọi người đều phải đứng lên đòi hỏi quyền con người của mình. Một chính phủ, nếu họ muốn thay đổi xã hội một cách tốt đẹp và ôn hòa thì họ phải lắng nghe tiếng nói của người dân, chứ tôi không nghĩ rằng nếu một chính phủ phát triển về mặt kinh tế thì họ sẽ tự động thay đổi để trở nên một xã hội có tự do và nhân quyền hơn.”

Báo cáo bổ sung về tự do tôn giáo VN

Hôm 5/9, Uỷ ban Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã ra một bản báo cáo bổ sung về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Báo cáo này nêu bật tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam sau chuyến thăm của phái đoàn USCIRF tới Việt Nam vào tháng 5/2023.

o cáo mô tả những vi phạm dai dẳng, và dường như ngày càng trầm trọng hơn và đang diễn ra một cách có hệ thống ở đất nước hình chữ S.

Trong suốt chuyến đi của mình, USCIRF nhận thấy chính luật Tôn giáo Tín ngưỡng năm 2018 được thi hành trên thực tế là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm tự do tôn giáo đang diễn ra, đồng thời gây sự mất lòng tin và bất ổn xã hội.

Các nhóm tôn giáo ở các thành phố lớn thường có được sự tự do tương đối lớn hơn ở nông thôn. Các nhóm tôn giáo độc lập, chưa được nhà nước công nhân vẫn bị đàn áp một cách khắc nghiệt. Nhiều nhóm trong số đó bị tuyên truyền là tôn giáo lạ, tà giáo”.

Những người sắc tộc bản địa theo đạo là nhóm bị nhắm đến nặng nề nhất. Các chính quyền địa phương thường xuyên sách nhiễu, đe doạ hay thậm chí là ép buộc các tín đồ người sắc tộc bản địa phải từ bỏ đức tin của mình.

Hồi tháng 5/2023, USCIRF đã công bố báo cáo chính thức về tình hình tự do tôn giáo trên toàn trên giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, quốc gia Cộng sản này vẫn nằm trong danh sách bị đề nghị quan tâm đặc biệt, cùng với 16 quốc gia khác, dù Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/2022.

Related posts