Vì sao ngành điện trì trệ?

Hôm 10/7/2023, Bộ Công thương Việt Nam hoàn thành kết luận thanh tra việc cung ứng điện của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN.) Bản kết luận thanh tra này cung cấp nhiều thông tin về tình trạng ngành điện Việt Nam. Truyền thông trong nước có tường trình nhưng không nêu đầy đủ về bản kết luận này. Văn bản này cũng không nhắc đến những điểm thắt nút có tính chiến lược đang hạn chế sự phát triển của ngành điện ở Việt Nam. RFA trao đổi với một số nhà nghiên cứu về các vấn đề của ngành điện Việt Nam căn cứ trên những thông tin của chính bản kết luận thanh tra này. 

Lệch quan hệ cung cầu  

Nhà nghiên cứu Việt Hoàng ở Tp. HCM nhận xét rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện từ tháng 5, 2023 đến nay ở miền Bắc Việt Nam. Đó là những nguyên nhân khách quan như chi phí nhiên liệu than nhập khẩu tăng (gây thua lỗ cho EVN), hạn hán gây thiếu hụt sản lượng điện thủy điện, sự quá tải của hệ thống truyền tải Bắc Nam 500kW. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt năng lượng nêu trên còn có những nguyên nhân chủ quan nữa. Đó là sự mất cân đối trong quy hoạch vùng, miền và cơ cấu nguồn điện phía Bắc. Ở phía Bắc, phần lớn nguồn điện là nhiệt điện than và thủy điện. Đây là hai nguồn điện thiếu ổn định và có nhiều rủi ro: thủy điện bị ảnh hưởng khi mất nguồn nước, còn nhiệt điện than bị ảnh hưởng khi giá than nhập khẩu tăng. 

Bản kết luận thanh tra cho biết, “Cuối tháng 5 năm 2023, các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà về gần mực nước chết, ảnh hưởng đến việc sẵn sàng phát điện, cung cấp điện cho hệ thống điện; chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình giữ được mực nước cao sẵn sàng phát điện đáp ứng điều chỉnh tần số của hệ thống điện và cung cấp điện miền Bắc.”

So sánh với một số nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia, nhà nghiên cứu Việt Hoàng chỉ ra là công suất nguồn điện của Việt Nam (khoảng 80 ngàn MW), đang đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia, và cao hơn hơn Thái Lan (khoảng 55.000MW), Malaysia (khoảng 50.000MW). Việc phụ thuộc đáng kể vào điện than lý giải cho việc EVN lỗ nặng 2 năm qua trong mùa dịch Covid, do phải nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, giá cao gấp 3 lần so với trước dịch bệnh (phải mua hơn 300 USD/tấn).

Méo mó quan hệ cung cầu 

Bản kết luận thanh tra EVN cũng cho thấy hai vấn đề lớn. Một là, tại miền Bắc, hầu như không có nguồn cung điện mới. Nguồn cung điện chủ yếu đến từ miền Trung và miền Nam. Hai là, mặc dù điện miền Bắc cần được bổ sung phụ tải bằng cách truyền tải từ các nguồn điện dư thừa ở miền Trung, miền Nam, đường dây truyền tải từ Nam ra Bắc cũng chỉ có giới hạn. Như vậy, cả việc phân bố nguồn cung phát điện và bảo đảm năng lực cho đường dây truyền tải điện đều có vấn đề bất ổn. 

Bản kết luận thanh tra cho biết, “lưới điện 500kV từ miền Nam ra miền Trung đã hình thành 4 mạch đường dây 500kV hiện đáp ứng yêu cầu vận hành (giới hạn truyền tải khoảng 4000-4500 MW).” Tuy nhiên, đoạn tiếp theo, từ Trung ra Bắc thì “nút thắt nằm ở cung đoạn 500kV Vũng Áng, Hà Tĩnh – Nghi Sơn 2 – Nho Quan” với năng lực truyền phụ tải không đáp ứng được nhu cầu. Bản kết luận cho biết “để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc thời điểm nắng nóng, với tình hình vận hành tải cao, đã xuất hiện một số điểm phát nhiệt của dao cách ly tại một số trạm biến áp 500kV, các điểm phát nhiệt này đã được EVNNPT khẩn trương tập trung xử lý kịp thời.”

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, cũng từng nêu vấn đề trên truyền thông trong nước hồi tháng 5, 2023, rằng mạng lưới đường dây truyền tải “có những thời điểm vẫn phải truyền tải tới 2.600MW, trong khi để lưới truyền tải vận hành an toàn chỉ quanh mức 2.200MW.” Theo ông Sơn, trong những năm tới, khi vấn đề này còn chưa được giải quyết, đây sẽ là khó khăn rất lớn cho Việt Nam. 

Nguyên nhân trì trệ: EVN độc quyền cả ba mảng ngành điện 

Ngành điện lực có 3 hệ thống: hệ thống phát điện, hệ thống truyền tải điện (từ nơi phát điện đến khu vực có nhu cầu) và hệ thống phân phối (đến từng khách hàng cụ thể.) 

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân trì trệ của ngành điện ở Việt Nam là do tình trạng độc quyền. Vấn đề “độc quyền” ở đây không phải là chỉ có một mình EVN tham gia thị trường điện. Thực tế nhiều năm nay đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào mảng sản xuất điện. Nút thắt cổ chai của tình trạng độc quyền nằm ở chỗ EVN nắm cả 3 mảng của ngành điện: phát điện, truyền tải điện và phân phối điện. 

Bản kết luận thanh tra ngành điện cho thấy EVN nắm cả 3 hệ thống nói trên. Trong đó, mảng phát điện ngoài EVN có vai trò chính, đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp khác như PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), các đối tác trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, EVN độc quyền ở hai hệ thống là truyền tải điện và phân phối điện. 

Toàn bộ nguồn điện phát ra từ các nhà máy điện sẽ phải đi qua hệ thống truyền tải để cung cấp điện cho hệ thống phân phối. Đối với hệ thống truyền tải, EVN năm 100%. Và EVN cũng năm độc quyền 100% hệ thống phân phối điện. Bằng cách nắm hai hệ thống truyền tải và bán lẻ, EVN kí hợp đồng mua điện độc quyền với các nhà sản xuất khác để bán lại cho người tiêu dùng trong toàn xã hội. 

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc EVN kiểm soát chính cả 3 mảng (hệ thống) đã gây ra tình trạng trì trệ của ngành điện và khiến nó không thể phát triển linh hoạt. 

Nhà nghiên cứu Việt Hoàng nhận xét rằng trong cơ cấu vận hành nói trên, giá bán điện sẽ là giá phát điện cộng với chi phí truyền tải. Còn khi phân phối ra toàn xã hội, EVN sẽ tính thêm phần lợi nhuận cộng thêm thuế, thành giá (bán lẻ) điện phân phối. Do chiến lược phát triển và bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giá bán lẻ điện bình quân từ EVN ra xã hội được duy trì ở mức 9 USCent/ kWh (~ 1.850 Đồng/kWh). Sau khi bị lỗ lớn, EVN và Bộ Công Thương đề nghị tăng giá nhưng Chính phủ không chấp thuận với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội như nêu ở trên đây.

Việc chia tách ngành điện thành 3 mảng (hệ thống) là sản xuất điện, truyền tải điện, và phân phối điện là cơ chế phổ biến ở các nước phát triển. Cơ chế này giúp cho ngành điện phát triển lành mạnh. Tuy vậy, không dễ để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển do vấn đề không đơn giản. Ở phần tiếp theo, RFA phỏng vấn TS. Nguyễn Quang A ở Hà Nội về mô hình quản lý “chẻ ngành điện làm ba”, một mô hình tất yếu do đặc thù của ngành điện tạo ra. 

Related posts