Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm trong mắt người dân Hà Nội

Tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, một đơn vị hành chính cấp huyện là quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập. Việc sáp nhập sẽ được xem xét sao cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương, trong đó quan trọng là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, có diện tích tự nhiên khoảng 5,35 km2 (quy định đối với quận là 35 km2), quy mô dân số là 213.000 người (quy định 150.000 người). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sắp xếp theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm được nhiều cư dân mạng xã hội bàn tán. Một số người cho rằng phải sáp nhập để giảm bớt đơn vị hành chính, giảm bớt nhân sự hưởng lương nhà nước. Một số người khác lại muốn giữ lại cái tên Hoàn Kiếm vì nó có yếu tố văn hóa, lịch sử trong đó.

Là một người dân thủ đô, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 2/8/2023:

“Theo tôi thì không nên sáp nhập chỉ vì diện tích và dân số nhỏ mà sáp nhập. Nên giữ lại quận Hoàn Kiếm và vun đắp những di tích lịch sử và phát triển về kinh tế của quận này. Nếu quận Hoàn Kiếm có các cao ốc, các trung tâm về công nghệ thông tin, kinh tế số thì quận Hoàn Kiếm hoàn toàn có thể trở nên một nơi rất sầm uất. và khi đó, quận Hoàn Kiếm vừa là di tích về mặt lịch sử, vừa là trung tâm hành chính và kinh tế của thủ đô.”

Theo Chủ tịch Hà Nội, việc quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 mới chỉ là số liệu rà soát, chưa phải phương án sắp xếp. Theo quy trình, Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể, sau khi được phê duyệt thì tiếp tục làm phương án cụ thể, sau đó các cơ quan chức năng sẽ xem xét có quyết định sắp xếp lại đơn vị hành chính đó hay không.

Với người dân, khi tiếp xúc với các cơ quan quản lý, ngoài những dịch vụ dân sinh họ được hưởng ra, người dân không quan tâm nhiều đến việc sáp nhập hay không, bởi nó chẳng khác gì. Còn nếu quản lý không tốt thì dù có sáp nhập hay không dân cũng không hài lòng. – Bà Phạm Quỳnh Hương

Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương, với tư cách một người dân Hà Nội, nói với RFA rằng, bà cho đây là kiểu ‘ném đá dò đường’ xem phản ứng của công luận ra sao. Bà nói thêm:

“Tôi cũng không rõ về mặt quản lý đô thị, khi sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào một quận khác thì nó có hiệu quả hơn hay không. Nhưng tôi nghĩ, mọi việc phụ thuộc vào kỹ năng quản lý, chứ nó không có ý nghĩa nhiều về mặt địa lý đối với người dân.

Với người dân, khi tiếp xúc với các cơ quan quản lý, ngoài những dịch vụ dân sinh họ được hưởng ra, người dân không quan tâm nhiều đến việc sáp nhập hay không, bởi nó chẳng khác gì. Còn nếu quản lý không tốt thì dù có sáp nhập hay không dân cũng không hài lòng.”

Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã thực hiện việc sáp nhập 21 huyện và 1.056 xã. Qua đó giảm được tám huyện và 561 xã, giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, 33 đơn vị cấp huyện và 1.327 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp lại.

Cách đây 15 năm, tháng 5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính thànhphố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, thủ đô bao gồm: Hà Nội, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Sau sáp nhập, Hà Nội rộng hơn 3.300 km2 và được cho nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới. 

000_338U8UP.jpg
Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cuối tháng 7 năm 2023, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành uỷ Hà Nội cho biết, từ 2008 đến nay, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của Hà Nội đạt nhiều thành tựu nổi bật, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Tháng 8 năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân chia 63 tỉnh, thành cả nước thành sáu vùng kinh tế – xã hội, bao gồm: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vùng Tây Nguyên gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Vùng Đông Nam Bộ gồm sáu tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Do đó, tôi thấy xu hướng giảm đầu các đơn vị hành chính, giảm tỉnh, giảm huyện, giảm quận, giảm xã là xu hướng cấp thiết và rất nên được ủng hộ. Việc sáp nhập như vậy là phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống và phù hợp để bảo đảm phần chi cho phát triển đất nước. Chúng tôi đỡ phải nuôi rất nhiều cán bộ. – Ông Vũ Minh Trí

Cựu trung tá Vũ Minh Trí, một người dân Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA về việc sắp xếp các vùng địa lý nhằm giảm tối đa nhân sự nhà nước. Ông nói:

Ở Việt Nam có đặc điểm tồn tại từ nhiều chục năm qua. Đó là bên cạnh các cơ quan hành chính nhà nước còn có các cấp ủy đảng, tức những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các cơ quan của đảng cũng có từ trung ương cho đến cấp xã, thậm chí đến tổ dân phố. Rồi các đoàn thể chính trị xã hội như Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh… đều có một số thành phần được biên chế được hưởng phụ cấp, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Điều đó dẫn đến tỷ lệ số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước so với tổng số dân là rất cao. Cho nên, ở hầu hết các tỉnh ở Việt Nam, cái phần chi để phát triển như điện, đường, trường, trạm, bệnh viện…rất ít, thậm chí không còn. Vì thế đất nước rất khó phát triển.

Do đó, tôi thấy xu hướng giảm đầu các đơn vị hành chính, giảm tỉnh, giảm huyện, giảm quận, giảm xã là xu hướng cấp thiết và rất nên được ủng hộ. Việc sáp nhập như vậy là phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống và phù hợp để bảo đảm phần chi cho phát triển đất nước. Chúng tôi đỡ phải nuôi rất nhiều cán bộ”.

Theo tính toán của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ vào năm 2018, số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người. Với dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, bình quân cứ chín người Việt Nam phải nuôi một người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Related posts