Việt Nam, Ấn Độ, Mông Cổ: xoay chuyển chính sách để đối phó với Trung Quốc

Việt Nam đang được chú ý trên truyền thông quốc tế vì chuyến thăm ngày 10 tháng 9, 2023 sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Hai nước được cho là sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện”. Theo TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute, bước đi này của Việt Nam tương tự như Mông Cổ và Ấn Độ vì cả ba nước Việt Nam, Ấn Độ, Mông Cổ đều có một lịch sử đối ngoại khá giống nhau. 

Mông Cổ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ từ ngày 02 tháng 08, 2023. Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Mông Cổ tập trung vào hợp tác kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ, và tăng cường hợp tác an ninh. Cùng lúc đó, Nhật Bản cũng có một kế hoạch hợp tác an ninh với Mông Cổ. Trả lời câu hỏi của RFA về việc kế hoạch hỗ trợ an ninh cho Mông Cổ của Nhật Bản có liên quan đến quan hệ Mỹ-Mông Cổ hay không, Tiến sỹ Nagao Satoru khẳng định Nhật Bản và Hoa Kỳ có chung lợi ích trong nhiều mặt, trong đó có việc viện trợ cho Mông Cổ, do đó các bước đi này đều có liên quan với nhau. Tương tự như Mông Cổ, Việt Nam cũng là láng giềng của Trung Quốc, sắp sửa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và cũng được Nhật Bản đưa vào nhóm sáu nước nhận Viện trợ An ninh Chính thức năm 2024.  

TS. Nagao Satoru chỉ ra rằng việc tăng cường viện trợ cho Mông Cổ cũng là một hậu quả của cuộc chiến Ukraine. Nếu Nga không xâm lược Ukraine, có khả năng Mỹ – Nhật và Nga sẽ hợp tác chống Trung Quốc. Trong Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên Xô, cả Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác với nhau để kiềm chế Liên Xô từ những năm 1970. Một mô hình tương tự có thể xảy ra vào thời điểm ngày nay. Nếu có thể tổ chức được thế trận đó, Mông Cổ là một địa điểm quan trọng phía Bắc để kiềm chế Trung Quốc. Biên giới phía Bắc của Bắc Kinh bằng phẳng và xe tăng dễ dàng chạy tới Bắc Kinh. Đối với an ninh của Trung Quốc, đó có thể là khu vực bị hở sườn. 

Ngoài ra, Mông Cổ còn mong muốn được độc lập trước các cường quốc quá lớn: Nga và Trung Quốc. Do đó, hợp tác Nhật – Mỹ – Mông Cổ có thể giúp đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, theo TS. Nagao, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, dưới sự hợp tác Nga-Trung hiện nay, nền ngoại giao của Mông Cổ bị bao vây bởi cả Nga và Trung Quốc. Mông Cổ khó thể thoát khỏi họ. Mông Cổ mong muốn thoát khỏi tình thế này để độc lập khỏi Nga và Trung Quốc nhưng quyền tự do của họ vẫn bị hạn chế.

Ngay cả trong tình huống hiện nay như vậy, Mông Cổ vẫn rất quan trọng. Ông Nagao Satoru so sánh tầm quan trọng của những nước “chơi với cả hai bên” trong các mối quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn: Trong Chiến tranh Lạnh, Pakistan có quan hệ ngoại giao chính thức với cả Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, vào những năm 1970, Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc qua ngả Pakistan, bằng cách sử dụng máy bay của Tổng thống Pakistan để sắp xếp chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc. Tương tự như vậy, Mông Cổ có thể đóng vai trò là cầu nối khi nước này có quan hệ với cả hai bên. Và nước này cũng có thể làm cầu nối để Nhật – Mỹ đàm phán với Bắc Triều Tiên. Vì vai trò như vậy của Mông Cổ nên Nhật – Mỹ vẫn nhất quyết duy trì mối quan hệ với nước này.

Một số học giả cho rằng Việt Nam ngần ngại nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ vì Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc. Việt Nam cần cẩn thận để không chọc giận Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ đề nghị Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược từ năm 2011 nhưng phải đến năm 2023 mới được thăng cấp. 

Tuy nhiên, Mông Cổ là một quốc gia nhỏ với diện tích 1.564.116 km2, dân số chỉ 3,3 triệu người. người và GDP khoảng 17 tỷ USD. Mông Cổ là nước láng giềng phía bắc của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mông Cổ. RFA đặt câu hỏi với TS. Nagao Satoru rằng liệu động thái của Mông Cổ có chọc giận Trung Quốc và gây tổn hại đến an ninh của Mông Cổ? Và các học giả có thể so sánh hai chính sách đối ngoại của Việt Nam và Mông Cổ như thế nào? Ông Nagao Satoru nhận xét rằng động thái ngoại giao của Mông Cổ và Việt Nam, thậm chí có thể kể thêm cả Ấn Độ trong trường hợp này là giống nhau. Bởi vì Việt Nam, Mông Cổ và Ấn Độ đều có chung một hoàn cảnh, dù giữa họ vẫn có những điểm khác biệt cơ bản.

Tất cả các quốc gia này đều có chung đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, trước đây cả ba nước đều chọn liên minh với Liên Xô. Đó là điểm giống nhau căn bản của họ. 

Thế rồi sau khi Liên Xô sụp đổ, họ phải đối mặt với một số vấn đề nan giải. Ông Nagao phân thích hai nghịch lý cơ bản mà họ phải giải quyết. 

Vấn đề nan giải thứ nhất là vừa không gây xung đột với Trung Quốc vừa phải né tránh sự cản trở của Trung Quốc không muốn họ tăng cường hợp tác với các đối tác mới. Khi họ hợp tác với các đối tác mới, những sự hợp tác này có thể đẩy Trung Quốc đi quá xa, làm tăng khả năng Trung Quốc gây hấn với ba nước này. Khi Ấn Độ ký kết hợp tác thương mại chính thức với Đài Loan năm 2019 thì sau đó Trung Quốc đã phát động một cuộc xung đột biên giới nhỏ với Ấn Độ. 

Vấn đề nan giải thứ hai liên quan đến Mỹ. Bởi vì mối quan hệ của cả Việt Nam, Ấn Độ và Mông Cổ với Mỹ trước đây không tốt nên họ ngần ngại trở thành đồng minh chính thức của Mỹ. Nhưng nếu họ không phải là đồng minh chính thức của Mỹ thì không có đảm bảo pháp lý nào rằng Mỹ sẽ giúp họ tự vệ.

TS. Nagao chỉ ra là trong tình hình như vậy, cả ba nước này đã tiến hành các bước vận động ngoại giao rất thận trọng, chậm rãi nhưng chắc chắn. Cả ba nước đều hợp tác cùng lúc với Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ. Cả 3 nước này đều lo lắng về hợp tác quân sự với Mỹ vì hợp tác quân sự có thể khiến Trung Quốc phản ứng. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của sự hợp tác chậm mà chắc này chính là hợp tác mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn với các nước lâu nay đứng về phía Mỹ. Trong tình hình hiện nay, nếu có một quốc gia nào có thể giành chiến thắng nếu bị Trung Quốc xâm lược thì đó là Mỹ và các đồng minh. Vị chuyên gia về an ninh quốc tế ở Hudson Institute nhận xét rằng vì Mỹ có thể thắng nên Mỹ và các đồng minh có thể răn đe Trung Quốc, do đó, nếu Mông Cổ, Việt Nam và Ấn Độ muốn răn đe Trung Quốc để ngăn ngừa chiến tranh từ xa, họ sẽ phải tăng cường hợp tác với Mỹ và các đồng minh.

Related posts