Việt Nam cần ứng phó ra sao khi biến thể Omicron lan đến Đông Nam Á?

Hôm 14 tháng 12 năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy. Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết, biến thể Omicron được xác định lần đầu tại Nam Phi vào tháng 11 đã lan ra 77 quốc gia/vùng lãnh thổ, và có lẽ đã có mặt ở rất nhiều nước trên toàn thế giới nhưng chưa được phát hiện.

Riêng ở Đông Nam Á, các nước đã ghi nhận sự có mặt của biến thể Omicron là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia. Riêng Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào và hiện kiểm soát chặt đường biên giới với các nước giáp ranh có biến chủng Omicron.

Cũng ngày 14 tháng 12, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành khẩn kế hoạch xây dựng thế trận ứng phó với biến chủng mới với nhiều giải pháp. Theo đó, các giải pháp được đề xuất bao gồm tăng cường giám sát, kiểm dịch tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải, giám sát bằng xét nghiệm sớm các ca nhiễm biến chủng mới, tất cả các ca nhiễm Omicron phải được chuyển vào bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, cập nhật thông tin trên thế giới về Omicron, đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin liều bổ sung, chuẩn bị kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện.

Theo nhận định của bác sĩ Phạm Ngọc Thắng thì Việt Nam đã học được bài học lớn từ đợt bùng phát dịch thứ tư nên sẽ có hướng chống dịch tốt hơn, nếu biến thể Omicron lan rộng ở Việt Nam. Ông nói:

“Cách họ cư xử với dịch tồi quá. Cư xử giữa con người với nhau trong cộng đồng, với dịch bệnh một cách rất võ đoán, phiến diện và phản khoa học cho nên hậu quả quá nặng. Bài học này quá lớn nên đã được rút kinh nghiệm nhiều.

Đến bây giờ, con số mấy chục ngàn người chết do chủng Delta, chết do chủng Alpha, chết do bệnh lý cơ hội hay chết do các bệnh nền thì đến nay chưa rõ ràng. Nhưng có một cái rõ ràng là khi xã hội mở cửa, không còn người với người là pháo đài; nhà với nhà là pháo đài; phường với hường là pháo đài… rồi nhiều áp đặt cứng nhắc, phản khoa học, vi phạm nhân tính…nói thẳng là lỗi ứng xử đối với dịch bệnh.

Tôi nghĩ là bài học này nó quá đau xót rồi. Ngày hôm nay đã có những biện pháp thích ứng nên cũng không lo. Tôi là bác sĩ, tôi có thể nói chủng nào càng lây nhanh thì độc tính nó càng nhẹ.”

Một nghiên cứu sơ bộ của Đại học Hồng Kông cho thấy, biến thể Omicron lây nhiễm nhanh hơn khoảng 70 lần so với chủng Delta và chủng COVID-19 ban đầu. Nghiên cứu phát hiện ra rằng biến thể sao chép kém hiệu quả hơn – thấp hơn 10 lần – trong mô phổi của con người. Điều này có thể báo hiệu mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp hơn, đặc biệt là ở những người được tiêm chủng.

Việt Nam đã trải qua bốn đợt dịch COVID-19 với tổng số người chết tính đến nay đã hơn 29.000 ca. Nặng nhất là đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến cuối tháng 10 năm 2021 chiếm hầu hết số tử vong.

Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, chính quyền liên tục bị chỉ trích trên mạng xã hội cũng như báo chí nhà nước về các chính sách sai lầm cả về mặt khoa học, y tế lẫn hành chính, thậm chí vi hiến trong chống dịch.

Mấy hôm nay, một số báo chí Nhà nước đăng tải thông tin cho hay, một nhóm nghiên cứu dự báo từ nay đến cuối tháng 3 năm 2022 có thể sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới diễn ra. Độ lớn của làn sóng dịch này phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực thi biện pháp phòng chống dịch của TP.HCM. Theo nhóm nghiên cứu, các ước tính chỉ dựa vào giả định tạm thời, vì hiện chưa rõ độc lực và hiệu quả của vắc-xin hiện có với biến thể Omicron nên chưa đủ bằng chứng khoa học.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho đây là sự cảnh báo để thành phố có những cách ứng phó kịp thời với biến chủng mới Omicron ngay từ bên ngoài chứ không đợi lọt vào thành phố mới ứng phó.

Trong khi đó, Bộ Y tế Việt Nam lại thừa nhận thiếu nguồn cung oxy trong khi các ca nhiễm COVID-19 tăng khiến người dân hoang mang.

Đại diện một công ty cung ứng oxy lỏng chia sẻ với báo Tuổi Trẻ rằng: “Hiện tại khu vực miền Nam chỉ còn một số doanh nghiệp chuyên cung cấp oxy cho y tế là không thể kham nổi và dự báo sẽ thiếu hụt nếu không có giải pháp điều tiết oxy lỏng một cách dài hơi cho y tế để cứu người bệnh từ các cơ quan quản lý.”

Bác sĩ Võ Xuân Sơn viết trên facebook cá nhân của ông rằng: “Về nguyên tắc, các cơ sở y tế cần tham gia vào hoạt động chống dịch. Nhưng, với những chiêu thức đối xử với y tế tư nhân hiện nay, ít nhất là cơ sở của chúng tôi, sẽ chẳng biết phải chuẩn bị ra sao. Nếu có, là chuẩn bị cho giải thể, trong đó có cả giải thể các chương trình từ thiện. Dự là nếu thực sự có đợt bùng dịch nữa, nó sẽ khốc liệt hơn nhiều so với cách đây vài tháng.”

Một số chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch mới là chiến dịch tiêm vắc-xin.

Bác sĩ Đinh Đức Long bày tỏ sự lạc quan bởi Việt Nam hiện đã có nhiều vắc-xin ngừa COVID-19 nhờ chính sách ngoại giao vắc-xin thành công:

“Thực tế có thể là biến thể này đã vào Việt Nam nhưng chưa phát hiện ra. Khi đã phát hiện ra thì nó đã nhiều rồi. Đừng nói là không có vì nói thế là chủ quan. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều vắc-xin. Ngoại giao vắc-xin thắng lợi to.

Theo tôi được biết, số vắc-xin Mỹ viện trợ cho Việt Nam chiếm 1/3 số vắc-xin Mỹ viện trợ cho các nước Đông Nam Á. Dù biến chủng gì thì đối với virus chỉ có vaccine thôi. Phủ sóng vắc-xin  cộng với 5K thì nó sẽ hạn chế chứ không thể đóng cửa như lần trước được nữa.

Thứ nhất họ đã phải trả giá và rút ra bài học. Thứ hai, họ lo được chuyện vắc-xin. Thế là mừng rồi. Lo thì vẫn phải lo nhưng cũng chỉ đến vắc-xin và 5K chứ không thể làm gì hơn nữa.”

Hôm 8 tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra văn bản yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt toàn ngành thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, chậm nhất đến cuối năm nay phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên. Địa phương nào không hoàn thành mục tiêu này thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tác giả Nguyễn Hồng Vũ vào ngày 17 tháng 12 có bài viết trên Mạng báo Tiếng Dân nêu ra ba công tác cần làm hiện nay. Đó là sử dụng thuốc điều trị COVID-19 cho đúng đối tượng; khuyến khích tối đa những ca bệnh nhẹ điều trị tại nhà; tăng cường, ưu tiên chích vắc-xin cho những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao.

 

Related posts