Việt Nam được đánh giá tăng trưởng dương tại khu vực Đông Nam Á: người dân được hưởng lợi gì?

Tăng trưởng dương

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2020 và Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay.

Nội dung vừa nêu được Oxford Economics dự đoán trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” do công ty này thực hiện.

Oxford Economics được nói là công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích định lượng và dự báo toàn cầu.

Trao đổi với RFA tối 17/9, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:

“Tôi thấy các tổ chức quốc tế hiện nay có đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, ADB có đánh giá Việt Nam tăng trưởng 1,8%, các dự báo khác của IMF cũng dự báo tăng khoảng 2,3%. Đấy thể hiện nỗ lực của Việt Nam kiểm soát được COVID-19 và đang nỗ lực để vừa kiểm kiểm soát được dịch bệnh vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Ở đây thì phải nói tới đóng góp rất tích cực của nông nghiệp Việt Nam cả về bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu. Còn xuất khẩu thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có đóng góp đáng kể trong việc bảo đảm xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng.”

Chính phủ Hà Nội đầu năm 2020 đưa ra chỉ tiêu GDP 6,7% cho cả năm. Sau khi dịch bệnh viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 lây lan trong cả nước, các lãnh đạo đã điều chỉnh xuống 5%, đến tháng 5 vừa qua đã điều chỉnh xuống 3-4% và vẫn đang giữ mục tiêu này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính hiện đang sinh sống tại Hà Nội, với mức độ tăng trưởng dự báo là 2,3% thì Việt Nam có khả năng đạt được. Theo ông, chỉ tiêu Hà Nội đạt được chỉ ở khoảng mức 2% nên với dự báo 2,3% thì chính phủ đang đi sát với thực tế, còn mức 3-4% thì chính phủ hơi lạc quan. Ông nói thêm:

“Mức 2,3% thì có lẽ so với nhiều nước xung quanh là mức lạc quan vì chẳng hạn như Singapore thì họ dự báo tăng trưởng âm, còn nếu mình vẫn tăng trưởng ở mức không đạt được 6,8% như chính phủ và quốc hội đề ra vào cuối năm ngoái, thì đó (2,3%) là mức rất thấp trong vòng mười mấy năm qua. Dù sao đi nữa thì cả thế giới bị dịch bệnh, không phải chỉ có Việt Nam, thành ra nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng âm và cả thế giới GDP toàn cầu có thể -5%, mình còn +2,3% thì đây là điều tích cực.”

Lợi ích tăng trưởng dương

Đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới. Theo thống kê từ Oxford Economics, Coronavirus đã làm GDP toàn cầu giảm khoảng 9% trong nửa đầu năm 2020, gấp ít nhất 3 lần mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Riêng tại Đông Nam Á, ảnh hưởng của dịch bệnh này được tờ báo Nation của Thái Lan cho biết đã gây ra cú sốc tăng trưởng lớn nhất cho Đông Nam Á kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Theo đó, tăng trưởng khu vực được dự báo sẽ giảm 4,2% vào năm 2020.

Hình minh hoạ. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Đà Nẵng hôm 3/8/2020
Reuters

Tuy nhiên, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, các hoạt động kinh tế tại khu vực Đông Nam được đánh giá đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Dù vậy, tốc độ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 giữa các nước sẽ có khác biệt do còn phụ thuộc vào việc nới lỏng các hạn chế cấm vận và cải thiện nhu cầu xuất khẩu.

Trong báo cáo Báo cáo của Oxford Economics, Việt Nam được nhận xét rằng đang sở hữu triển vọng phục hồi sáng nhất so với các nước trong khu vực nhờ việc kiểm soát dịch COVID-19 rất hiệu quả cho tới lúc này.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 11/9 cho biết trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có hơn 24.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động đang chờ làm thủ tục giải thể và 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản.

Theo thống kê được ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho báo quốc nội biết, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, với tăng trưởng GDP được dự đoán ở mức 2,3% thì Việt Nam hy vọng sẽ kiểm soát được nạn thất nghiệp:

“Hiện nay thất nghiệp ở Việt Nam đã khá nghiêm trọng do việc giãn cách xã hội và do sức mua giảm sút nên không chỉ có các công nhân làm việc trong các doanh nghiệp mà tỉ lệ các hộ gia đình, tức ở khu vực kinh tế phi chính thức cũng gặp khó khăn, không thể tiếp tục kinh doanh. Vì vậy số người thất nghiệp hoặc giảm thu nhập là một gánh nặng khá lớn trong nền kinh tế. Nên nỗ lực của Việt Nam sắp tới đây là làm sống lại nền kinh tế và làm cho các hộ gia đình tiếp tục kinh doanh và hoạt động để có thể tạo thu nhập cho khu vực kinh tế phi hình thức này.”

Với nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, chính phủ Hà Nội đã ban hành lệnh giãn cách toàn xã hội vào tháng 4 khiến nền kinh tế bị đình trệ.

Đến cuối tháng 7, dịch bệnh lại bùng phát tại Đà Nẵng, nhưng trong lần này, chính phủ không ra lệnh giãn cách toàn xã hội nữa mà để cho chính quyền các tỉnh, thành tự quyết định dựa trên thực trạng lây nhiễm tại địa phương. Với cách làm vừa nêu, tình hình kinh tế được nhận định dù vẫn bị ảnh hưởng nhưng không gây nhiều thiệt hại như lần trước.

Anh Sang Nguyễn, một người dân bị mất việc từ tháng 4 đến nay trao đổi qua Facebook Messenger cho biết tình hình bản thân:

“Dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng kinh tế vẫn ảm đạm lắm. Công ty vẫn chưa kêu nhân viên đi làm lại, để có thể trả tiền thuê nhà và tiền sinh hoạt, anh phải bán hàng online nhưng vẫn không khá hơn, tiền tiết kiệm được cũng đã xài hết rồi.”

Theo quan điểm cá nhân, Nhạc sĩ Lê Thiệu đang làm nghề tự do cho hay ông không quan tâm gì đến GDP hay tăng trưởng kinh tế:

“Trong các ngành nghề tự do trong xã hội thì không thấy có một lợi ích gì về tăng trưởng GDP nhà nước thông báo, mức sống ngày càng khó khăn hơn, phải làm việc nhiều hơn, đồng tiền Việt Nam tuột giá. Ví dụ như muốn giữ được mức thu nhập đó phải làm việc nhiều hơn, kể cả về công sức hoặc thời lượng mới mong giữ được mức thu nhập để đủ sống. Vấn đề GDP thì tôi không tin vào sự tăng trưởng, trong giai đoạn này nếu giữ được sự bình ổn thì quá tốt rồi làm gì có tăng trưởng. Đó là ý kiến cá nhân tôi, còn chuyện nhà nước thông báo thì chịu, không kiểm chứng được, họ muốn thông báo thế nào thì thông báo.”

Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, việc tăng trưởng dương dù không trực tiếp giúp các doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đem đến lợi ích nhất định:

dabfc6eb-c8b1-4241-951c-5789f683eeac
Ảnh minh hoạ. Quán cà phê ở TP.HCM đóng cửa vì dịch COVID-19 hôm 28/3/2020.
Reuters

“Đương nhiên khi GDP tăng trưởng thì kinh tế tăng trưởng, kinh tế tăng trưởng có thể từng doanh nghiệp cụ thể không tăng trưởng hoặc không được lời nhưng nhìn toàn cục thì GDP tăng trưởng thì các doanh nghiệp phải góp phần mới tăng trưởng được, người dân có lợi hơn. Tăng trưởng được phần trăm nào thì người dân sẽ đỡ khổ hơn phần trăm đó.”

Trước những thực trạng mà người dân và doanh nghiệp vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu ra ba yếu tố duy trì lực lượng lao động và tăng trưởng dương mà chính phủ Hà Nội nên xem xét:

“Yếu tố thứ nhất là chúng ta giải ngân các dự án đầu tư công để tạo ra công ăn việc làm và là động lực phát triển kinh tế. Khi chính phủ giải ngân những dự án như thế là một động lực cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm cho người lao động. Nhưng không thể chỉ qua đầu tư công mới có thể tạo công ăn việc làm, vì đầu tư công trong đó có xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu cống, đường sá, tất cả những cơ sở hạ tầng như thế chỉ có thể tuyển dụng được một phần lao động, còn phần lớn lao động vẫn phải nằm trong tay các doanh nghiệp. Thành ra thứ hai là hỗ trợ các doanh nghiệp để họ duy trì lao động để không xảy ra việc sa thải lao động một cách đại trà. Thứ ba là tạo ra công ăn việc làm mới cho giới lao động thất nghiệp vì những nguời thất nghiệp như thế cần được tái đào tạo và tìm công ăn việc làm cho họ. Một trong những điều quan trọng là Việt Nam đang đi vào nền công nghệ kinh tế chuyển đổi số, có nghĩa là sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để điều hành doanh nghiệp và cả chính phủ. Một số lực lượng lao động để có thể được tuyển dụng trong lĩnh vực đó phải được đào tạo và tái đào tạo.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng +2,3% thì rất nhiều doanh nghiệp dù không ăn nên làm ra như năm 2019 nhưng doanh nghiệp vẫn tồn tại được, đặc biệt với người lao động. Theo ông, có một số người sẽ mất công ăn việc làm, thu nhập giảm, nhưng tăng trưởng dương cũng giúp những người dân khác vẫn còn giữ được công ăn việc làm.

Tiến sĩ Hiếu nhận định có thể tỉ lệ thất nghiệp tại đất nước hình chữ S mặc dù tăng lên trong năm 2020 nhưng nhìn chung vẫn đang ở trong vùng kiểm soát được.

Related posts