Việt Nam phản ứng thế nào trước thuế quan của Mỹ?

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa mới công bố mức thuế quan 46% áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trong những nước bị đánh thuế nặng nề nhất thế giới.

Việt Nam có nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào thương mại, kim ngạch xuất-nhập khẩu tương đương với 165% GDP vào năm 2024 theo số liệu của WTO, trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, chiếm khoảng một phần ba.

Việc phải hứng chịu mức thuế cao lên đến 46% đã tạo ra chấn động không chỉ với nền kinh tế Việt Nam, mà còn khiến giới lãnh đạo chính trị phải hành động ngay lập tức.

Thị trường phản ứng dữ dội

Mức thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt lên Việt Nam được công bố lúc 16h ngày 2 tháng 4 giờ miền đông Hoa Kỳ, lúc đó ở Việt Nam đang là 3h sáng ngày 3 tháng 4.

9h sáng ngày 3 tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa và chứng kiến làn sóng bán tháo chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tới cuối ngày, VN-Index, sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam giảm 88 điểm, tương đương 6,68%. Theo CafeF, một tờ báo tài chính, 500.000 tỷ vốn hóa toàn thị trường đã bốc hơi. Báo VnExpress gọi đây là “phiên giao dịch khốc liệt nhất trong lịch sử“.

Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh biểu đồ thị trường chứng khoán Việt Nam, với hình “cây nến” biểu chưng cho sự lao dốc thẳng đứng của thị trường.

Chính phủ hành động

Ngay trong sáng ngày 3 tháng 4 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm đánh giá tình hình.

Phát biểu trong cuộc họp ông Chính nói “Việt Nam muốn Mỹ có chính sách phù hợp hơn với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện từ tháng 9 năm 2023.

Cũng trong cuộc họp này, người đứng đầu chính phủ đã yêu cầu thành lập “tổ phản ứng nhanh” để đối phó với mức thuế mà Hoa Kỳ vừa áp lên hàng hóa Việt Nam.

Trong ngày 3 tháng 4, truyền thông nhà nước cũng xác minh Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tới Mỹ vào ngày 6 tháng 4, với mục đích ” đàm phán lại việc đánh thuế đối ứng mà chính quyền tổng thống Mỹ đưa ra đối với Việt Nam”.

Đứng trước nguy cơ xuất khẩu vào Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế quan cao ngất ngưởng, và tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn khẳng định sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Đảng định hướng

Trong sáng ngày 3 tháng 4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã công bố bài viết mới với tiêu đề “Vươn mình trong hội nhập quốc tế“.

Dù không đề cập trực tiếp đề cập đến vấn đề thuế quan mà Hoa Kỳ áp đặt lên Việt Nam, nhưng nội dung của bài viết lại vô cùng liên quan đến những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải.

Ông Tô Lâm cho rằng từ nay đến năm 2030 là khoảng thời gian quyết định đối với sự phát triển của Việt Nam, khi “trật tự thế giới mới” sẽ được xác lập, và các nước vừa và nhỏ như Việt Nam “bị đặt ở thế bị động, không kịp thích ứng”.

Người đứng đầu đảng Cộng sản khẳng định Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục hội nhập bất chấp sự “cạnh tranh không công bằng” đến từ môi trường quốc tế.

Nhằm định hướng cho chiến lược phát triển trong những năm tiếp theo, ông Tô Lâm đưa ra tám đường hướng hội nhập cần phải được ” triển khai quyết liệt và hiệu quả“.

Related posts