Việt Nam – Philippines cần ưu tiên gì để giúp nhau tốt nhất về an ninh trên Biển Đông

“Trước sự “hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines có thể cùng Việt Nam thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN về một lập trường chung về lợi ích tại Biển Đông chống lại sự đe dọa từ phía Trung Quốc” – luật gia, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu luật Biển và Hải đảo, thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói với RFA Tiếng Việt hôm 03/8/2023 từ Sài Gòn.

Cùng hợp tác, tương trợ

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng để có thể tương trợ vững chắc trên Biển Đông về mặt an ninh Việt Nam và Philippines cần sớm ký hiệp định riêng để phân định những vùng chồng lấn với nhau trên biển, tạo nền tảng đoàn kết làm cơ sở thắt chặt hơn các hợp tác an ninh, quốc phòng trên biển Đông, từ tuần tra chung cho tới hợp tác công nghiệp quốc phòng, đóng góp cho bảo vệ an ninh khu vực.

“Việt Nam và Philippines có nhiều điểm để hợp tác và đương nhiên Philippines đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta biết thứ nhất rằng Philippines là một đồng minh của Mỹ tại khu vực Biển Đông hay là ở cả khu vực Đông Nam Á luôn, sự hiện diện của quân Mỹ ở đó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines là một quốc gia có quan điểm mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông,” nhà nghiên cứu Hoàng Việt, nói.

Theo ông Hoàng Việt, trong bối cảnh lập trường của các nước khu vực trong khối ASEAN không đồng nhất về vấn đề Biển Đông, Philippines thuộc khối các nước có lợi ích, quan tâm trực tiếp đến vấn đề này, mà Việt Nam nên tận dụng thắt chặt hợp tác, ông nói:

“Trong bối cảnh trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có rất nhiều ý kiến khác nhau và đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, trong đó các quốc gia như Lào, Myanmar và đặc biệt là Campuchia có lập trường hướng về Trung Quốc và họ không có lợi ích trực tiếp đối với Biển Đông, còn ngược lại những quốc gia như Malaysia, Philippines, Việt Nam và thêm nữa là Indonesia, đều có những mối lo ngại chung trước những hành động hung hăng của Trung Quốc đe dọa tại vùng đặc quyền kinh tế của bốn quốc gia này. Cho nên đối với Việt Nam, Philippines đóng một vai trò quan trọng, bởi vì Philippines có những vị trí đặc biệt, Philippines là một đồng minh quan trọng của Mỹ, Philippines có thể cùng Việt Nam thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN về một lập trường chung về lợi ích tại Biển Đông chống lại sự đe dọa từ phía Trung Quốc.”

Củng cố quan hệ đôi bên

Trước việc Trung Quốc được cho là đang tỏ ra lấn lướt và là một mối đe dọa thực tế về chủ quyền, với tham vọng và sức mạnh quân sự, hải quân đáng quan ngại, trước câu hỏi Việt Nam và Philippines cần làm gì để đảm bảo lợi ích chung; và với riêng Việt Nam, Việt Nam cần làm gì để đạt được những mục đích chính đáng của mình tại Biển Đông, trong đó có bảo đảm, giữ vững an ninh, chủ quyền ở khu vực, nhà nghiên cứu Hoàng Việt trả lời, trên quan điểm riêng:

“Philippines mới đây tuyên bố đã trao cho Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ tại Philippines, và nâng lên khoảng chín căn cứ của Mỹ sẽ có quân đồn trú tại vùng này, đây cũng là một điều quan trọng, vì nếu xảy ra một chiến trận trên Biển Đông, với sức mạnh của hải quân của Trung Quốc như bây giờ, gần như không có một quốc gia nào của ASEAN có thể chống lại được, và thậm chí kể cả mười quốc gia của ASEAN cũng không đủ sức mạnh so với hải quân của Trung Quốc. Chính vì vậy, người ta vẫn lo rằng, nếu xảy ra một cuộc chiến trên Biển Đông chớp nhoáng, mà không có lực lượng mạnh như là của Mỹ can thiệp, có lẽ nó sẽ rơi vào ‘tình trạng đã rồi’ xảy ra.”

Ông Hoàng Việt nhắc lại sự kiện xảy ra ở Ukraine, khi Nga tràn quân vào Ukraine, khoảng 48 tiếng đồng hồ sau phương Tây mới có thể can thiệp được. Qua đó, ông nhấn mạnh: “Nếu trong thời gian kéo dài như vậy, chắc chắn là Trung Quốc đã giải quyết xong tất cả những mục tiêu mà họ muốn. Chính vì vậy, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Biển Đông rất quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia mà thứ nhất với Mỹ đã từng là cựu thù, và thứ hai là Việt Nam có một chính sách ‘bốn không và một tùy’, trong đó Việt Nam không thể chấp nhận có căn cứ quân sự của một quốc gia nào khác ở trên đất nước của mình; một mặt Việt Nam muốn duy trì sự độc lập của mình, nhưng mặt thứ hai Việt Nam nhìn thấy sự lo ngại trên khu vực Biển Đông với sức mạnh càng ngày càng lên, cũng như sự đe dọa càng ngày càng lớn về phía Trung Quốc, chính vì vậy, việc Việt Nam có thể hợp tác với Philippines, chúng ta thấy có rất nhiều lợi ích.”

Chính sách ‘bốn không và một tùy’ mà nhà nghiên cứu đề cập ở đây của Việt Nam, theo truyền thông của Việt Nam có nội dung chính là Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế… Và tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Phân tích tiếp về vấn đề Việt Nam cần làm gì để đạt được những mục đích chính đáng của mình tại Biển Đông, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng kể từ năm 2020, Philippines đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam khi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần Hoàng Sa. Điều đó cho thấy, ông Hoàng Việt nói tiếp: “Ít nhất về mặt ngoại giao, về mặt lập trường, Việt Nam và Philippines đều luôn có thể ủng hộ cho nhau trong vấn đề về Biển Đông, duy trì vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quyền của quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền EEZ và thềm lục địa, cũng như nêu cao luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển, cũng như là hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở trên Biển Đông viết tắt là COC mà có hiệu lực ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia tham gia ký kết”.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt: “Việt Nam và Philippines mặc dù cũng có những yêu sách chồng lấn với nhau, trong đó có những khu vực hai bên cùng yêu sách, điều này một mặt dẫn tới việc là Việt Nam và Philippines cần phải có những hiệp định riêng để phân định những vùng chồng lấn với nhau; mà chúng ta đã thấy rằng Việt Nam cũng đã có những nỗ lực trong thời gian vừa qua, khi Việt Nam đã tiến hành cùng với Indonesia và cuối năm vừa rồi, hai bên đã thông báo rằng đã hoàn tất phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai quốc gia này. Và mới đây, Indonesia và Malaysia cũng đã thỏa thuận phân định một vùng biển cũng chồng lấn của họ.”

Theo ông Hoàng Việt, điều này cho thấy rằng nếu các quốc gia ASEAN có thể giải quyết được các vấn đề về những vùng chồng lấn như trên với nhau, việc này sẽ có ý nghĩa tích cực, ông phân tích tiếp:

Bởi vì tranh chấp Biển Đông rất rộng, có nhiều tranh chấp khác nhau, nếu giải quyết được những vấn đề đó, thì đó là một điều rất tốt, thêm nữa việc Việt Nam và Philippines có thể thắt chặt những hoạt động trên biển, phối hợp trên biển, trong đó chúng ta đã thấy trước đây lực lượng của Philippines khá yếu, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển, hiện nay lực lượng này của Philippines đã được trang bị mạnh hơn rất nhiều, còn trước kia thì khá yếu nến mới dẫn đến sự kiện Scarborough năm 2012.

Chính vì vậy, nếu Việt Nam và Philippines có thể phối hợp nhau, lực lượng Cảnh sát biển của hai bên có thể phối hợp được với nhau, phối hợp kinh nghiệm và cùng có thể tuần tra, cũng như các việc trao đổi khác, thì sẽ dẫn tới việc hợp tác tốt hơn trên khu vực Biển Đông, đặc biệt trong khu vực chồng lấn giữa hai quốc gia này, cũng như trong việc đoàn kết các nước ASEAN trong lập trường chung ở khu vực Biển Đông.”

Hợp tác công nghiệp quốc phòng, tại sao không?

Nhân dịp này, nhà nghiên cứu cũng đề cập vấn đề hai nước cần cân nhắc hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, ông Hoàng Việt nói thêm:

Về mặt công nghiệp quốc phòng, Việt Nam cũng đang có những bước đi, nhưng thực ra ở lĩnh vực này, Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia có tiềm năng mạnh về công nghiệp quốc phòng, và Philippines cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng việc thúc đẩy công nghiệp quốc phòng đóng một vai trò quan trọng, Việt Nam và Philippines nếu có thể gia tăng được sức mạnh công nghiệp quốc phòng của mình, thì điều ấy là một điều cần thiết. Báo chí đưa tin rằng Việt Nam vẫn muốn mua tên lửa Brahmos mà là một sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga, được cho là một tên lửa siêu thanh, có sức mạnh rất lớn.

Philippines đã mua được một số tên lửa Brahmos này. Và việc nếu Việt Nam và Philippines có thể nâng cao hợp tác trong vấn đề công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí, điều ấy là một điều hết sức tốt đẹp, tuy tôi chắc chắn rằng tiềm năng để hai quốc gia này sản xuất công nghiệp quốc phòng cần phải rất nhiều cố gắng hơn.”

Related posts