Hãng nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit hôm 10 tháng 2 công bố báo cáo Chỉ số Dân chủ năm 2021, trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thể chế toàn trị.
Hãng này đánh giá mức độ dân chủ của một quốc gia dựa trên năm yếu tố, bao gồm bầu cử, sự hiệu quả của chính quyền, tỉ lệ tham gia chính trị, văn hoá chính trị, và quyền tự do cá nhân.
Các quốc gia trên thế giới được chia ra làm bốn nhóm ứng với mức độ dân chủ. Xếp trên nhất là nhóm nước dân chủ hoàn thiện, thứ hai là nhóm nước dân chủ khiếm khuyết, thứ ba là dân chủ lai tạp, và cuối cùng là nhóm các nước toàn trị.
Kể từ khi báo cáo Chỉ số Dân chủ được thực hiện từ năm 2006 tới nay thì Việt Nam luôn luôn được xếp vào nhóm nước không có dân chủ, tuy nhiên, về mặt thứ hạng thì lại có chuyển biến.
Nếu như trong năm 2006, Việt Nam đứng thứ 145 trên tổng số 167 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ dân chủ, thì trong năm 2021 thứ hạng của Việt Nam đã có chút cải thiện khi leo lên vị trí 131.
Thế nhưng, điều này có thể được lý giải rằng do tình hình dân chủ ở nhiều quốc gia khác đã thụt lùi nghiêm trọng, đơn cử như Venezuela và Cambodia- hai nước đứng trên Việt Nam hồi năm 2006 nhưng do xảy ra khủng hoảng chính trị trong những năm gần đây nên đã bị tụt hạng.
Bình luận về thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo này, ông Nguyễn Tiến Trung, nhà theo dõi và bình luận chính trị, gửi cho RFA quan điểm qua ông qua ứng dụng nhắn tin:
“Sau khi đọc báo cáo của EIU, tôi thấy đây là một nghiên cứu rất công phu và có tính tổng quát cao. Các tiêu chuẩn để đánh giá một nền dân chủ rất đầy đủ và rõ ràng. Việc Việt Nam tiếp tục được xếp vào nhóm các nước toàn trị không có gì ngạc nhiên vì bao nhiêu năm nay vẫn thế. Nhìn vào tiêu chuẩn xếp hạng thì thấy không thấy có điểm sáng nào ở Việt Nam.”
Ông cũng chỉ ra vấn đề ở cả năm lĩnh vực được cơ quan nghiên cứu dựa vào nhằm đưa ra chỉ số dân chủ ở Việt Nam. Như không có bầu cử tự do, chính phủ tham nhũng, người dân không có quyền tham gia chính trị, các chiến dịch đàn áp của chính quyền dẫn tới văn hoá chính trị không phát triển, và quyền công dân bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trong năm 2021, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc bắt vớ và xét xử những người bất đồng chính kiến. Theo thống kê của Đài Á châu Tự do thì trong năm 2021 đã có khoảng 40 người bị bắt trong các vụ án có yếu tố chính trị.
Từ Cộng hoà Liên bang Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài, người sáng lập Hội Anh em Dân chủ thì cho rằng việc Việt Nam được xếp thứ 131 trên tổng số 167 quốc gia và khu vực về mức độ dân chủ vẫn còn là cao, ông nói:
“Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam sẽ phải đứng một trong mười nước đội sổ về các nền dân chủ ở trên thế giới.”
Lý do mà ông đưa ra là:
“Chúng ta đều biết rồi, dân chủ tức là người dân có quyền làm chủ đất nước thông qua cái lá phiếu của mình, bằng cách là lựa chọn cái đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước thông qua các cuộc bầu cử tự do, công bằng, có sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị. Đấy gọi là cái cơ bản nhất của nền dân chủ.
Thế thì Việt Nam chưa bao giờ có đa đảng, mà chưa có đa đảng thì chắc chắn là chưa có dân chủ rồi.“
Trên bình diện thế giới, các quốc gia Châu Âu chiếm đa số trong nhóm các nước dân chủ hoàn hiện, với 12 nước lọt vào thứ hạng này. Trong đó có Na Uy là nước được đánh giá là dân chủ nhất thế giới.
Trong khi đó, Hoa Kỳ được cho là nước có nền dân chủ khiếm khuyết, khi chỉ xếp hạng 26 trên tổng số 167.
Ở khu vực Châu Á thì bất ngờ nằm ở việc Đài Loan ngoi lên trở thành nền dân chủ hoàn thiện nhất, xếp trên cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Hòn đảo này cũng đứng thứ 8 thế giới về mức độ dân chủ.
Việt Nam bị xếp trong nhóm các nước toàn trị bao gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela…