Vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ – Các nạn nhân có thể bắt đầu đòi ‘bồi thường’!

Các nạn nhân trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ nay đã có thể tiến hành việc đòi bồi thường; các luật sư có thể giúp đỡ những người có nhu cầu, trong lúc luật pháp Việt Nam có các điều luật bảo hộ quyền lợi và cho phép người dân là các nạn nhân có thể khiếu nại, thậm chí tố cáo, khiếu kiện, ý kiến từ giới luật sư theo dõi vụ việc nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 31/7/2023.

Hồ sơ cơ bản cần có gì?

Trong bản án có nói rằng vì tài liệu của các nạn không có trong hồ sơ của vụ án, cho nên tòa không xem xét ở đây, mà tòa đề nghị các nạn nhân liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp để đòi lại quyền lợi của mình,” từ Hoa Kỳ, Luật sư Lê Quốc Quân nói với RFA Tiếng Việt, dựa trên kết luận của phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ đại án ‘Chuyến bay giải cứu’ được Hội đồng Xét xử công bố hôm 28/7/2023 vừa qua tại Hà Nội.

Luật sư Quân cũng cho biết, những người dân là nạn nhân bị thiệt hại trong vụ án trên có thể liên hệ với các doanh nghiệp đã thu phí vé quá cao so với điều kiện hiện tại và đề nghị giải quyết. Nếu không giải quyết dân sự được, thì họ có thể khởi kiện các doanh nghiệp đó ra tòa.

Cùng hôm thứ Hai, từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn, từ Văn phòng Luật sư cùng tên, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, những nạn nhân trong vụ “Chuyến bay giải cứu” cũng cần chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết khi có nhu cầu tiến hành việc đòi bồi thường, hoặc làm việc đó thông qua khiếu nại, hoặc khiếu kiện:

“Về hồ sơ cá nhân, họ chuẩn bị các cuống vé, vé điện tử hoặc vé bằng giấy cũng được, phiếu chuyển tiền bằng tài khoản hay bằng tiền mặt, phiếu ghi nhận khi các đơn vị xuất vé, khi bán vé họ trả cho mình, các giấy tờ cá nhân của họ như chứng minh thư, căn cước công dân, khi họ ký các giấy tờ mời luật sư, cần có các giấy tờ như thế.

Trước mắt cần những giấy tờ cơ bản như thế, để chúng tôi đánh giá giao dịch có thực không, họ mua vé hết bao nhiêu tiền, và việc chuyển tiền của họ thì thường là họ chuyển một lần hay qua nhiều lần, qua nhiều bước khác nhau. Như tôi biết là có nhiều người không chỉ chuyển tiền cho một người, mà họ còn chuyển qua nhiều người, qua hai, ba lần, thế thì vé phải rõ ràng, thứ hai là (chứng từ) việc chuyển tiền, hai cái đó là quan trọng nhất, và lộ trình, có những thông tin cơ bản như thế, luật sư có thể đánh giá được là có thể khởi kiện được hay không. Thậm chí họ có thể khiếu nại cũng được, nhưng khiếu nại sẽ khó giải quyết, mà ở đây là phải khiếu kiện, và bằng bản án thì mới có cơ sở thi hành được.”

Từ Leipzig, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương, Chủ nhiệm thời báo Việt – Đức (thoibaovietduc.de) và nhà tư vấn pháp luật đời sống cho cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do góc nhìn của mình về cùng vấn đề, dựa trên kinh nghiệm từ nước Đức và Liên minh châu Âu (EU), ông nói:

“Đây là quan hệ thị trường tự do giữa khách hàng, tức là người tiêu dùng với doanh nghiệp là người bán, nên nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào giá cả, mà chỉ có thể có hai trường hợp, thứ nhất hỗ trợ người tiêu dùng (tức là người mua); hoặc người ta quy định giá trần đối với người bán (như giá năng lượng vừa qua do khủng hoảng cuộc chiến ở Ukraine.) Tuy nhiên ở đây có một tình huống là thu chi của doanh nghiệp đặt dưới sự giám sát về thuế khóa của nhà nước, nên sở thuế có quyền không công nhận những chi phí sai mục đích, như chi phí bôi trơn, nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập cho khoản bôi trơn đó.

Do đó, khoản bôi trơn trên, nếu thu được nhà nước có thể trích trả lại một phần hỗ trợ giá cho người mua vé, để bù đắp vào khoản chênh lệch giữa giá vé máy bay bình quân với giá các chuyến bay giải cứu. Có nghĩa là là nhà nước chỉ có thể có một cách hỗ trợ như vậy thôi, bởi vì mọi việc đã qua rồi, không lặp lại nữa, chấm hết. Chiểu theo luật pháp của EU hay của Đức, bất kì người tiêu dùng nào cũng có quyền khiếu nại và khiếu kiện bất kể thiệt hại gì. Tuy nhiên, nước họ có các các cơ quan hòa giải để giải quyết trên phương diện dân sự. Đặc biệt, họ có thể viện tới Hiệp hội người tiêu dùng, tiếng Đức gọi là Verbraucherschutz, một khi sự việc mang tính chất đại trà, tất cả mọi ai rơi vào tình huống ấy, đều có quyền viện tới Verbraucherschutz để họ tư vấn. Trong trường hợp thất bại, họ có thể kiện ra tòa, dưới góc độ cá nhân hoặc tập thể, và kết quả là do tòa phán quyết, không ai thay thế được.”

Khả năng giải quyết, xử lý nhìn từ châu Âu

Liên hệ với vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ ở Việt Nam, mà nhà nước Việt Nam vừa xét xử sơ thẩm công khai vụ án, khi được hỏi Việt Nam cần làm gì để có thể đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân đã phải chi trả (quá mức cho vé và các dịch vụ, khoản khác), cũng như các nạn nhân, hành khách, về phần mình, có thể làm gì để được bồi hoàn, hay bồi thường các chi phí bất hợp lý, sai quy định, ông Nguyễn Sỹ Phương nói:

“Chuyến bay giải cứu là một chính sách khẩn cấp của nhà nước vì vậy không thể áp dụng quy luật thị trường, mà nhà nước lẽ ra phải ấn định giá ngay từ đầu, giống như nền kinh tế kế hoạch, thậm chí giá này chỉ mang tính lấy thu bù chi. Nhà nước có thể tài trợ thêm cho các hãng hàng không. Nhưng cơ quan chức năng đã không làm, vậy cả nhà nước lẫn hãng hàng không và người mua vé chỉ còn cách xử lý hậu quả như tôi đã trả lời ở trước.”

Vậy với các hành khách trong vụ “Chuyến bay giải cứu” có hộ chiếu Đức hay có thẻ cư trú dài hạn tại nước Đức, họ có thể được hỗ trợ, giúp đỡ ra sao tại Đức, để được bồi hoàn, hay bồi thường và họ cần làm gì và có thể nhận được sự giúp đỡ từ đâu, TS. Nguyễn Sỹ Phương nói:

“Đáng tiếc tôi phải trả lời rằng đây là mối quan hệ dân sự liên quan các doanh nghiệp Việt Nam trong nước, nên không thuộc phạm vi xử lý của chính quyền sở tại ở Đức. Ở Đức, trong hồ sơ giao dịch của các doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn ghi rõ muốn kiện tụng thì khách hàng đệ đơn ở tòa án nào tại Đức. Vì vậy, chỉ có thể giải quyết ở Việt Nam, cho nên không làm gì được.”

Chia sẻ về kinh nghiệm của Ba Lan cùng liên quan đến việc giải quyết nhu cầu được bồi thường của người dân và các nạn nhân trong vụ các ‘chuyến bay giải cứu’ ở Việt Nam, từ Warsaw, thủ đô của Ba Lan, blogger, nhà báo và doanh nhân Trần Quốc Quân nói:

“Trong các xã hội dân chủ như kiểu Ba Lan và EU, quyền công dân là tối thượng. Tôi nghĩ các công dân mà được bảo hộ, có những chuyện khiếu kiện với nhà nước, thì gần như đều được giải quyết. Chỉ có điều là trong quy định pháp luật, họ có thắng kiện hay không lại là chuyện khác, nhưng quyền khiếu kiện bao giờ cũng được nhà nước bảo đảm một cách tuyệt đối. Bất kể công dân nào mà khiếu kiện, không bằng lòng với việc xử lý của các quan chức, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất đều có quyền khiếu kiện, và đều được tiếp nhận giải quyết. Còn thắng hay không, phải căn cứ vào quy định của pháp luật.

Tôi biết một số hội bảo vệ quyền công dân, như là Hội bảo vệ người tiêu dùng ở Ba Lan, ở Việt Nam tôi thấy cũng có, thế nhưng việc tranh cãi giữa công dân với quan chức, rồi tranh cãi giữa công dân với doanh nghiệp, tôi nghĩ ở Ba Lan thiết thực và có tính công minh, được pháp luật bảo vệ tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều.”

Chứng minh thiệt hại thế nào, bước đi ra sao?

Về bồi hoàn cho các nạn nhân ‘chuyến bay giải cứu’, trên quan điểm riêng, ông Trần Quốc Quân cho rằng đây có thể là việc đầy khó khăn:  

“Có nhiều ý kiến cho rằng số tiền thu hồi do phạm tội mà có trong vụ án giải cứu, phải trả cho hàng trăm nghìn công dân là nạn nhân của chuyến bay giải cứu, chứ không phải là nộp tiền vào cho ngân sách nhà nước. Theo tôi, mong muốn đó rất khó thực hiện, thực ra là bất khả thi, có thể nói là bất khả thi. Bởi vì số tiền thu hồi quá nhỏ, so với số tiền mà các nạn nhân đã thực chi cho rất nhiều tầng lớp quan chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện ‘chuyến bay giải cứu’ như là từ dịch vụ môi giới, dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ lãnh sự, dịch vụ xét duyệt danh sách ‘giải cứu’, dịch vụ cách ly, qua bao nhiêu tầng lớp trấn lột và móc túi hàng trăm nghìn nạn nhân ấy, mà không hề có biên lai, thì rất khó thu được bằng chứng.

Trong số hàng trăm nghìn người ấy, với số tiền chỉ hơn 200 tỷ VNĐ thu hồi được, ai được bồi thường, ai không được bồi thường, rất khó có thể tách bạch, rất khó có thể tạo ra một sự công bằng xã hội, cho các nạn nhân của vụ án chuyến bay giải cứu đó. Không thể nào làm rành mạch được những khoản tiền thu bất chính đó, theo tôi, với việc bất khả thi đó, nộp tiền vào ngân sách có lẽ là hiện thực nhất; mà về thực chất, tiền ngân sách nhà nước, thực ra cũng là tiền dân, tiền thu từ thuế từ dân, thu từ doanh nghiệp mà để phục vụ cho quốc kế, dân sinh.”

Về việc các nạn nhân có nhu cầu bồi thường trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ có thể bắt đầu việc nhờ đến các luật sư giúp đỡ về mặt pháp lý ra sao, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói:

“Luật hoàn toàn không cấm việc này, họ có thể bắt đầu bằng việc khiếu nại, thậm chí bắt đầu bằng việc tố cáo cũng được, hiện tại chúng ta đang xử lý mấy tội danh liên quan ‘đưa, nhận hối lộ’, rồi ‘môi giới hối lộ’, ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và ‘lừa đảo’, trong đó ‘tội lừa đảo’ chủ yếu liên quan việc chạy án, hoàn toàn chưa liên quan gì đến quyền lợi người dân. Vậy thì người dân trong trường hợp này thấy bị thiệt hại, thấy bị lừa dối, thấy ông này ‘móc ngoặc’ với ông kia, thì họ hoàn toàn có thể tố cáo.

Nếu như họ tố cáo, việc đó có thể phát sinh ra các vụ án khác, thậm chí cả vụ án hình sự, như vậy có thể phát hiện ra ông này, ông kia bán cho tôi cái này là ‘quá cao’, hoặc là ông ‘lừa dối’ tôi để thu những khoản tiền ngoài. Vậy từ những việc đó có thể kéo ra vấn đề là mấy khoản tiền mà mấy ông đưa đi ‘chạy án’, đưa đi ‘hối lộ’ này kia, là toàn tiền của những người dân này thôi, có nguồn gốc từ những người dân. Những chuyện đó, nhà nước sẽ chẳng tranh giành gì với người dân ở khoản 100 hay 200 tỷ VNĐ, khoản tiền đó với cá nhân thì nhiều, còn với nhà nước thì không cần gì.”

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, nếu xét thấy có sự quan hệ giữa các khoản tiền trên với nguồn gốc của chúng, như ông tiếp tục trình bày trên quan điểm riêng với RFA, chính quyền Việt Nam có thể sẽ có cách xử lý khác so với tuyên án của phiên tòa sơ thẩm vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ mới đây, ông nói:

Nhưng nếu mà rõ ràng, có cơ sở, thì họ nói: cái này chưa đưa vào ngân sách, cái này rõ ràng có nguồn gốc từ túi tiền của người dân mà ra, chưa xác minh rõ, cho nên việc tuyên án sơ thẩm là ‘hơi vội vàng’. Như thế, họ có thể tạm giữ những khoản tiền đó lại để chờ kết quả xác minh rõ ràng hơn từ cơ quan điều tra.

Bởi vì hai khoản tiền này nếu như là một, mà xuất phát từ một nguồn gốc, mà nguồn gốc đó lại chưa được điều tra rõ ràng, thì người ta phải xem xét lại. Để sau này nếu có tuyên án với mấy doanh nghiệp rằng mấy doanh nghiệp đó phải trả lại số tiền cho người dân, thì họ có thể lấy một phần tiền từ trong khoản tiền này chi ra. Tôi nghĩ rằng nếu người dân chứng minh rõ ràng hơn, thì nhà nước sẽ không tranh giành gì. Nhiều người có thể nghĩ hơi nặng nề, tôi nghĩ là nếu có cơ sở, nhà nước sẽ không tranh giành 100 hay 200 tỷ VNĐ với người dân để làm gì cả,” Luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh với Đài Á Châu Tự Do hôm 31/7/2023 từ Hà Nội.

Related posts