Vụ công ty F88: Đảng “săn phù thủy” hay trấn áp “tư bản” bành trướng vô độ?

Biện pháp đưa một doanh nghiệp vào “diện theo dõi, chỉ đạo” bởi chính quyền làm vụ việc trở nên nghiêm trọng. Đối với vụ F88, một công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực “kinh doanh có điều kiện”, ngành nghề “cầm cố, hơn thế có yếu tố “tư bản” nước ngoài, đã tăng trưởng nhanh chóng khiến Đảng Cộng sản lo ngại. Trong bối cảnh chống tham nhũng, chống suy thoái chính trị khó khăn, tình trạng “sân sau, chống lưng” phức tạp bởi thế lực ngầm gây bức xúc dư luận và hiện tượng “đòi nợ thuê” kiểu xã hội đen có thể bùng phát… Tuy nhiên, F88 không thể là nguyên nhân của tình hình, và vì thế chiến dịch trấn áp tư bản – kẻ thù ý thức hệ  – bành trướng không thể che giấu.

“Săn phù thuỷ” 

Săn phù thủy là cuộc săn lùng những người được gắn mác “phù thủy”, là thuật ngữ có nguồn gốc từ lâu ở nhiều nơi trên thế giới và, theo nghĩa ẩn dụ, là một cuộc điều tra thường được tiến hành công khai, được cho là để phát hiện ra hoạt động chống đối, sự không trung thành… nhắm vào các đối thủ chính trị. Đối với chế độ đảng cộng dản lãnh đạo, “chủ nghĩa tư bản” là kẻ thù ý thức hệ và những quan chức suy thoái tư tưởng, chính trị là “phù thuỷ”, đối tượng của chiến dịch chống tham nhũng kết hợp thanh trừng nội bộ.

Một “chuyên án” được quyết định, cơ quan công an vào cuộc điều tra về nghi vấn, theo chính quyền, là công ty này có hành vi cưỡng đoạt tài sản thông qua hoạt động cho vay và thu hồi nợ. Hiện tượng đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen” xuất hiện ở một số nơi và tin đồn F88 được “chống lưng” bởi thế lực ngầm nào đó là một cái cớ “hoàn hảo” cho việc săn lùng phù thuỷ…

Ngày 16/3/2023, Bí thư Thành ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên, kết luận đưa vụ án liên quan đến Công ty cổ phần kinh doanh F88 vào diện theo dõi, chỉ đạo. Theo ông, đây là việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Đề án “Một số giải pháp, bài học kinh nghiệm để phòng ngừa hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hệ thống chính trị” và yêu cầu Ban chỉ đạo “bám sát, theo dõi, đôn đốc tiến độ” giải quyết cụ thể vụ án này…

Các hoạt động kinh doanh của Công ty F88 đã bị “hình sự hoá” nặng nề. Những cuộc kiểm tra, khám xét trụ sở làm việc của Công ty F88, các chi nhánh, cơ sở kinh doanh cầm đồ được triển khai trên địa bàn toàn quốc. Đầu tháng 2/2023 “chiến dịch” bắt đầu tại các phường trên địa bàn TP. Thanh Hóa, sau đó là tại khắp các quận, huyện Thành phố Hồ Chí Minh Gò Vấp (ngày 6 tháng 3), tại tỉnh Tiền Giang (18/3), tỉnh Đồng Tháp (21/3), tỉnh Bắc Giang (23/3)…

Theo truyền thông Nhà nước, ở một vài cơ sở một số vi phạm hành chính đã bị xử phạt, nhưng chưa thấy lộ diện những “kẻ đòi nợ thuê” và “những kẻ chống lưng”. Bởi vậy, chiến dịch săn lùng vẫn sẽ tiếp tục mở rộng, và nếu không có “phù thuỷ” thì kế hoạch trấn áp vẫn phải được thực hiện đúng mục đích ngăn ngừa tư bản bành trướng, bảo vệ chế độ.

“Tư bản bành trướng”

F88 có sự phát triển “ấn tượng” nhưng lại là sự bành trướng vô độ đối với Đảng về an ninh, trật tự. Cho đến khi “vào diện theo dõi, chỉ đạo”, F88 có quá trình tăng trưởng “thần tốc.” Được thành lập vào năm 2013, F88 với 830 chi nhánh trên toàn quốc tạo thành mạng lưới cho vay  có tài sản bảo đảm dẫn đầu tại Việt Nam, nhắm đến các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ và người tiêu dùng cá nhân. Doanh nghiệp này đã phát triển mạnh trên thị trường từ năm 2016 – 2017, sau khi công ty mẹ  – Công ty cổ phần Đầu tư F88  – được rót vốn nhiều triệu đô la từ hai quỹ tài chính nước ngoài Mekong Capital và Granite Oak. Ngoài dịch vụ cho vay với tài sản thế chấp là ôtô hoặc xe máy, giấy phép đăng ký xe, điện thoại, laptop…, F88 còn bán bảo hiểm, cung cấp dịch vụ chuyển tiền, chi hộ, thu hộ tiền điện, nước, Internet…

Theo kết quả kinh doanh gần nhất được công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2020 là 44,8 tỷ đồng, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2021 được dự kiến là khoảng 18%, được đánh giá xếp hạng tín nhiệm ở mức “ổn định” khi doanh nghiệp liên tục hoàn thành kế hoạch kinh doanh đặt ra trong nhiều năm. Theo Chủ tịch kiêm CEO của Công ty, F88 có kế hoạch tăng độ phủ lên 800 cửa hàng trên toàn quốc, mở rộng quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ và công ty công nghệ, huy động 4.000 tỷ đồng… và, đáng chú ý là “dự định” sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vào năm 2024.

Công ty F88 khởi nghiệp, phát triển và hướng tới doanh nghiệp đại chúng trong lĩnh vực “tài chính tư nhân.” Trước những đồn đoán rằng “có người chống lưng, sân sau của thế lực” giấu mặt, Ban lãnh đạo F88 đã khẳng định họ vận hành doanh nghiệp tuân thủ pháp luật nhà nước, và nếu có hành vi của cá nhân vi phạm như cáo buộc thì sẽ xử lý nghiêm…  Mekong Capital, và một trong hai quỹ đầu tư vào F88, khi trả lời phỏng vấn Hãng truyền thông Bloomberg cho rằng họ tin tưởng CEO của F88 và chờ đợi…

f88thanhtra.jpeg
Một cơ sở của F88. Hình: Báo Thanh Tra

Hậu quả nghiêm trọng

Hình sự hoá hoạt động kinh doanh của F88 đang gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm một F88 phá sản, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến một lĩnh vực kinh doanh, và hơn thế gây tổn hại niềm tin về “cam kết tự do kinh doanh”.

Những kế hoạch niêm yết, giấc mơ phát triển F88 thành doanh nghiệp lớn… đang dần tan biến trong bối cảnh cơ quan công an đang thực hiện kiểm tra trên diện rộng và vẫn sẽ tiếp tục…. Hoạt động kinh doanh của Công ty bị đình trệ, bầu không khí làm việc của nhân viên ở tình trạng căng thẳng, lo âu… Các đối tác như Công ty Thế Giới Di Động tạm dừng hợp đồng…  

Theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Mặc dù là lĩnh vực hoạt động kinh doanh không được chính quyền khuyến khích, tuy nhiên nó đã phát triển nhanh chóng. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, chưa kể các hộ kinh doanh cá thể, tổng số doanh nghiệp trên cả nước hoạt động ngành nghề này là 12.691 doanh nghiệp, 62/63 tỉnh thành có loại doanh nghiệp này, ở Hà Nội có số DN cao gấp đôi TP. Hồ Chí Minh, địa phương xếp thứ hai… Hãy hình dung nếu chiến dịch kiểm tra sẽ được tiến hành ở Thủ đô!

Quá trình tăng trưởng “thần tốc” cần được nhận thức công bằng là do nhu cầu về “tài chính tư nhân” cá nhân và doanh nghiệp nhỏ là rất lớn và phù hợp với thực tế. F88 đã “nhìn thấy” tiềm năng và đáp ứng nhu cầu tiếp cận tài chính nhanh chóng cho người tiêu dùng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, từ đó dần làm thay đổi định kiến của xã hội về cho vay có bảo đảm truyền thống, và thúc đẩy cung cấp các dịch vụ tài chính mang tính thị trường. Đối với xã hội, đây là nguồn lực đáng kể được huy động bổ sung cho nguồn lực “chính thống” từ các ngân hàng, tổ chức tài chính mà Nhà nước có thể kiểm soát. Bởi vậy, từ khía cạnh này F88 đáng được khuyến khích thay vì chịu trừng phạt để có thể sụp đổ.

Hơn thế, hậu quả lớn nhất là sự tổn hại về niềm tin tự do kinh doanh. Nỗi “bất an” của chính quyền trong bối cảnh củng cố mô hình Đảng – Nhà nước mạnh đang bộc lộ những “bước lùi cải cách”, thay vì khắc phục những bất cập thể chế để hạn chế tác động từ mặt trái và thích ứng với thị trường, chính quyền lại “hình sự hoá” quan hệ kinh tế. Bạo lực huỷ hoại môi trường kinh doanh. Từ sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản, xu hướng này mạnh lên làm suy yếu thị trường, ý thức hệ đang áp đảo tư duy lý tính.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts