Chương trình bảo trợ người tị nạn Welcome corps đã bước vào giai đoạn hai (Phase 2). Lúc này, những nhóm bảo trợ đã ghi danh với chính phủ Hoa Kỳ có thể chỉ định người tị nạn mà mình muốn bảo lãnh sang định cư tại Hoa Kỳ.
Cánh cửa mở rộng
Ông Nam Lộc, một trong tám “Đại sứ Quốc tịch” do Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) phong tặng hồi năm 2022, nói với RFA hôm 13/2/2024:
“Đối với tôi đây chính là chìa khóa mở cửa để cho những người Việt Nam ở Thái Lan có hi vọng được định cư ở Hoa Kỳ. Đây là cánh cửa là quan trọng nhất từ trước đến nay.”
Theo ông Nam Lộc, từ năm 2008, khi người Mỹ chấm dứt chương trình định cư đối với người Việt Nam một cách chính thức, ưu tiên dành cho người Việt Nam tị nạn rất là thấp. Mỗi năm chỉ có chừng một hai chục gia đình được nhận vào Hoa Kỳ bằng nhiều cách như người trực tiếp đi từ Việt Nam hay từ các nước tạm dung.
Theo số liệu ông Nam Lộc nhận được từ một thống kê của Cao uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc gởi cho các dân biểu mà ông đang vận động cho người tị nạn, tính đến tháng 6/2023, số người Việt Nam được cấp quy chế tị nạn là khoảng 1.000 người, số người đã ghi danh nhưng chưa được công nhận là người tị nạn trong khoảng 500 người:
“Theo con số đó mà nếu cứ định cư nhỏ giọt như vậy thì đến bao giờ người Việt Nam mới đến được bến bờ tự do.
Vì thế cho nên với giai đoạn hai và với cánh cửa cho phép những người bảo trợ được naming (chỉ định – PV) những người mà họ muốn giúp; nếu cộng đồng của chúng ta có hàng trăm nhóm bảo trợ thì dĩ nhiên là hàng trăm gia đình sẽ đến bến bờ tự do qua chương trình Welcome corps này”, ông Nam Lộc khẳng định.
Một điểm sáng nữa của Welcome cops, theo ông Nam Lộc, chính là việc 500 người chưa được Liên hiệp quốc (UN) cấp quy chế tị nạn nhưng đã ghi danh xin quy chế tị nạn trước này 30/9/2023 cũng có cơ hội được bảo lãnh qua chương trình này trong năm nay.
Tìm kiếm người bảo trợ
Ông Nguyễn Xuân Can, giáo sư đại học George Mason ở Virginia, cho RFA biết ông đã thành lập một nhóm bảo trợ năm người và được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận để bảo trợ cho người tị nạn ở Thái Lan.
Ông cho biết quá trình nộp đơn xin bảo lãnh cho đến lúc người tị nạn tới được Hoa Kỳ dự tính tầm tám tháng cho đến hai năm. Nhóm bảo trợ sẽ tìm nhà cửa, giúp người tị nạn làm hồ sơ… trong vòng 90 ngày đầu tiên. Sau đó, nhóm sẽ được phép tiếp tục xin bảo trợ cho một gia đình tị nạn khác, nếu họ muốn.
Tuy nhiên, theo giáo sư Can, điều cần thiết nhất và cũng là khó khăn nhất hiện nay là làm sao có được càng nhiều nhóm năm người càng tốt:
“Theo tôi biết thì người ta cũng muốn nhưng không có các nhóm đủ năm người và người ta cũng sợ trách nhiệm.
Người ta nói rằng lỡ người tị nạn qua đây rồi người ta phải bảo trợ một đến hai năm luôn thì sao. Nhưng không, chương trình này mình chỉ chịu trách nhiệm có 90 ngày thôi. Sau 90 ngày thì người ta đi làm hoặc là các cơ quan thiện nguyện của chính phủ sẽ take over (tiếp nhận – PV).”
Trong năm tài khoá 2024, chính quyền Tổng thống Biden dự tính nhận 1.0000 người tị nạn thông qua chương trình bảo trợ tư nhân Welcome corps.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nói rõ là sẽ có bao nhiêu người tị nạn Việt Nam trong tổng số 1.0000 người được nhận. Tuy nhiên, theo ông Nam Lộc:
“Vấn đề đầu tiên là hãy cứ bảo trợ đi rồi lúc đó họ (chính phủ Hoa Kỳ – PV) không nhận hay nhận ít thì mình mới phải tiếp tục làm những cuộc vận động khác, mình phải đi từng bước một.”
Cánh cửa đã mở, việc quan trọng bây giờ là tìm kiếm và vận động người Việt ở Mỹ thành lập các nhóm bảo trợ để “dắt” người tị nạn Việt Nam đang kẹt ở Thái Lan vào Mỹ:
“Nếu người Việt của chúng ta đã từng đưa tay đón nhận những người tị nạn ở các chủng tộc khác. Đặc biệt là trong giai đoạn nước Afghanistan bị rơi vào tay Taliban, người Việt của chúng ta đã đưa tay đón nhận hàng trăm gia đình người Afghanistan.
Tôi tin là với tấm lòng độ lượng như vậy thì họ sẽ còn mở rộng vòng tay của họ đối với cộng đồng của chúng ta nhiều hơn nữa. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để phổ biến được chương trình này đến với họ”, ông Nam Lộc chia sẻ.
Welcome corps là chương trình do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khởi xướng từ năm 2023 với mục đích tìm kiếm những công dân hoặc thường trú nhân Hoa Kỳ bảo trợ cho những người tị nạn được tái định cư ở Mỹ.
Những người bảo trợ sẽ tập hợp thành một nhóm năm người – “Group of 5”, sau đó đóng góp 2.275 đô la để bảo lãnh cho một gia đình xin tị nạn (tối đa là 10 người). Đồng thời, nhóm năm người này cũng sẽ giúp đỡ người tị nạn trong ba tháng đầu tiên khi họ đặt chân tới Mỹ.
Ở Giai đoạn một của chương trình này, những nhóm năm người chưa được chỉ định người mà mình muốn được bảo lãnh thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ giới thiệu người tị nạn cho các nhóm bảo lãnh này. Những người tị nạn có thể đến từ nhiều quốc gia, sắc tộc khác nhau trên toàn thế giới.