Yêu cầu tăng cường giám sát bao giờ có thể đáp ứng?

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định:

“Quyết tâm giám sát một cách nghiêm túc và rõ ràng như vậy theo tôi là tốt. Rất nhiều việc đã được hứa thí dụ tốc độ cổ phần hóa những xí nghiệp Nhà nước thế nào, tỷ lệ trồng rừng hay trồng mới các rừng bị chặt hạ ra sao, tỷ lệ xóa đói giảm nghèo vùng miền tiến bộ đến đâu… Những việc như vậy được trình bày một cách thẳng thắn, khi chất vấn phải đưa ra những câu hỏi cụ thể, phải có chứng minh…”

Cán bộ cộng sản họ nghe thì nghe cho có chứ họ thừa biết là đảng cộng sản không thể giám sát ngay từ đầu. Bởi vì nếu nghiêm khắc không để cấp dưới sai phạm thì tiền đâu mà cấp dưới hối lộ cho cấp trên.
-Ông Trần Anh Quân

Tuy nhiên ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 8/5 khi trao đổi với RFA lại cho rằng:

“Đây chỉ là việc hô hào kêu gọi cho đúng quy trình để người ngoài nhìn vô thì thấy Đảng Cộng sản lúc nào cũng quyết tâm và quyết liệt chống tiêu cực. Cán bộ cộng sản họ nghe thì nghe cho có chứ họ thừa biết là Đảng Cộng sản không thể giám sát ngay từ đầu. Bởi vì nếu nghiêm khắc không để cấp dưới sai phạm thì tiền đâu mà cấp dưới hối lộ cho cấp trên. Cấp trên không được đút lót thì làm sao có tiền xây biệt phủ và nuôi con đi du học.”

Theo ông Trần Anh Quân, bây giờ sai phạm, tiêu cực và tham nhũng là nguồn sống của các cán bộ đảng viên, nếu không tìm cách làm sai thì làm sao đủ sống với mức lương vài triệu đồng trong thời buổi này. Anh Quân nói tiếp:

“Khi đề cập tới chuyện không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn thì ngay cả bản thân ông Phạm Minh Chính cũng không tin là ông ấy có thể làm được chứ đừng nói là cấp dưới. Những sai lầm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chiến dịch xét nghiệm toàn dân, cách ly xã hội trong giai đoạn COVID-19 bùng phát mạnh nhất cho thấy ông Chính chỉ giỏi hô hào chứ không đủ năng lực lãnh đạo chính phủ. Đó là chưa kể vụ tham nhũng liên quan tới AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong thời gian ông Phạm Minh Chính làm bí thư tỉnh Quảng Ninh.”

Ông Trần Anh Quân cho rằng, ông Chính đã không dám thừa nhận sai phạm của mình, thì làm sao bắt cấp dưới không sai phạm được.

528a0bf4-7d84-4ffd-8205-bc2fdc76ddbd.jpeg
Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 23/10/2023. AFP.

Dù lâu nay các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam luôn kêu gọi tăng cường giám sát, không để sai phạm tích tụ, nhưng theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2023 đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 257,7 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 188,6 tỷ và 166 ha đất…

Nếu thật sự có giám sát tốt thì đâu để xảy ra các vụ đại án sai phạm lên tới hàng trăm ngàn tỳ đồng? Đơn cử như vụ án liên quan Bà Trương Mỹ Lan – 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vào ngày 11/4/2024, Tòa án TPHCM đã tuyên án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan vì vai trò của bà trong vụ lừa đảo tài chính trị giá 304 nghìn tỷ đồng. Đây là vụ án lừa đảo trong ngành ngân hàng được cho lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Bà Lan bị kết tội tham ô, hối lộ và vi phạm các quy định ngân hàng tại TPHCM.

Họ tuyên bố như thế cũng là điều tốt, tích cực đấy… nhưng tôi không hy vọng đạt được yêu cầu.
-Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban nghiên cứu – Ban dân Vận Trung ương, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, nhận định:

“Yêu cầu giám sát là một yêu cầu rất tự nhiên mà người dân đã mong ước từ nhiều năm nay, chỉ có điều họ không làm được. Bây giờ trước sức ép của dư luận, họ buộc phải tăng cường giám sát. Họ tuyên bố như thế cũng là điều tốt, tích cực đấy… nhưng tôi không hy vọng đạt được yêu cầu.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đặt ra yêu cầu như vậy thì khả năng sẽ không làm được, không đạt được yêu cầu nào lớn và quan trọng. Ông nêu dẫn chứng:

“Ví dụ như trường hợp một ông chánh án mất tư cách, mà họ cũng không làm sao để giám sát để mà thay đổi buộc ông ta từ chức hoặc cách chức. Những phiên tòa, những bản án đầy oan sai… Quốc hội cũng không làm gì được cả chục năm nay, bây giờ với năng lực như thế thì họ giám sát được gì nếu không thay đổi? Tức là thay đổi, loại bỏ những nhân vật ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’ khỏi Quốc hội. Tức là loại bỏ những người vẫn làm hành pháp, tư pháp nhưng vẫn là ĐBQH Quốc hội.”

Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, diễn ra tại Hà Nội hôm 17/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho biết Quốc hội Việt Nam sẽ giám sát nhiều vấn đề quan trọng từ năm 2024. Nhưng nhiều nhà quan sát trả lời RFA khi đó cho rằng, không đặt niềm tin  vào Quốc hội! Bởi vì Quốc hội tại Việt Nam là do Đảng cử, còn việc dân bầu chỉ là hình thức, tất cả những người tự ứng cử thì đều bị loại ngay từ vòng ngoài, tức là vòng hiệp thương. Một số lớn trong số những ứng cử viên đấy đã hoặc đang bị bắt cầm tù bởi những tội danh hết sức vu vơ.

Vì trong nội bộ Đảng CSVN vẫn chưa thực hiện được đầy đủ việc ứng cử, bầu cử, đề cử và tranh cử… cho nên chất vấn công khai, trả lời một cách trung thực trên Nghị trường Quốc hội thì ‘chỉ là mơ thôi’.

Related posts