Bộ Công Thương trả lời kiến nghị về điện mặt trời thiếu thuyết phục

Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương hôm 15/3/2023 đã có phản hồi văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của 36 doanh nghiệp đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió… về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo.

Theo truyền thông Nhà nước, trong phản hồi, Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương nhìn nhận Quyết định 21/QĐ-BCT 2023 Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng.

Bộ Công thương cũng cho rằng, việc giao cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp và phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên, Cục Điều tiết Điện lực vẫn giữ nguyên quan điểm việc ban hành Quyết định số 21 về khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định.

Giá điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn FIT là cao nhất, cao hơn cả giá điện bán ra thị trường. Giá điện bình quân bán ra còn thấp hơn giá mua vào, nhưng chỉ có giai đoạn đầu thôi.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Liên quan mức giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp giảm thấp hơn trước, Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết theo các số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh bất chấp sự gia tăng của chi phí vật liệu. Vì vậy, Cục này giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, hôm 17/3 nhận định:

“Giá FIT từ giai đoạn đầu Nhà nước đã đưa ra để ủng hộ, tức là giá ưu đãi. Sau giai đoạn ưu đãi hai năm thì bắt đầu quay trở lại bình thường, lúc đó qua đấu thầu với nhau, sẽ đưa ra giá sàn sau đó đấu thầu với nhau. Việt Nam làm thế cũng đúng theo chuẩn quốc tế. Giá điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn FIT là cao nhất, cao hơn cả giá điện bán ra thị trường. Giá điện bình quân bán ra còn thấp hơn giá mua vào, nhưng chỉ có giai đoạn đầu thôi. Giá điện gió, điện mặt trời cần phải thay đổi công nghệ để cho nó giảm giá thành bớt đi, chứ bây giờ là tương đối cao.”

Chỉ có một lưu ý theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, là trong giai đoạn vừa qua của Việt Nam nếu không dùng điện gió và điện mặt trời thì sẽ lỗ lớn. Bởi vì theo ông Lâm giá thành trong giai đoạn vừa qua do COVID-19 và chiến tranh Nga – Ukraine nên giá than tăng rất nhiều, mà đa số nguyên liệu Việt Nam phải nhập vào, nếu dùng sẽ bị lỗ, cho nên Việt Nam ủng hộ điện gió và điện mặt trời. Ông Lâm cho rằng nên giữ cho giá thành sản xuất điện thấp, vì nếu lên cao quá sẽ phá mặt bằng giá cả của Việt Nam, lạm phát sẽ tăng rất cao, về vĩ mô trước mắt là chưa nên tăng giá mua điện.

2e03d0ee-2edb-46c8-8cca-f5a00dcf956b.jpeg
Một dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. AFP PHOTO.

Trước đó, vào đầu tháng 3 năm 2023, 36 nhà đầu tư điện điện gió và điện mặt trời đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện khiến các nhà máy điện này đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.

Ông T. chủ một doanh nghiệp nuôi trồng ở Gia Lai có đầu tư thêm điện mặt trời, cho biết thực tế khó khăn khi bị giảm giá và cắt sản lượng điện:

“Ban đầu có chủ trương của Chính phủ tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nên tôi vay ngân hàng và tự bỏ vốn để làm (điện mặt trời). Lúc ban đầu cũng tạm ổn, có nghĩa là tiền lãi ngân hàng và tiền gốc cũng tạm ổn để cân bằng, dự kiến trong 10 năm có thể trả nợ cho ngân hàng. Bây giờ đã tiết giảm điện, giá giảm và mưa gió như thế này thì điện lại thấp… Cho nên bây giờ một tháng cắt giảm năm sáu ngày, công ty tôi lỗ khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng.”

Theo Bộ Công thương, cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Bộ Công thương cho rằng, khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế của các nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực.

Nếu thực tế đúng như thế thì nhà nước nên châm chước cho những dự án đó, áp dụng giá thu mua cao hơn. Còn những cái do chủ quan xây dựng chậm mà lại đòi thu mua giá cao là không được, không nên.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Liên quan vấn đề này, ông Lâm nhận định thêm:

“Việt Nam đã công bố trước đó là sau năm 2020 – 2021 sẽ không dùng giá FIT nữa, cho nên những dự án thực hiện sau đó thì không thể áp dụng giá FIT được nữa. Còn 36 công ty đề xuất không phải như thế, họ xây dựng trước, nhưng do khách quan, do COVID nên không đưa vào hợp đồng đúng hạn, người ta bị thiệt vì cái đó. chứ không phải do đầu tư sau. Nếu thực tế đúng như thế thì Nhà nước nên châm chước cho những dự án đó, áp dụng giá thu mua cao hơn. Còn những cái do chủ quan xây dựng chậm mà lại đòi thu mua giá cao là không được, không nên.”

Thứ hai, theo ông Lâm, giá của điện gió và điện mặt trời sau này còn kéo theo hệ quả của nó là giá còn cao nữa. Bởi vì điện gió và điện mặt trời ở ngoài biển hoặc vùng cao, xa lưới điện, phải chuyển vào, thêm phí truyền tải. Nếu Nhà nước để giá điện tăng cao, người dân sẽ không chịu nổi.

Ông Vũ Phong – Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong, khi trả lời RFA vào tháng 4 năm 2021, cho rằng, Chính phủ nên phân biệt rõ giữa các dự án điện mặt trời tự sản xuất và tiêu thụ với những dự án sản xuất điện để bán lên lưới, đồng thời vẫn nên khuyến khích các dự án điện mặt trời tự tiêu thụ mà vẫn không tạo thêm sức ép cho mạng lưới truyền tải. Ông nói tiếp:

“Nếu ta không làm rõ nguồn phát điện mặt trời là nguồn phát lên lưới, hay là nguồn tự sản xuất và tiêu thụ thì vô hình chung sẽ hạn chế mời gọi nhà đầu tư sản xuất xanh và sạch vào Việt Nam. Hoặc nhà đầu tư đã ở trong nước chưa có cơ hội đầu tư điện mặt trời thì cũng không đầu tư được hoặc cũng không có động lực để phát triển thêm.”

Theo số liệu của Bộ Công thương, đã có 55 địa phương đề xuất bổ sung nguồn điện gió vào quy hoạch phát triển điện VIII, với tổng công suất đạt hơn 440.000 MW.

Hai địa phương có nguồn điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời phát triển nhất là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận xin bổ sung vào quy hoạch điện VIII lần lượt hơn 25.300 MW và 42.595 MW.

Ngay cả một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… cũng xin Chính phủ bổ sung lượng lớn công suất điện gió, điện khí vào quy hoạch điện VIII trong lần sửa đổi trước. Cụ thể Quảng Ninh muốn bổ sung khoảng 5.000 MW điện gió; Hải Phòng đề nghị bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi; Thái Bình 8.700 MW điện gió; hay Nam Định 12.000 MW…

Related posts